Nông dân thời hội nhập

07:01, 12/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một người khởi nghiệp với bốn sào đất bồi ven sông. Một người bắt đầu với hai con bò sinh sản. Mười năm sau, họ có trong tay sản nghiệp mà nhiều người mơ ước...

TIN LIÊN QUAN

Tỷ phú nuôi bò...
 

Thay đổi vì sức khỏe cộng đồng

Tiếng lành đồn xa, nhân chuyến kiểm tra mô hình sản xuất rau an toàn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hồi đầu tháng 12.2015, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ đã ghé thăm ruộng rau nhà ông Huỳnh Văn Khanh (Đức Hiệp, Mộ Đức) và khen ngợi: “Tôi thán phục ông. Ông không chỉ làm giàu từ việc sản xuất rau, mà còn mạnh dạn thay đổi vì sức khỏe cộng đồng”.

Chị Trần Thị Hương - Chủ quầy trái cây ở chợ Nghĩa Dũng cho biết. “Ở đây ai cũng quý, cũng nể ông Lê Minh Nông. Hồi trước  nhà ổng rất nghèo. Nhưng nhờ chăn nuôi bò mà giờ ổng có nhà to, xe nhiều...”, nói rồi chị Hương chỉ vào căn biệt thự sang trọng vẫn còn thơm mùi vôi mới của ông Nông.
 
Dù đã được chị Hương kể qua về “thành tích” của ông Lê Minh Nông ở  thôn 5, xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi), nhưng khi mục sở thị cơ ngơi của lão nông này, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Hóa ra, ngoài đàn bò lai 20 con, ông Nông còn sở hữu 3 chiếc máy cày, máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, 2 chiếc xe tải vận chuyển nguyên liệu cùng 1ha đất trồng rau. Dù không tiết lộ con số lợi nhuận cụ thể, nhưng có lẽ cũng mang về cho ông Nông không dưới 300 triệu đồng mỗi năm. Chia sẻ về bí quyết làm ăn của mình, ông Nông gói gọn: Làm chậm, chắc, tiến từng bước theo phương châm “năng nhặt chặt bị”.

Nghe thì dễ, nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Như chuyện nuôi bò, nhiều người nghĩ: “Nuôi bò quá đơn giản”. Nhưng nuôi bò trên 20 năm mà chưa một lần bị lỗ. Nuôi bò mà thay được cái chòi 6 tấm tôn thành hai căn biệt thự có giá gần 5 tỷ đồng. Nuôi bò mà từ một người đạp xích lô, trở thành người tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động nghèo tại địa phương như ông Nông thì chẳng đơn giản tý nào.
 
Tỷ phú nuôi bò Lê Minh Nông.
Tỷ phú nuôi bò Lê Minh Nông.


Chia sẻ tình trạng nuôi bò thua lỗ, ông Nông cho rằng: “Đó là do bà con nuôi bò theo thời vụ”. Nghĩa là khi bò có giá thì rủ nhau nuôi, đến khi mất giá thì buông xuôi. Dường như đây chính là “bệnh” của không chỉ người nuôi bò, mà là của nông dân trong tỉnh. Và chính cách làm được chăng hay chớ này đã khiến nông dân không chủ động được nguồn nguyên liệu, đầu ra cũng như thông tin về giá bán nên chuyện họ thất bại cũng là điều dễ hiểu.

Quả thật, Quảng Ngãi không thiếu những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Nhưng với một tỷ phú có điểm xuất phát từ chăn nuôi bò như ông Nông thì không nhiều. Hơn nữa, dù đã trở nên giàu có, nhưng lão nông này chưa có ý định thôi nuôi bò hay ngừng mở rộng quy mô sản xuất. Đó cũng chính là lý do để ông Lê Minh Nông trở thành nông dân duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi được Chính phủ, Bộ NN&PTNT vinh danh vì đã đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 – 2015.

Triệu phú trồng rau sạch

Ông Huỳnh Văn Khanh ở thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) - người được mệnh danh là “triệu phú rau” hào hứng kể với chúng tôi: “Chú vừa được một công ty sản xuất rau ký hợp đồng làm ăn. Họ cung cấp hạt giống và bao tiêu đầu ra với giá cao, ổn định”. Nghe mà mừng cho ông, bởi chỉ với 4 sào đất bãi bồi ven sông Vệ, nhưng qua bàn tay nhào nặn của ông Khanh, lợi nhuận mà nó mang về không dưới 100 triệu đồng mỗi năm. “Ông Khanh trồng xen canh giỏi lắm! Rau này chuẩn bị thu hoạch là loại khác đã mọc xanh”, chị Nguyễn Thị Thủy, hàng xóm ông Khanh cho biết.


Ngoài thành tích bất bại với các loại rau, ông Khanh còn được nông dân Nghĩa Lập yêu mến bởi cái tính nghĩa hiệp của mình. Bởi sau mỗi lần tìm được giống mới “ngon, lạ, giá bán cao”, ông Khanh lại chia sẻ cách làm với bà con nông dân trong và ngoài địa phương. Thậm chí để giúp họ yên tâm sản xuất, ông còn hào phóng cho mượn vốn, tận tình hướng dẫn cách làm, rồi thu mua và bán hộ sản phẩm.

Nói về bước ngoặc trở thành đối tác với doanh nghiệp, ông Khanh bảo rằng, đó cũng là cơ duyên. Hóa ra, dù có của ăn của để từ nghề trồng rau, nhưng ông Khanh vẫn đau đáu với nỗi lo: “Biết đâu ở thành phố, con cháu mình cũng đang ăn chính loại rau mà tôi trồng”. Chính điều này đã khiến ông rẽ hướng và thay đổi thói quen sản xuất. Thay vì dùng các loại thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, ông Khanh chuyển sang dùng phân chuồng và các loại chế phẩm sinh học. Có điều, chi phí cho sản xuất rau an toàn tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm lại quá thấp. Sau những thất bại, thua lỗ, người ta ngỡ ông Khanh bỏ cuộc. Nhưng không, ông vẫn miệt mài với ý tưởng của mình. Chính tâm huyết và trách nhiệm ấy mà ông Huỳnh Văn Khanh đã được các công ty kinh doanh mặt hàng rau sạch đón nhận, chọn làm đối tác, để chuyển giao kỹ thuật trồng rau sạch cho nông dân thôn Nghĩa Lập nói riêng, huyện Mộ Đức nói chung.
 

Cây cam Vinh trồng trong vòng hai năm là cho ra quả. Một năm thu một vụ cam. Cứ ăn Tết xong là cam ra hoa, đến cuối tháng 6 âm lịch bắt đầu thu quả. Có khi đạt hiệu quả thì thu quả kéo dài đến tận tháng 10 âm lịch. "Như đợt cam năm nay đạt năng suất rất cao, một cây thu đến 60 – 70kg cam. Một kg  bán được 30 nghìn đồng, đem về nguồn thu nhập khá cao cho gia đình", bà Ánh vui mừng nói.

Triển vọng từ cây cam Vinh

Trong một chuyến về thăm quê, thấy được hiệu quả của cây cam Vinh trên quê hương, bà Nguyễn Thị Ánh (52 tuổi), ở thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) quyết định đem giống cam này về trồng trên đất Quảng. Không ngờ, cây cam Vinh "bén duyên" sai quả, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Thăm vườn cam của bà Nguyễn Thị Ánh đúng vào giai đoạn đang cho thu hoạch nên cây chi chít quả. Bà Ánh kể: Quê  bà ở Thanh Hóa. Bà theo chồng về định cư ở Quảng Ngãi đã hơn 20 năm. Ở mảnh đất Quảng Ngãi đầy nắng gió, quanh năm người làm nông chỉ biết trông cậy vào cây mì, cây mía mà thu nhập không là bao, nên cái nghèo cứ bám riết. Rồi bà Ánh nghĩ cần phải đổi mới cách trồng trọt thì mới hy vọng thoát nghèo.

Tám năm trước, trong một dịp về thăm quê, được người bạn giới thiệu về cây cam Vinh, vậy là bà đem về trồng thử. Bà Ánh tâm sự: "Biết đến cây cam Vinh, nhưng không nghĩ có thể trồng được ở Quảng Ngãi, vì thời tiết ở đây mưa nắng thất thường. Tuy nhiên, Thanh Hóa quê tôi trồng được thì tôi nghĩ vùng đất Quảng Ngãi cũng sẽ thích hợp với cây cam Vinh. Thế là, tôi quyết định đem vài cây về trồng. Mới đầu chỉ nghĩ trồng chơi thôi, ai ngờ lại được ăn thật".

Lúc đầu trồng cây cam Vinh, bà Ánh chỉ nghĩ để phục vụ cho gia đình, nhưng ngờ đâu, cam sai quả, gia đình ăn không xuể. Thế là, bà Ánh đem biếu bà con bạn bè, họ ăn thấy ngon rồi truyền tai nhau. Tiếng lành đồn  xa, nhiều người tìm đến vườn cam của bà Ánh để mua. Đợt ra trái mới đây, bà Ánh thu về gần 40 triệu đồng. "Khách hàng họ tin tưởng về chất lượng cam của gia đình, nên tôi bán rất nhanh. Nhờ có cây cam mà kinh tế của gia đình được cải thiện", bà Ánh chia sẻ.

Hiện tại vườn bà Ánh có 50 cây cam Vinh, trong đó 20 cây đang cho quả và 30 cây được 1 năm tuổi. Nhờ “mát tay” với cây ăn quả, mới đây, bà Ánh được một người em cùng đầu tư trồng thêm 100 cây cam Vinh. Hiện giờ, bà đang dọn dẹp và phát quang, qua Tết, sẽ tiến hành trồng. Ngoài ra, bà Ánh còn thu nguồn lợi từ bưởi, bơ và chôm chôm. Cả ba loại cây này cũng đem về cho gia đình bà một khoản thu nhập không nhỏ.  Qua thời gian gắn bó với cây ăn quả, bà Ánh tâm sự: "Tôi nghĩ, làm gì cũng cần có cái tâm, nếu tận tâm thì sẽ thu được quả ngọt”.

 

M.Hoa  - Đ.Sương

 


.