(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, nhưng vẫn còn không ít thủ tục chưa thể làm hài lòng các nhà đầu tư.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những điểm yếu
Theo kết quả xếp hạng PCI năm 2015 do Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố, thì có hai “điểm yếu” mà Quảng Ngãi cần hết sức lưu tâm là chỉ số về gia nhập thị trường và tiếp cận đất đai. Trong đó, với chỉ số gia nhập thị trường đạt 7,8 điểm, Quảng Ngãi đã giảm 1,17 điểm và giảm 11 bậc trên bảng xếp hạng. Điều này cho thấy, điều kiện cho doanh nghiệp (DN) thành lập mới ở tỉnh ta chưa được quan tâm; thời gian thực hiện các thủ tục giữa các cơ quan quản lý nhà nước và DN chậm được rút ngắn.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ tìm hiểu hoạt động của Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Sumida (KCN Tịnh Phong). |
Còn đối với chỉ số tiếp cận đất đai, Quảng Ngãi đạt 5,63 điểm, so với năm 2014 giảm 0,12 điểm và giảm 9 bậc, xếp hạng thứ 44. “Bên cạnh yếu tố ngoại cảnh là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp khó, thì cái khó nhất mà nhà đầu tư muốn nói với cơ quan nhà nước là tính công khai minh bạch, các thủ tục về đất đai và chi phí ngầm về đất đai còn lớn.
Vấn đề đặt ra hiện nay là, phải tăng cường đối thoại, trao đổi, tiếp xúc, gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh, các ngành và địa phương với DN để tiếp nhận thông tin và giải quyết những bức xúc cho người dân, DN. Có như vậy, môi trường đầu tư mới tốt hơn”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ nhấn mạnh tại Hội nghị phân tích, đánh giá kết quả PCI của tỉnh năm 2015.
Còn theo ông Kim Yong Soo – Phó Tổng Giám đốc Công ty Doosan Vina, “điểm yếu” của Quảng Ngãi hiện nay là thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp và chưa rõ ràng. “Quảng Ngãi có cơ chế “một cửa”, nhưng dường như cơ chế này vẫn chưa triệt để. Chẳng hạn để thực hiện một quy trình thủ tục nào đó cho nhà đầu tư thì chưa có một cơ quan đầu mối hướng dẫn từ A đến Z mọi thủ tục.
Do đó, để hoàn thiện một hồ sơ như vậy nhà đầu tư phải mất thời gian đi lại nhiều lần đến các cơ quan liên quan. Tôi nghĩ nếu tỉnh cải thiện được vấn đề này, tức là có hình thức hỗ trợ trọn gói cho DN, thì môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh sẽ cải thiện rất nhiều”, ông Kim Yong Soo nói.
Mong muốn của DN
Ông Phan Quang Đoan - Trưởng phòng Hành chính Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Gemadept Dung Quất cho biết: Sau khi được đầu tư nâng cấp bến cầu từ 30.000 DWT lên đến 70.000 DWT (năm 2014) và xây dựng thêm các công trình phụ trợ khác, Cảng quốc tế Gemadept Dung Quất trở thành cảng có khả năng tiếp nhận tàu lớn nhất khu vực miền Trung. Cảng thương mại hiện đại này đã và đang góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất.
Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là thị trường hàng hóa ở KKT Dung Quất cũng như Quảng Ngãi chưa đa dạng. Một số nhà đầu tư chưa thực hiện đầu tư đúng như cam kết ban đầu, khiến hàng hóa ít, manh mún, dẫn đến hiệu quả kinh doanh dịch vụ của Cảng Gemadept cũng ảnh hưởng theo.
Năm 2015 hàng hóa qua cảng đạt khoảng 1,5 triệu tấn và trong 6 tháng đầu năm 2016 khoảng 800.000 tấn, trong đó có đến 95% là sản phẩm gỗ keo xuất khẩu. “Chúng tôi mong muốn có nhiều nhà đầu tư đến Quảng Ngãi đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, làm ra nhiều sản phẩm cũng như hình thành nên những chuỗi hàng hóa lớn, dịch vụ logistic. Để qua đó cảng quốc tế Gemadept phát huy thế mạnh của mình, mở tuyến tàu vận tải container phục vụ vận chuyển hàng hóa...”, ông Đoan nói.
Còn ông Phạm Văn Hùng – Giám đốc Công ty PTSC Quảng Ngãi thì mong muốn: “Tỉnh cần có những chương trình hành động cụ thể, rà soát lại những điểm mạnh – yếu của các DN. Từ đó, có giải pháp hỗ trợ cho DN hoàn thiện năng lực của mình, để sẵn sàng và đứng vững trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay”.
Bài, ảnh: PHẠM DANH