Các ngân hàng chạy đua làm dịch vụ

02:02, 21/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thông thường, thu nhập từ hoạt động cho vay luôn đóng vai trò là nguồn thu chính của các ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng đang giảm dần sự phụ thuộc vào dịch vụ cho vay, mà tăng thu nhập từ các hoạt động dịch vụ phi truyền thống, như phí giao dịch, bảo hiểm, thẻ ATM và gần đây là thu hộ, thanh toán không dùng tiền mặt...

TIN LIÊN QUAN

Năm 2018, hoạt động ngân hàng tại Quảng Ngãi đã có sự khởi sắc. Nguồn tiền huy động tăng mạnh, nhất là Agribank Quảng Ngãi, với khoảng 9.600 tỷ đồng; kế tiếp là Vietcombank Quảng Ngãi 5.800 tỷ đồng; BIDV và Vietinbank xấp xỉ 5.000 tỷ đồng... Nợ xấu giảm, kết quả kinh doanh tăng cao, song mục tiêu hoạt động ngân hàng không chỉ dừng lại ở kinh doanh tín dụng. Năm 2019, các ngân hàng tập trung vào mảng kinh doanh dịch vụ, bởi đây là lĩnh vực giúp ngân hàng tăng nguồn thu, đảm bảo tăng trưởng ổn định.

Khởi nguồn của dịch vụ bảo hiểm tiền vay bắt nguồn từ những hợp đồng cho vay. Vì thế, muốn tăng thu từ loại phí này, các ngân hàng đang tìm kiếm đối tác để cho vay với khoản vay đúng mục đích, sử dụng vốn hiệu quả. Với mức bảo hiểm bình quân gần 1%, khi dư nợ tăng, kéo theo phí bảo hiểm thu về tăng theo. Phải khẳng định rằng, phí bảo hiểm tiền vay mục đích tránh rủi ro cho ngân hàng khi người vay không có khả năng trả nợ do điều kiện khách quan mang lại, nhưng đây là loại phí hầu hết người vay "cảm thấy khó chịu". Người vay cho rằng, khi họ đi vay vốn, ngay sau khi giải ngân, họ phải nộp phí bảo hiểm khoản tiền vay, khiến cho số tiền vay không còn đúng con số như trong hợp đồng ký kết.

Nhân viên Vietcombank Quảng Ngãi giải quyết thủ tục cấp thẻ ATM cho khách hàng.
Nhân viên Vietcombank Quảng Ngãi giải quyết thủ tục cấp thẻ ATM cho khách hàng.


Hiện tại, phí thẻ ATM là khoản tiền mà nhiều người dân thắc mắc nhất. Việc thu phí quá cao và các ngân hàng thu mức phí không đồng nhất, trong đó cao nhất là Vietcombank 11.000 đồng/tháng; các ngân hàng khác 8.800 đồng. Vị chi mỗi năm người dùng thẻ ATM phải bỏ ra khoản tiền từ 105.000  - 132.000 đồng, trong khi chất lượng dịch vụ chưa tương xứng.

Hầu hết người mở thẻ ATM chỉ thụ hưởng mỗi tháng 1 - 2 tin nhắn thông báo khi có khoản tiền chuyển vào, hay trừ đi trong tài khoản. Hoạt động rút tiền qua thẻ ATM lại phải chịu thêm khoản phí khác, với mức 1.100 đồng/lần rút. Ngân hàng nào càng có nhiều sự tương tác sử dụng thẻ ATM thì doanh thu từ dịch vụ này càng lớn. Vì thế các ngân hàng đua nhau mở thẻ ATM.

Ngoài việc thu hộ tiền điện thoại, tiền nước, tiền điện thắp sáng... gần đây các ngân hàng còn chạy đua vào loại hình dịch vụ mới là thanh toán không dùng tiền mặt. Những năm qua, các ngân hàng tích cực triển khai các công nghệ mới, ra mắt nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng, đi kèm với các ưu đãi cho khách hàng khi mở mới tài khoản. Mục đích tăng tỷ lệ người trưởng thành sử dụng tài khoản ngân hàng, thông qua đó giảm tỷ trọng thanh toán dùng tiền mặt trên cả nước.

Chính phủ chỉ đạo, trong năm 2019 có 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường... ở đô thị phải phối hợp với ngân hàng để thu học phí, viện phí, tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các ngân hàng trong tỉnh đang nỗ lực đầu tư áp dụng các công nghệ thanh toán thông qua ví điện tử, công nghệ NFC, thanh toán mạng xã hội, đặc biệt mới đây nhất là QR-code.

Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở dưới mức 10%. Hiện nay, chỉ còn chưa đến 2 năm nữa là đến hạn, nên các ngân hàng đang đua nhau giành thị phần. Các ngân hàng trong tỉnh còn hướng đến thu hộ viện phí, chi trả lương hưu, trợ cấp...

Để giành được thị phần, ngoài việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các ngân hàng cần thực hiện đảm bảo an toàn trong thanh toán, triển khai thêm các hình thức thanh toán, mở rộng hợp tác giữa các đơn vị dịch vụ công với ngân hàng.


Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.