Đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành công nghiệp: Cần những giải pháp hữu hiệu

09:04, 05/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định, phát triển công nghiệp là một trong ba nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn 2015-2020, để qua đó sớm đưa tỉnh ta trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

TIN LIÊN QUAN

Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 đạt giá trị khoảng 113 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 14-15% (không tính sản phẩm Nhà máy lọc dầu) như chỉ tiêu Nghị quyết XIX đề ra, đòi hỏi phải có sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị. Đồng thời những giải pháp đặt ra cũng phải thật khả thi, sát thực tiễn...

Nhìn thẳng vào thực trạng

Năm năm trở lại đây, công nghiệp trở thành một điểm sáng trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh chiếm khoảng 62%. Giai đoạn 2011- 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng bình quân 5,4%/năm. Riêng sản phẩm lọc dầu tăng 2,6%/năm và sản phẩm ngoài dầu tăng 15,5%/năm.

Cần thu hút đầu tư các dự án vệ tinh để khai thác sản phẩm sau lọc dầu và phục vụ phát triển của NMLD Dung Quất.
Cần thu hút đầu tư các dự án vệ tinh để khai thác sản phẩm sau lọc dầu và phục vụ phát triển của NMLD Dung Quất.


Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành công nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại như: Vốn đầu tư cho phát triển sản xuất hạn chế; tăng trưởng công nghiệp đạt thấp so với chỉ tiêu Nghị quyết XVIII. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh kém. Công nghiệp chế biến, hỗ trợ và hóa dầu chưa phát triển. Chưa hình thành được các chuỗi dự án nhà máy liên kết sản xuất công nghiệp nặng, sản phẩm sau lọc dầu, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistic...

Nguyên nhân chủ quan của thực trạng trên bởi công tác dự báo phát triển kinh tế chưa sát đúng với điều kiện, tình hình thực tế ở tỉnh, trong khi một số chỉ tiêu xây dựng quá cao, khó phấn đấu. Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào tỉnh thiếu tính hấp dẫn và nổi trội so với một số tỉnh trong khu vực miền Trung. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng, nhất là đối với ngành công nghiệp có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao. Các doanh nghiệp thì chậm đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng trình độ quản lý sản xuất tiên tiến và thiếu chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế...

Những giải pháp đặt ra

Nhìn thẳng, đánh giá đúng thực trạng phát triển công nghiệp của tỉnh thời gian qua, chúng ta sẽ đưa ra được những giải pháp phù hợp.

Ông Trương Quang Dũng- Quyền Giám đốc Sở Công thương cho rằng, để đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành công nghiệp một cách bền vững, vấn đề đặt ra hiện nay là cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, đề án, chương trình phát triển thuộc lĩnh vực công nghiệp, phù hợp với tình hình, điều kiện của tỉnh, với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó tập trung huy động, ưu tiên các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu tư sản xuất, thúc đẩy công nghiệp phát triển. Đặc biệt, thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp trong nước và FDI vào tỉnh đầu tư kinh doanh hạ tầng công nghiệp, mà điển hình là Dự án Khu Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP Quảng Ngãi. Tập trung đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng KKT Dung Quất, đảm bảo cho KKT này phát huy tốt hơn nữa vai trò hạt nhân, động lực trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó cần thu hút các dự án vệ tinh phục vụ phát triển công nghiệp nặng, liên kết với Doosan Vina và công nghiệp sau lọc hóa dầu, nhằm sớm hình thành Trung tâm lọc hóa dầu của quốc gia tại KKT Dung Quất.

Ngoài ra, tỉnh cần đầu tư hạ tầng KCN Phổ Phong (thuộc tuyến hành lang kinh tế dọc theo Quốc lộ 24), nhằm phát triển công nghiệp cân đối giữa các vùng, miền trong tỉnh. Đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố để thúc đẩy phát triển công nghiệp ở nông thôn, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông dân. Cùng với đó, tỉnh cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư, không ngừng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Kịp thời nắm bắt, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hình thành và phát triển các thị trường lao động, khoa học công nghệ, tài chính, bất động sản, dịch vụ tư vấn đầu tư... nhằm hỗ trợ, thúc đẩy công nghiệp phát triển nhanh, bền vững.  
 

Bài, ảnh: PHẠM DANH
 


.