Dịch tả heo Châu Phi: Đe dọa trang trại lớn

02:10, 16/10/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ khi xuất hiện trên địa bàn tỉnh (tháng 5.2019), dịch tả heo Châu Phi (ASF) chủ yếu gây thiệt hại tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhưng thời điểm này, dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập vào những cơ sở, trang trại chăn nuôi heo tập trung.

TIN LIÊN QUAN

Lây lan dịch từ thức ăn chăn nuôi

Thường xuyên phun hóa chất tiêu độc môi trường, chuồng trại và vệ sinh, khử trùng dụng cụ; siết chặt việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi, thực hiện phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vào khu vực chăn nuôi... nhưng chủ các cơ sở, trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn vẫn lo lắng.

“Dịch ASF lây lan từ nhiều nguồn, nguy cơ lây nhiễm rất cao, nên dù rất cẩn trọng, chúng tôi vẫn lo lắng”, chủ trang trại heo Võ Thành Hòa, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) cho biết.

Việc chôn lấp heo mắc bệnh ASF cần phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, để hạn chế  lây lan và xâm nhiễm mầm bệnh.
Việc chôn lấp heo mắc bệnh ASF cần phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, để hạn chế lây lan và xâm nhiễm mầm bệnh.

Theo quy định, khi xuất hiện ASF, sẽ bắt buộc tiêu hủy cả heo bệnh lẫn dụng cụ và thức ăn chăn nuôi thừa. Nhưng vì tiếc, nên có tình trạng người chăn nuôi lén lút trả lại thức ăn chăn nuôi cho đại lý, khiến mầm bệnh lây lan. Bởi trước đó, trang trại 100 con heo thịt của ông Đặng Bá, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) bị mắc bệnh ASF, cũng do xâm nhiễm từ thức ăn chăn nuôi.

Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) đã khuyến cáo các chủ trang trại và gia trại cần tập trung thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; đồng thời phân bổ dụng cụ và gần 27 nghìn lít hóa chất để thực hiện việc tiêu độc khử trùng chuồng trại và những khu vực xung quanh.

Chôn lấp không đúng quy định

Để ứng phó với dịch ASF, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tập trung hướng dẫn, tập huấn quy trình kỹ thuật, nhưng tại một số địa phương, việc tiêu hủy và chôn lấp heo mắc bệnh ASF thực hiện còn sơ sài.

Theo quy định, việc lựa chọn địa điểm chôn lấp phải thông qua ý kiến và được sự đồng thuận của người dân trong khu vực; đồng thời, hố chôn lấp bắt buộc phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích, nhằm tránh dịch lây lan và gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, một số địa phương lại “bỏ qua” các quy định trên.

Đơn cử như tại xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Thời gian qua, trên địa bàn xã có gần 1.000 con heo mắc bệnh ASF, phải tiêu hủy bắt buộc. Tuy nhiên, địa điểm chôn lấp một lượng lớn heo bệnh lại ở gần khu vực người dân 2 thôn Hà Nhai Nam và Hà Trung sinh sống. Lo ô nhiễm, người dân 2 thôn trên đã ngăn cản, đồng thời đào số heo dưới hố lên và yêu cầu chính quyền địa phương đưa đi chôn lấp ở nơi khác.

Việc chôn lấp heo bệnh không đúng quy trình kỹ thuật vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân, vừa tiềm ẩn nguy cơ phát tán và lây nhiễm mầm bệnh. Vì vậy, dù thời gian qua, bệnh ASF chủ yếu gây hại ở những hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch ASF, cộng với những tồn tại trong công tác phòng, chống dịch, chủ các trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn cũng đang thấp thỏm âu lo.

Bởi hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 111 xã của 13/14 huyện, thành phố (trừ huyện Lý Sơn) xuất hiện dịch ASF, có gần 27 nghìn con heo bị mắc bệnh, phải tiêu hủy bắt buộc. Điều này khiến nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra với hàng chục trang trại, cơ sở nuôi heo thịt với quy mô từ 500 - 6.000 con/lứa và hàng trăm gia trại nuôi heo nái sinh sản, heo thịt với số lượng từ 50 con trở lên.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 

Giá heo hơi tăng kỷ lục

Giá thu mua heo hơi tại Quảng Ngãi hiện đang ở mức 52.000 - 54.000 đồng/kg. So với giá bán tuần trước, giá heo đã tăng từ 7.000 - 9.000 đồng/kg. So với miền Bắc và miền Đông Nam Bộ, giá heo ở miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng là thấp nhất cả nước. Tại miền Bắc, giá heo hơi đã vượt ngưỡng 60.000 đồng/kg, miền Đông Nam Bộ ở mức bình quân 56.000 đồng/kg. Theo các công ty thu mua heo hơi, đây là mức giá tăng kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch tả heo Châu Phi khiến nguồn cung thu hẹp, một số vùng xuất hiện dịch chưa được phép tái đàn.

Thanh Nhị


 

 


.