Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi: Hiệu quả thiết thực

02:10, 11/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ban chỉ đạo Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (NDSXKDG) của tỉnh vừa tổ chức Hội nghị sơ kết phong trào này giai đoạn 2012-2015 với sự tham gia của hơn 150 đại biểu nông dân SXKDG của tỉnh, nhằm biểu dương những thành tích xuất sắc của phong trào trong thời gian qua.

“Bà đỡ” của phong trào

Hơn 3 năm qua, Ban Chỉ đạo Phong trào NDSXKDG và Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ cho nông dân đầu tư phát triển kinh doanh trên các lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, thủy sản và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp...

 

Lãnh đạo tỉnh tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các hội viên nông dân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012-2015
Lãnh đạo tỉnh tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các hội viên nông dân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012-2015


Ban Chỉ đạo và Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức cho 6 cán bộ và 14 NDSXKDG đi học tập, tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở Thái Lan. Hội Nông dân tỉnh trực tiếp mở 94 lớp dạy nghề cho 3.572 học viên. Hội Nông dân các cấp huyện, thành phố phối hợp với các cơ sở, trung tâm dạy nghề ở địa phương mở 328 lớp cho 11.589 học viên (70% học viên sau khi học nghề có việc làm).

Các cấp hội còn phối hợp tổ chức được 1.716 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cho 220.000 lượt người; trực tiếp và phối hợp thực hiện 750 mô hình khuyến nông. Phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT tỉnh tín chấp cho nông dân vay vốn với tổng dư nợ 833,6 tỷ đồng. Phối hợp với Ngân hàng CSXH giải ngân theo chương trình phối hợp với dư nợ 851,1 tỷ đồng; nâng tổng 2 nguồn vốn vay do các cấp hội nông dân tín chấp hiện nay lên đến 1.684,7 tỷ đồng, với trên 65.000 lượt hộ nông dân ở 1.781 tổ vay vốn.

Các nguồn vốn này đã giúp cho trên 80 ngàn lao động nông thôn có việc làm hằng năm, qua đó giúp hàng chục ngàn hộ nông dân thoát nghèo. Hỗ trợ, hướng dẫn thành lập mới 150 nhóm tổ hợp tác, liên kết, các câu lạc bộ nông dân và các chi hội nghề nghiệp để hội viên nông dân gặp gỡ giao lưu trao đổi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ và tiêu thụ sản phẩm...

 Nhiều nông dân trở thành ông chủ

Nhờ có sự định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền, hội đoàn thể nên phong trào nông dân thi đua SXKDG của tỉnh trong thời gian qua đã thu hút được đông đảo nông dân trong tỉnh tham gia. Hằng năm có từ 90-120 ngàn hộ nông dân đăng ký thi đua SXKDG (60%). Kết quả, đến nay đã bình xét suy tôn được 76.989 hộ đạt danh hiệu SXKDG các cấp, tăng gần 5.000 hộ so với năm 2012 và chiếm 38,50% tổng số hộ nông dân trong tỉnh. Trong đó có 65.935 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG cấp cơ sở; 9.145 hộ đạt danh hiệu SXKDG cấp huyện; 1.828 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG cấp tỉnh và 81 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG cấp Trung ương.

Qua phong trào này, nhiều nông dân đã vươn lên SXKDG, có thu nhập từ 200 đến hơn 400 triệu đồng như ông Lê Minh Nông (xã Nghĩa Dũng, TP.Quảng Ngãi), Đinh Thanh Hiền, dân tộc Hrê ở xã Long Mai (Minh Long)... Nhiều nông dân đã trở thành các chủ doanh nghiệp, các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, chủ trang trại, gia trại cho thu nhập cao từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.

Điển hình như hộ ông Trần Thanh Trầm ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) làm nghề chế biến hải sản cho thu nhập bình quân 4 tỷ đồng/năm. Hộ ông Nguyễn Văn Hải, thuyền trưởng tàu QNg 96498TS cùng với 13 thuyền viên khai thác hải sản với số lượng bình quân 250 tấn/năm, thu nhập 4-5 tỷ đồng, bình quân mỗi lao động trên tàu thu nhập 216 triệu đồng/năm. Các mô hình làng nghề truyền thống cũng được các hộ gia đình duy trì và phát triển. Điển hình như hộ ông Nguyễn Đức Lương, xã Trà Xuân (Trà Bồng) làm nghề quế thủ công cho thu nhập bình quân 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động...

Có thể nói, phong trào thi đua SXKDG của tỉnh trong 3 năm qua đã tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó khích lệ, động viên hàng ngàn hộ nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư vốn, giống vào sản xuất kinh doanh, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM
 


.