Ngư dân chuyển đổi ngành nghề

09:06, 16/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là đối tượng “hạn chế phát triển”, nên những năm qua, tàu lưới kéo (giã cào) không được cấp phép đóng mới. Do vậy, một số ngư dân có tàu lưới kéo đã mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề, để vừa nâng cao hiệu quả khai thác, vừa góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ.
Đầu năm 2016, khi đang neo đậu tại trạm Lạc, tỉnh Thanh Hóa, một chiếc tàu giã cào có công suất 380CV của ngư dân Nguyễn Văn Khoén, ở thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) bị cháy. Vì giã cào phải đi tàu đôi, nên ông Khoén nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng trong tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cấp phép đóng mới bổ sung một chiếc tàu để có phương tiện hành nghề. Tuy nhiên, vì vướng chủ trương “không cấp phép đóng mới tàu lưới kéo” của Bộ NN&PTNT, nên chiếc tàu giã cào còn lại của ông Khoén đành "lẻ bạn".
 
Sau nửa năm chờ đợi, ông Khoén quyết định bán chiếc tàu công suất 410CV, để chuyển nghề. “Chấp hành chủ trương không đóng mới tàu lưới kéo, nhưng không vì thế mà mình bỏ nghề biển. Để có chiếc tàu lưới vây công suất 400CV vươn khơi bám biển, tôi cũng phải vay mượn thêm”, ông Khoén chia sẻ. Gần một năm sau khi chuyển sang hành nghề lưới vây, dù gặp rất nhiều khó khăn vì tàu mới, nghề mới, ngư trường cũng mới, nhưng ông Khoén rất phấn khởi vì làm ăn hiệu quả.
 
Còn ngư dân Võ Thu, thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cũng đang tất bật đóng mới, hoàn thiện chiếc tàu hành nghề câu. Đầu tháng 4.2017, khi đang di chuyển ngư trường khai thác hải sản trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, một chiếc tàu lưới kéo công suất 350CV của ông Thu bị chìm.

 

Chiếc tàu
Chiếc tàu "chuyển nghề" của ông Võ Thu, ở thôn Thạnh Đức 2 (Đức Phổ) đang giai đoạn hoàn thiện
 
Chiếc còn lại có công suất 400CV cũng rơi vào cảnh “lẻ bạn”, vì không được các ngành chức năng cấp phép đóng mới bổ sung. Để tiếp tục vươn khơi, ông Thu quyết định chuyển sang nghề câu và đầu tư đóng mới chiếc tàu có công suất 410CV, kinh phí trên 3,5 tỷ đồng. “Ngư dân chuyển nghề khó lắm, nhưng vì không thể bỏ biển, nên mình phải cố gắng chứ không thể trông chờ Nhà nước hỗ trợ mãi được”, ông Thu cho biết.
 
Cùng với ông Khoén, ông Thu, nhiều ngư dân trong tỉnh cũng mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, không phải ngư dân nào cũng có điều kiện đầu tư phương tiện, ngư lưới cụ để chuyển nghề và hoạt động hiệu quả.
 
Ngư dân Phạm Quang Vinh, ở thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cho rằng, mỗi ngành nghề có đặc thù riêng nên khi chuyển đổi, ngư dân rất khổ. Như ông Vinh, sau khi một chiếc tàu lưới kéo bị chìm, gia đình cũng tính đầu tư đóng chiếc tàu hành nghề câu, công suất 700CV, tổng mức đầu tư trên 4 tỷ đồng. Nhưng khi thấy một số ngư dân chuyển nghề thường xuyên lỗ tổn, do chưa tìm được ngư trường đánh bắt hiệu quả, nên ông Vinh gác lại ý định đóng mới chiếc tàu hành nghề câu.
 
 “Mấy chục năm gắn bó với nghề lưới kéo, nên đâu thể quên ngay được. Giờ chuyển nghề, thời gian đầu tôi phải đi bạn cho các tàu chuyên nghề câu để học hỏi kinh nghiệm”, ông Vinh bộc bạch.
 
Tuy ủng hộ chủ trương không phát triển tàu giã cào, nhưng Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Văn Sơn cho rằng, tất cả các tàu lưới kéo của ngư dân “lẻ bạn” là do nguyên nhân khách quan như chìm, cháy. Tuy nhiên, vì không được đóng mới bổ sung, nên nhiều ngư dân phải bỏ biển, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Thậm chí, vì mưu sinh, một số ngư dân đến các tỉnh khác mua lại tàu cũ, hoặc nhờ người quen đứng tên đóng mới tàu. Điều này không chỉ tăng chi phí đầu tư cho ngư dân, mà còn tác động tiêu cực đến công tác quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh.
 
 “Vì vậy, để giúp nhiều ngư dân có điều kiện chuyển đổi ngành nghề, vươn khơi bám biển, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ bà con tiếp cận nguồn vay vốn ưu đãi. Bởi, sau khi bị rủi ro, ngư dân cũng kiệt quệ về kinh tế, nên việc quay vòng vốn đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại”, ông Lê Văn Sơn cho biết.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA

.