Những lưu ý trong vụ đông xuân

02:12, 27/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trời lạnh kèm mưa kéo dài, nhưng nông dân các địa phương trong tỉnh vẫn khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, nạo vét kênh mương, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho vụ sản xuất đông xuân 2017- 2018.

TIN LIÊN QUAN


Đảm bảo lịch thời vụ

Dù trời lạnh giá, nhưng bà Huỳnh Thị Tường, ở thôn Ngọc Dạ, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) vẫn bận rộn với công việc đồng áng. Bởi một phần đám ruộng bị đất cát bồi lấp do mưa lũ, bà phải thuê thêm nhân công thu dọn để kịp làm đất xuống giống gieo sạ vụ lúa đông xuân.

 Xã Bình Chương đang tập trung dồn điền đổi thửa, đảm bảo tiến độ gieo sạ.
Xã Bình Chương đang tập trung dồn điền đổi thửa, đảm bảo tiến độ gieo sạ.


Bà Tường, cho biết: “Năm nay mưa lũ liên tiếp lại thêm lạnh kéo dài, nên việc dọn đồng có nhiều khó khăn, cũng như chi phí đội lên. Tuy nhiên, để đảm bảo theo lịch thời vụ thì mình cũng phải tranh thủ dọn ruộng và tham gia nạo vét kênh mương đưa nước về đồng kịp sản xuất”.

Còn tại Bình Sơn, những ngày này, các địa phương trong huyện cũng đang tập trung dồn điền đổi thửa để đảm bảo lịch gieo sạ đúng tiến độ. Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp 1 Bình Chương Hoàng Thị Ba, cho biết: “Theo kế hoạch, vụ đông xuân này, HTX đảm nhận dồn điền đổi thửa 20ha. Do diện tích nằm trong vùng trũng, lại bị sa bồi thủy phá nặng, nên công tác dồn điền không thuận lợi. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã hoàn thành 95% khối lượng công việc và sẽ chia ruộng cho bà con vào ngày 30.12 tới, đảm bảo kế hoạch gieo sạ”.

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2017 - 2018 toàn tỉnh  gieo sạ trên 39.000ha lúa, với các giống chủ lực KDđb, KD28, MT10, TBR225, VTNA2. Song, tùy theo điều kiện của từng địa phương, có thể áp dụng thêm một số loại giống bổ sung như OM6976, DT45, ĐH815-6, Thiên Ưu 8.

Vào thời điểm này, những nông dân vùng cao cũng tất bật ra đồng dọn ruộng, vét mương và xuống giống vụ mới.

Theo lịch thời vụ thì thời gian xuống giống vụ đông xuân bắt đầu từ ngày 25.12.2017 và dự kiến kết thúc ngày 10.1.2018. Tuy nhiên, những ngày qua thời tiết vẫn còn lạnh giá; đồng thời theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, trong những ngày tới sẽ có mưa to trên diện rộng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 16. Do đó, các phòng NN&PTNT của các huyện đã thông báo đến các xã để người dân chủ động trong việc gieo sạ nhằm tránh những thiệt hại có thể xảy ra.

Giá vật tư tăng mạnh

Một trong những bất lợi cho bà con nông dân trong tỉnh là vụ đông xuân năm nay giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng mạnh so với vụ hè thu.

Theo đó, phân Urê hiện giá bán sỉ tại kho của Công ty CP Vật tư kỹ thuật Nông lâm nghiệp là 370.000 đồng/bao 50kg, tăng 35.000 – 45.000 đồng/bao so với vụ hè thu; phân DAP giá 780.000 đồng/bao, tăng khoảng 60.000 đồng/bao. Riêng phân NPK và kali không có biến động mấy so với vụ trước. Tuy nhiên, theo đại diện kinh doanh của Công ty CP Vật tư kỹ thuật Nông lâm nghiệp thì, giá đến tay người nông dân thông qua các đại lý sẽ bị đẩy lên thêm 60 - 70 nghìn đồng/bao.

Không chỉ giá phân bón tăng, giá thuốc bảo vệ thực vật cũng đã tăng từ 5 - 10% ở tất cả các loại so với vụ trước. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Còn đối với giống lúa, giá vẫn nằm ở mức tương đối ổn định.

Hiện nay Trung tâm Giống Quảng Ngãi và các đơn vị cung ứng đảm bảo nguồn giống lúa phục vụ sản xuất. Trong đó, Trung tâm Giống đã cung cấp đến các địa phương khoảng 600 tấn giống các loại và dự phòng khoảng 300-400 tấn giống ngắn ngày phòng lúc thiên tai, xảy ra tình trạng thiếu giống.

Chủ động phòng trừ sâu bệnh

Năm nay thời tiết có nhiều thay đổi, mưa lạnh kéo dài. Đây là điều kiện để sâu bệnh phát triển, gây hại cây trồng. Do đó, ngành nông nghiệp và đội ngũ khuyến nông viên, cán bộ kỹ thuật cơ sở đang tập trung vận động người dân bón lót vôi bột, cày dầm đất nhằm hạn chế sâu bệnh phát sinh khi gieo sạ. Mặt khác, nông dân cần thường xuyên theo dõi thời tiết và thăm đồng để có biện pháp chủ động phòng trừ.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn Phạm Hồng Nguyên, cho biết: “Huyện thường xuyên theo dõi, hướng dẫn và khuyến cáo bà con áp dụng đúng cơ cấu giống cũng như kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc trong những ngày mưa lạnh kéo dài. Huyện cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất và phân công cán bộ kỹ thuật đứng cánh để kịp thời hỗ trợ khi xảy ra dịch bệnh trên cây trồng”.


Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.