Nhiều công trình dân sinh chưa phát huy hiệu quả

05:03, 07/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tiêu tốn hàng tỷ đồng từ ngân sách để đầu tư xây dựng, nhưng nhiều công trình phục vụ dân sinh trên địa bàn các xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), Phổ Nhơn (Đức Phổ) lại đang rơi vào tình trạng bỏ hoang, hoặc chưa phát huy hết công năng, gây lãng phí. Có công trình xây dựng rề rà, khiến người dân bức xúc.

TIN LIÊN QUAN

Đạt, nhưng... “chưa chuẩn”

Dù được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào tháng 10.2015, nhưng hiện nay một số công trình xây dựng từ nguồn vốn NTM tại xã Hành Thuận vẫn đang trong tình trạng bỏ không, hoặc có công trình xây dựng rề rà, chậm so với tiến độ đề ra. Điển hình là công trình chợ trung tâm xã. Công trình này được đầu tư xây dựng với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng, trên diện tích 3.726m2, bao gồm 11 kiốt, nhà lồng, nhà vệ sinh, do UBND xã Hành Thuận làm chủ đầu tư. Khánh thành gần ba tháng nay, nhưng công trình vẫn chưa đưa vào sử dụng.

Chợ trung tâm xã Hành Thuận đã khánh thành nhưng chưa thể đưa vào sử dụng.
Chợ trung tâm xã Hành Thuận đã khánh thành nhưng chưa thể đưa vào sử dụng.

Ông Võ Tấn Hoành, ngụ thôn Đại An Tây, xã Hành Thuận bộc bạch: “Không hiểu sao chợ có vị trí đắc địa, được đầu tư xây dựng khang trang, đã làm lễ khánh thành, nhưng lại bị bỏ không suốt ba tháng nay, trong khi hàng nghìn người dân phải chen chúc buôn bán trong ngôi chợ cũ nhếch nhác, tạm bợ. Người dân rất mong chính quyền địa phương sớm có những động thái tích cực, nhanh chóng đưa chợ vào sử dụng, chứ cứ bỏ như thế thì gây lãng phí, công trình sẽ xuống cấp”.

Trong khi ngôi chợ tiền tỷ vẫn còn nằm “phơi mình” dưới nắng mưa, thì Nhà văn hóa trung tâm xã Hành Thuận lại đang trong tình trạng xây dựng rề rà. Người dân cho biết, cứ thấy công trình xây được vài ngày rồi dừng lại một thời gian dài, sau đó lại tiếp tục xây. Nếu làm như vậy thì tuổi thọ, cũng như chất lượng của công trình sẽ không đảm bảo.

 Lý giải về tình trạng này, ông Trần Tường - Chủ tịch UBND xã Hành Thuận cho biết: “Nguyên nhân chợ trung tâm xã đã nghiệm thu, nhưng chưa đưa vào sử dụng là do một số hạng mục như mặt sân, hệ thống thoát nước, phòng cháy chữa cháy... chưa có kinh phí để xây dựng, lắp đặt. Hiện xã phải chờ nguồn kinh phí từ cấp trên mới có vốn để tiếp tục xây dựng”. Một lãnh đạo của xã Hành Thuận cũng cho biết thêm, nhà văn hóa của xã được đầu tư xây dựng với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng. Theo tiến độ đề ra, phải hoàn thành và đưa vào sử dụng trước Tết Bính Thân 2016. Tuy nhiên, vì nền đất tại nơi xây dựng yếu, nên tiến độ phải kéo dài đến tháng 6.2016 mới hoàn thành.

Lãng phí trong đầu tư xây dựng

Tại xã Phổ Nhơn (Đức Phổ) ngoài chợ trung tâm xã đầu tư khoảng 2 tỷ đồng để xây dựng, hiện đang trong tình trạng bỏ hoang nhiều năm nay vì không có tiểu thương đến buôn bán, gây lãng phí, còn có công trình cung cấp nước sạch cho trên 200 hộ dân thôn An Lợi với kinh phí đầu tư trên 8,3 tỷ đồng, đến nay, hàng trăm hộ dân ở đây vẫn đang trong tình trạng thiếu nước để dùng, vì công trình không phát huy công năng. Ông Trần Văn Vũ ngụ thôn An Lợi cho biết: "Mùa nắng ở đây thiếu nước sạch trầm trọng. Vì vậy, khi công trình cung cấp nước sạch cho dân sắp hoàn thành, hàng trăm hộ đã tốn một khoảng tiền khá lớn để mua đường ống, lắp đặt đồng hồ nước... Tuy nhiên, chỉ được nửa tháng thì nước sạch không còn về nữa. Từ đó đến giờ chúng tôi phải dùng nước giếng. Mùa nắng phải chạy vạy khắp nơi để tìm nước sạch dùng trong gia đình”.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Minh Cảnh - Bí thư Đảng ủy xã Phổ Nhơn cho biết: "Công trình được xây dựng từ nguồn ngân sách tỉnh. Hiện đường ống dẫn nước đã bị tắc nghẽn. Vì sử dụng nguồn nước tự nhiên đầu nguồn suối Đá Giăng, nên khi nắng hạn thì suối cạn khô, không có nước tích trữ vào bể, dẫn đến công trình không phát huy công năng trong nhiều năm nay. Nguồn nước đã không đảm bảo nhưng phải chia ra phục vụ tưới cho diện tích đất nông nghiệp ở thôn An Tây, phần còn lại đưa về sử dụng trong sinh hoạt của người dân thôn An Lợi, nên dẫn đến tranh chấp giữa hai bên. Hướng giải quyết bây giờ là phải chờ hồ chứa nước Lỗ Lá hoàn thành, sẽ giải quyết được nguồn nước tưới trong nông nghiệp trên địa bàn xã, tăng lượng nước ngầm đầu nguồn. Hy vọng khi đó sẽ cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân thôn An Lợi”.     


  Bài, ảnh: NGỌC VIÊN



 


.