"Điểm bán hàng Việt cố định, bền vững": Thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt ở vùng xa

08:07, 24/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Quảng Ngãi đã thực hiện một số mô hình thích hợp, mang lại hiệu quả nhất định. Năm 2017, Sở Công thương tiếp tục triển khai mô hình “Điểm bán hàng Việt cố định, bền vững”, nhằm thúc đẩy hơn nữa thị trường  tiêu thụ hàng hóa trong nước tại các địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Tháng 7.2017, Sở Công thương đã khai trương 3 “Điểm bán hàng Việt cố định, bền vững” tại huyện Bình Sơn, Ba Tơ và Trà Bồng. Ba điểm bán hàng này trước đó là những cửa hàng tạp hóa lớn; hàng hóa nội địa, rất đa dạng, phong phú, gần như chợ thu nhỏ, có thể đáp ứng nhu cầu mua sắm cho sinh hoạt của người dân quanh vùng, kể cả người dân vùng sâu, vùng xa.

Vì thế, Sở Công thương đã chọn xây dựng “Điểm bán hàng Việt cố định, bền vững”, để hỗ trợ thêm một số điều kiện, cơ sở vật chất kinh doanh, tạo điều kiện hơn nữa cho những cửa hàng tạp hóa này thu hút đông đảo người dân đến mua sắm.

"Điểm bán hàng Việt cố định, bền vững" tại cửa hàng Cô Bốn, thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ).


Tại huyện Ba Tơ, cửa hàng tạp hóa “Cô Bốn” tại thị trấn Ba Tơ được chọn có không gian rộng rãi, hiện đang cung ứng ra thị trường hàng nghìn mặt hàng, trong đó 100% là hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Bà Nguyễn Thị Bốn, chủ cửa hàng tạp hóa Cô Bốn, cho biết: “Việc quan tâm hỗ trợ của Sở Công thương, giúp cửa hàng có thêm điều kiện phân phối ổn định hàng hóa, tính toán giảm giá một số sản phẩm so với giá thị trường, để người dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuận lợi trong mua sắm”.

Sở Công thương xác định: Điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt” là trọng tâm của nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững, thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giai đoạn 2014 – 2020.

Mục tiêu là đến năm 2020, hầu hết các huyện đều xây dựng được Điểm bán hàng Việt mang tên “Tự hào hàng Việt”. Trong quá trình triển khai thực hiện, Sở Công thương ưu tiên xây dựng điểm bán này ở vùng sâu, vùng xa hoặc khu công nghiệp. Qua đó, hỗ trợ người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng, với giá thành cạnh tranh.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn An, cho biết: “Điểm bán hàng Việt cố định, bền vững” còn hướng tới là điểm phát luồng hàng hóa trong khu vực, điểm tập kết các đặc sản vùng, địa phương, nhằm tăng cường quảng bá du lịch, gắn kết một cách phù hợp với bình ổn thị trường, an toàn thực phẩm và các chương trình khác tại địa phương”. Đây cũng là điểm bán hàng Việt Nam chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có sự giám sát của Sở Công thương.

Đã có 4 điểm “Điểm bán hàng Việt cố định, bền vững”   

Tại Quảng Ngãi, năm 2016, Sở Công thương đã triển khai thí điểm“Điểm bán hàng Việt” tại thị trấn Di Lăng (Sơn Hà). Tính chung, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 4 điểm bán hàng ở Ba Tơ, Bình Sơn, Trà Bồng và Sơn Hà. Đến thời điểm hiện tại, cả nước có 49 tỉnh, thành phố, trong đó có Quảng Ngãi được Bộ Công thương chọn triển khai “Điểm bán hàng Việt cố định, bền vững”, với 87 điểm bán tại vùng sâu, vùng xa và khu công nghiệp.

 


Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.