Công tác đăng kiểm và xã hội hóa đăng kiểm tàu cá: Gặp khó do vướng quy định

09:06, 03/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017, trong đó có công tác đăng kiểm và xã hội hóa (XHH) đăng kiểm tàu cá. Tuy nhiên, việc thực hiện nội dung trên hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do... vướng quy định.

TIN LIÊN QUAN

“Hiện nay, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tỉnh đang tập trung thực hiện các điều kiện về thủ tục, cũng như hoàn thiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, để trình Bộ NN&PTNT xem xét, công nhận và phân loại Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tỉnh”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) Lê Văn Sơn cho biết. Theo đó, Trung tâm hiện có 9 đăng kiểm viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đăng kiểm cho các loại tàu cá có chiều dài dưới 24m.

 Sau ngày 25.4.2019, tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên sẽ đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm, thuộc Tổng cục Thủy sản, nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, tốn thời gian và chi phí đi lại.
Sau ngày 25.4.2019, tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên sẽ đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm, thuộc Tổng cục Thủy sản, nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, tốn thời gian và chi phí đi lại.


Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 26, để có thể đảm nhận đăng kiểm cho tất cả các loại tàu cá, cũng như nâng cao hiệu quả XHH công tác đăng kiểm tàu cá, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tỉnh phải được xếp loại I. “Điều kiện xếp loại I là đơn vị phải có ít nhất một đăng kiểm viên hạng I, nhưng đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT vẫn chưa mở lớp tập huấn, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đăng kiểm viên hạng I”, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tỉnh (Chi cục Thủy sản) Tạ Công Cuộc cho biết.

Trước thực trạng này, Chi cục Thủy sản đã tham mưu Sở NN&PTNT kiến nghị với Bộ NN&PTNT, nhưng đến nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa có hướng giải quyết, trong khi Nghị định 26 đã có hiệu lực từ ngày 25.4.2019. Sự chậm trễ này không chỉ khiến ngư dân gặp khó, mà còn ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện công tác đăng kiểm và XHH đăng kiểm tàu cá. Bởi cả nước hiện chỉ có một đăng kiểm viên hạng I, làm việc tại Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, thuộc Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT). Vì vậy, cũng chỉ có duy nhất đơn vị trên đủ điều kiện thực hiện công tác đăng kiểm đối với những chiếc tàu có chiều dài trên 24m.

“Số lượng tàu nhiều, mà chỉ có một đơn vị thực hiện việc đăng kiểm, nên xảy ra tình trạng ùn tắc, tồn đọng. Đó là chưa kể thời gian thực hiện các thủ tục quá lâu, chi phí đi lại tốn kém, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của ngư dân”, ngư dân Trần Cầu, xã Bình Chánh (Bình Sơn) cho biết.

Bên cạnh đó, việc chỉ có một đơn vị đăng kiểm tàu cá loại I cũng sẽ phát sinh nhiều bất cập. Vì theo Nghị định 26, việc XHH công tác đăng kiểm tàu cá không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân, mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Đăng kiểm tàu cá ở các địa phương, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Nghị định 26 cũng quy định, tổ chức đăng kiểm tàu cá địa phương đã hoạt động trước ngày nghị định có hiệu lực, vẫn tiếp tục hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện trước ngày 1.1.2020. Quy định là thế, nhưng đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, nên Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tỉnh cũng lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện công tác đăng kiểm tàu cá.

Bài, ảnh: MỸ HOA


.