Cá tầm, mắc ca sau nhiều năm thử nghiệm

03:04, 05/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quyết tâm tìm mô hình vượt trội về giá trị kinh tế so với cây cau, lúa, keo, mì, con trâu, con heo... huyện Sơn Tây đã mạnh dạn thử nghiệm nuôi cá tầm, trồng cây mắc ca. Sau nhiều năm thử nghiệm, loại cây trồng, vật nuôi này đã cho kết quả nhất định...          

TIN LIÊN QUAN

Mắc ca ra quả, cá tầm  sinh trưởng tốt

Đến tháng 3.2017, sau gần 4 năm triển khai thí điểm mô hình trồng cây mắc ca, huyện Sơn Tây đã phối hợp với nhiều cơ quan kiểm tra, đánh giá kết quả bước đầu về mô hình này. Trong đoàn kiểm tra có cả đại diện Hiệp hội Mắc ca Việt Nam.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng kiểm tra diện tích mắc ca trồng thử nghiệm hiện đã cho quả.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng kiểm tra diện tích mắc ca trồng thử nghiệm hiện đã cho quả.

Mô hình trồng thử nghiệm cây mắc ca trồng tại 3 xã là Sơn Long, Sơn Liên và Sơn Bua, với diện tích 6ha, tổng kinh phí gần 1,3 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2014 – 2017. Sau 3 năm trồng thử nghiệm, đến nay cây mắc ca đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tại xã Sơn Long, một số cây trên diện tích thí điểm và cả diện tích đối chứng đã ra nhiều hoa, một số cây cho quả.

Mắc ca tại xã Sơn Liên lượng cây ra hoa không nhiều, nhưng phát triển tốt. Tại xã Sơn Bua, cây mắc ca bị chết khá nhiều. Số cây sống cũng không xanh tốt như ở Sơn Long và Sơn Liên. Các chuyên gia hàng đầu về cây mắc ca đánh giá là do điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở Sơn Bua không thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển.

Đối với mô hình nuôi cá tầm ở suối Bua thuộc xã Sơn Bua, đến thời điểm hiện tại có nhiều đoàn kiểm tra đánh giá và khẳng định điều kiện tự nhiên rất thích hợp nuôi cá tầm. Hiện tại, trong các ao nuôi có đến hàng ngàn con cá tầm đủ kích cỡ, trọng lượng do trong suốt thời gian thử nghiệm, Sơn Tây thả nuôi nhiều lứa cá con vào các thời điểm khác nhau. Kết quả cá đều sinh trưởng, phát triển đạt yêu cầu. Hiện tại có khá nhiều cá tầm lứa thả nuôi đầu tiên có trọng lượng từ 12 - 15kg/con.

Muốn thành công, cần nhiều yếu tố

Với cây mắc ca, qua kiểm tra, khảo sát thực tế, Thạc sĩ Đỗ Thanh Tân - Cán bộ kỹ thuật Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đánh giá cao về khí hậu, thổ nhưỡng cũng như vị trí địa lý của huyện Sơn Tây là rất phù hợp cho cây mắc ca phát triển ra hoa, đậu quả và đề xuất huyện Sơn Tây cần xem xét mở rộng diện tích.
 
Cá tầm nuôi tại Sơn Bua có nhiều con đạt trọng lượng 13 - 15kg/con.
Cá tầm nuôi tại Sơn Bua có nhiều con đạt trọng lượng 13 - 15kg/con.

Tuy nhiên, với cây mắc ca và một số cây trồng có giá trị kinh tế cao khác hiện nay việc thành công, nhân rộng mô hình lại không phụ thuộc hoàn toàn vào sản lượng mà cây trồng đem lại. Chính thị trường và đầu ra của "cây thử nghiệm" mới là yếu tố quyết định đến việc có nên xem đây là loại cây góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân vùng núi Sơn Tây hay không. Bởi mắc ca là loại cây có thời gian sinh trưởng, ra hoa và cho thu hoạch quả tương đương với cây keo, tức khoảng 4 - 5 năm. Hiện nay ở Sơn Tây đất trống đã không còn. Người dân muốn trồng mắc ca thì phải thôi trồng keo. Nếu mắc ca thất bại, nông dân mất thu nhập trong nhiều năm theo đuổi, cuộc sống sẽ khó khăn. Với con cá tầm, lo lắng hiện nay cũng đang tập trung vào đầu ra cho cá thương phẩm.  

Sản phẩm cá tầm hiện tại của các doanh nghiệp đã và đang nuôi chủ yếu xuất sang Nga. Nhưng hàng rào kỹ thuật khắc khe. Gần như mỗi con cá tầm xuất bán vào thị trường Nga đều phải có giấy chứng minh nguồn gốc "hàng sạch". Riêng việc nuôi cá tầm chỉ để tiêu dùng nội địa theo kiểu "đặc sản Sơn Tây" sẽ rất bấp bênh, khó khăn, nên doanh nghiệp chưa mạnh dạn.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng, cho biết: "Huyện quyết tâm tìm hướng đột phá trong phát triển kinh tế địa phương, trong đó có mô hình cá tầm và cây mắc ca. Đối với cá tầm, sau khi xác định điều kiện tự nhiên phù hợp qua nuôi thử nghiệm, huyện đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dự án nuôi cá tầm quy mô hơn. Riêng cây mắc ca, Sơn Tây đang tính toán, cân nhắc để tìm giải pháp phát triển, nhân rộng mô hình. Mục tiêu là giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững".
 

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 


.