Cần chấm dứt việc chèo kéo, nói thách giá ở chợ Quảng Ngãi

09:01, 26/01/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Chuẩn bị nguồn hàng dồi dào để phục vụ nhu cầu sắm Tết, chợ Quảng Ngãi những ngày này là điểm đến thu hút của nhiều người tiêu dùng. Nhưng một vấn nạn còn tồn tại lâu nay ở khu chợ lớn nhất tỉnh là việc chèo kéo, nói thách quá giá của các tiểu thương. Chính thói quen này càng ngày càng khiến nhiều người e dè, quay lưng với hàng hóa ở chợ.
Cận Tết chính là thời điểm nhộn nhịp nhất năm ở chợ Quảng Ngãi. Tiểu thương mạnh tay đầu tư thêm hàng hóa nhiều gấp 2-3 lần so với ngày thường. Người đi mua sắm cũng đông hơn hẳn.
 
Khu nhà chính ở chợ Quảng Ngãi được phân chia thành 2 tầng. Tầng dưới chủ yếu là bánh kẹo, hàng thực phẩm khô. Với mặt hàng này, các tiểu thương đã có ý thức niêm yết giá công khai với người tiêu dùng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, tiết kiệm thời gian mua sắm. Vì họ chỉ cần chọn sản phẩm phù hợp với túi tiền mà không cần hỏi đi, hỏi lại giá cả một sản phẩm.

 

Mặt hàng bánh kẹo là một trong số ít hàng hóa được niêm yết và bán giá công khai với người tiêu dùng tại chợ Quảng Ngãi
Mặt hàng bánh kẹo là một trong số ít hàng hóa được niêm yết và bán giá công khai với người tiêu dùng tại chợ Quảng Ngãi
 
Bà Trần Thị Hiền- tiểu thương sở hữu một kiốt bán bánh kẹo chia sẻ: Bản thân người bán niêm yết giá như vầy thì cũng có lợi. Vì khách hàng họ rất tinh tường và nắm giá rõ lắm. Mình mà nói thách, bán mắc hơn mặt bằng thì thể nào cũng mất mối ngay.
 
Thế nhưng, trong số hàng chục mặt hàng được bày bán ở chợ, thì chỉ duy có hàng bánh kẹo công khai giá. Các mặt hàng còn lại, nhất là hàng quần áo ở tầng 2 của chợ Quảng Ngãi, tình trạng nói thách giá, chèo kéo xảy ra thường xuyên. Nhất là ngày giáp Tết, người đi chợ có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh không đẹp mắt. Thậm chí, những lời lẽ thiếu văn hóa khi khách không chọn món hàng ưng ý hay mặc cả giá quá thấp liên tiếp xảy ra.
 
Một chiếc áo ấm nam được người bán hét giá hơn 700 nghìn. Nhưng sau một hồi chèo kéo, mặc cả, cũng chiếc áo ấy, được bán ra với giá hơn 200 nghìn đồng. Đã trả thấp hơn gấp 3 lần, nhưng chị Nguyễn Thị Ánh- ngụ ở xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa vẫn có cảm giác bị “hớ”. “Trả thấp vậy đó mà vẫn mua được. Nhưng thật sự tôi vẫn thấy lo lo, chả biết giá thiệt của cái áo là bao nhiêu nữa”- chị Ánh băn khoăn.
 
Không chỉ hàng quần áo, mặt hàng giày dép, túi xách ở chợ Quảng Ngãi cũng được “hét” giá trên trời khi sức mua bắt đầu “nóng”. Cũng với đôi giày nữ ấy, cửa hàng này thách giá hơn 400 nghìn đồng. Qua cửa hàng khác đã bị đẩy lên hơn 500 nghìn. Chính tình trạng hỗn loạn giá, đã khiến nhiều người tiêu dùng bối rối và e dè.
 
Chị Trần Thu Hương- ngụ ở phường Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi bộc bạch: Cực chẳng đã mới ghé chợ mua đồ thôi. Vì giá cả bị nói thách cao quá. Có lần mình nghe thách giá quá cao so với giá trị thật của món đồ nên không mua nữa, thì bị kéo lại và nói kiểu “không mua thì không xong đâu”. Mua bán vậy thì mệt lắm. Nên tôi chọn mua ở siêu thị, cửa hàng quần áo với cung cách phục vụ tốt hơn nhiều.
 
Việc nói thách giá gấp 2-3 lần so với giá thực đã “ăn sâu” vào phong cách bán hàng của nhiều tiểu thương ở chợ Quảng Ngãi. Đành rằng việc nói thách là chuyện thường tình, nó còn được xem như là “văn hóa chợ” của người Việt. Nhiều người xem việc nói thách và mặc cả là một thói quen, thậm chí là thú vui khi đi chợ. Tuy nhiên, nếu nói thách vượt quá mức bình thường, sẽ trở thành phản văn hóa, làm khách hàng mất niềm tin vào các quày hàng ở chợ.
 
Trong khi đó, trên địa bàn TP.Quảng Ngãi ngày càng có nhiều cửa hàng, siêu thị niêm yết giá công khai với chất lượng sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú. Tại đây, khách hàng được đối xử một cách niềm nở, theo đúng quan niệm “khách hàng là thượng đế”. Giá cả lại phải chăng, phù hợp với túi tiền của nhiều người. 
 
Nếu không thay đổi văn hóa kinh doanh, thì các tiểu thương ở chợ truyền thống sẽ khó cạnh tranh với các cửa hàng, siêu thị có phong cách phục vụ tốt hơn
Nếu không thay đổi văn hóa kinh doanh, thì các tiểu thương ở chợ truyền thống sẽ khó cạnh tranh với các cửa hàng, siêu thị có phong cách phục vụ tốt hơn.
 
Để hạn chế tình trạng nói thách giá ở chợ, ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền cho các hộ kinh doanh niêm yết giá bán, bán đúng giá niêm yết. Đồng thời, nhắc nhở, xử lý với những trường hợp vi phạm, đặc biệt ở nhóm các mặt hàng thiết yếu.
 
Ông Lê Văn Vũ- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục quản lý thị trường cho biết: Thời điểm trước, trong và sau Tết, ngoài việc kiểm tra chất lượng nguồn hàng, chúng tôi cũng nhắc nhở tiểu thương về việc thực hiện đúng Luật Giá, nhưng vẫn còn tình trạng tiểu thương vi phạm, chưa chấp hành việc niêm yết giá công khai.
 
Chợ Quảng Ngãi là chợ lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi với thiết kế hơn 1.600 lô, sạp, ki ốt. Trong đó, có hơn 900 lô, sạp kinh doanh bánh kẹo, thực phẩm khô và quần áo, giày dép. Chợ là nơi tạo ra thu nhập cho hơn 1.400 tiểu thương đăng kí kinh doanh.
 
Khi ngày càng có ít người dân “mặn mà” với chợ truyền thống, thì các tiểu thương ở chợ cần thay đổi văn hóa kinh doanh. Nhất là loại bỏ hoàn toàn văn hóa nói thách giá quá cao, chèo kéo khách hay cư xử thiếu văn hóa với khách hàng. Có như vậy, thì hàng hóa ở chợ mới đủ sức cạnh tranh, cũng như gầy dựng hình ảnh thương mại chuyên nghiệp cho các tiểu thương chợ Quảng Ngãi.
 
Bài, ảnh: Thiên Vương

 


.