Tập trung cải hoán, nâng cấp tàu công suất 90CV

02:10, 20/10/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo Luật Thủy sản 2017 và Nghị định 26/2019, thì tàu cá công suất máy chính từ 90CV trở lên, nhưng có chiều dài dưới 15m không được hoạt động ở vùng biển xa, khiến nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn.      

TIN LIÊN QUAN

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, lâu nay các ngành chức năng quản lý tàu cá bằng công suất, chứ không dựa trên độ lớn, mức choán nước và chiều dài của tàu. Tuy nhiên, thực hiện các nhóm khuyến nghị của Liên minh Châu Âu (EC), nên công tác quản lý tàu cá của ngư dân và hoạt động khai thác hải sản đã được Luật Thủy sản 2017 quy định theo hướng minh bạch, khoa học và tiến sát chuẩn thế giới.

Hơn nữa, từ khi EC áp dụng “thẻ vàng” thủy sản, nhiều mặt hàng hải sản khai thác phục vụ xuất khẩu của nước ta bị các nước truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt và áp dụng theo chiều dài tàu, chứ không theo công suất. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đã phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho tàu cá của Quảng Ngãi là 3.338 giấy phép. Còn 2.136 giấy phép cho tàu cá có chiều dài dưới 15m hoạt động vùng lộng và ven bờ.

Nhiều tàu công suất 90CV trở lên có chiều dài dưới 15m được ngư dân đưa đến các cơ sở để cải hoán, nâng cấp, nhằm đảm bảo quy định vươn khơi.
Nhiều tàu công suất 90CV trở lên có chiều dài dưới 15m được ngư dân đưa đến các cơ sở để cải hoán, nâng cấp, nhằm đảm bảo quy định vươn khơi.

Trước đây, điều kiện để chủ tàu được cấp giấy phép khai thác thủy sản xa bờ là tàu cá phải đảm bảo công suất máy chính từ 90CV trở lên, vì thế chiều dài của tàu ít được chủ tàu quan tâm. Do đó, khi Luật Thủy sản 2017 quy định “thước, tấc” cụ thể của tàu, thì nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan”.

“Tàu của tôi có công suất 120CV, chiều dài dưới 15m, đã bám vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa hàng chục năm rồi. Thế nhưng, chấp hành quy định mới, thời gian vừa rồi, tàu tôi không vươn khơi xa, mà chỉ hoạt động quanh vùng lộng. Vì vậy, không chỉ gia đình chật vật, mà bạn tàu cũng bỏ mình, vì thu nhập thấp”, ngư dân Mai Nga, xã Phổ Quang (Đức Phổ) cho biết.

Trước thực tế ở các địa phương ven biển, Bộ NN&PTNT đã ban hành Công văn số 5411, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố và đơn vị liên quan tổ chức rà soát, thông báo cho chủ tàu, ngư dân đăng ký nhu cầu cải hoán tàu cá có công suất từ 90CV trở lên, nhưng có chiều dài lớn nhất dưới 15m, để có đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi theo quy định tại Nghị định số 26.

Chậm nhất đến 31.12.2019, các địa phương phải hoàn thành việc rà soát, cập nhật (số tàu vừa hoán cải xong) và báo cáo, để Bộ xem xét, cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản ngoài khơi.

Theo đó, Chi cục Thủy sản tỉnh đã triển khai phổ biến nội dung Công văn 5411 đến ngư dân các địa phương trong tỉnh; sẵn sàng tiếp nhận và hướng dẫn ngư dân có nhu cầu cải hoán tàu cá thực hiện các thủ tục liên quan đúng thời gian quy định.

“Tuy nhiên, muốn cải hoán, chủ tàu phải đáp ứng đủ các điều kiện về lắp đặt máy giám sát hành trình, có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, chấp hành nghiêm việc ghi nhật ký khai thác và bắt buộc phải khai thác vùng khơi, cách bờ từ 33 hải lý trở lên”, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản tỉnh Phùng Đình Toàn cho biết.

Ngư dân phải thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan

Trước khi cải hoán tàu cá, chủ tàu phải gửi đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đến cơ sở đăng kiểm tàu cá, kèm theo bản chụp hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được đăng kiểm thẩm định, phê duyệt. Sau khi hoàn thành cải hoán, chủ tàu gửi hồ sơ đến Chi cục Thủy sản tỉnh, để thực hiện đăng ký lại tàu cá. Khi đã hội đủ các điều kiện theo quy định, chủ tàu gửi đơn đề nghị (kèm theo bản chụp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, chứng chỉ máy trưởng, thuyền trưởng) đến Chi cục Thủy sản tỉnh, để được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định.       

Bài, ảnh: MỸ HOA


.