Nghiệp đoàn nghề cá: Cần một cơ chế cụ thể để hoạt động

02:01, 31/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ ngư dân trong quá trình vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, tại Đại hội XII của Đảng, vấn đề này tiếp tục được đặt lên bàn nghị sự, thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu.

TIN LIÊN QUAN

Không phải ở một địa phương khác, mà ngay tại Quảng Ngãi, ngư dân trong tỉnh rất lấy làm vinh dự khi được Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng ý cho thành lập Nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) đầu tiên của cả nước tại xã An Hải (Lý Sơn) vào tháng 9.2011. Và chỉ trong vòng 5 năm, Quảng Ngãi đã thành lập được 10 NĐNC với 6.000 đoàn viên, một lực lượng hùng hậu gắn kết bền chặt khi làm ăn trên biển... Vì vậy, trong Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh có đề cập "... chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng phó với những tình huống phức tạp trên Biển Đông; tích cực hỗ trợ và thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ tàu thuyền, ngư dân khai thác hải sản xa bờ..."

Xu thế tất yếu

Ngư dân Nguyễn Lợi, đoàn viên NĐNC An Hải (Lý Sơn) chia sẻ: Sự ra đời của NĐNC là một xu thế tất yếu, vì hoạt động khai thác đơn lẻ hiệu quả thấp, nguy hiểm trước thiên tai và nhân tai.  Vì thế, NĐNC ra đời sẽ là trung tâm đoàn kết, tập hợp ngư dân cùng tương trợ, bảo vệ, giúp đỡ nhau khi hành nghề trên biển.

 Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng và Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ngô Thị Kim Ngọc tặng ngư dân Lý Sơn hệ thống liên lạc ICOM.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng và Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ngô Thị Kim Ngọc tặng ngư dân Lý Sơn hệ thống liên lạc ICOM.


Còn ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch NĐNC An Hải thì cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, việc Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định chọn Lý Sơn để thành lập NĐNC An Hải đã thể hiện tầm nhìn chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. "Lý Sơn là nơi ra đời của đội hùng binh vượt trùng khơi để khám phá, cắm mốc chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Truyền thống ấy sẽ được tiếp thêm sức mạnh khi có NĐNC ra đời, luôn sát cánh cùng ngư dân không chỉ mỗi chuyến ra khơi mà cả những khi ở trên bờ mà cuộc sống khó khăn", ông Nguyễn Quốc Chinh bộc bạch.

 Chính ý nghĩa và tầm quan trọng đó nên khi có chủ trương thành lập NĐNC đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tham gia của đông đảo ngư dân. Nhiều ngư dân chưa cần vận động cũng đã viết đơn xin gia nhập nghiệp đoàn, vì họ thấy rằng NĐNC là điểm tựa vững chắc, giúp ngư dân an tâm bám biển làm ăn, nhất là ngư dân đánh bắt xa bờ ở hai ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa... Ngư dân Nguyễn Văn Thanh, đoàn viên NĐNC xã Nghĩa An, chia sẻ: NĐNC mang tính nhân văn sâu sắc, không chỉ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho ngư dân mà còn lên tiếng bảo vệ, chia sẻ những mất mát của ngư dân khi gặp thiên tai, nhân tai. Những đoàn viên trong nghiệp đoàn sẵn sàng chịu thiệt hại hàng trăm triệu đồng phí tổn để cứu hộ, lai dắt tàu của ngư dân bị nạn đưa vào bờ an toàn. Khi có luồng cá lớn thì cùng nhau chia sẻ thông tin để các tàu cùng nhau khai thác...
 

“Để tổ chức NĐNC thực sự là tổ ấm của đoàn viên, ngư dân, tỉnh cần sớm cho triển khai Đề án “Duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động NĐNC tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2014- 2020”. Hỗ trợ kinh phí cho BCH NĐNC hoạt động; mở cuộc vận động để toàn xã hội quan tâm, sẻ chia với ngư dân; triển khai các hoạt động giúp đỡ đoàn viên và ngư dân đánh bắt khai thác hải sản trên biển, nhất là đối với đoàn viên đánh bắt tại ngư trường quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa…”, ông Nguyễn Đồng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, kiến nghị.

Chỗ dựa của đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá

Hằng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh còn hướng dẫn, chỉ đạo các NĐNC tổ chức lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm, tạo khí thế thi đua sôi nổi, quyết tâm đánh bắt được nhiều hải sản và đăng ký không vi phạm pháp luật trên biển. Từ đó, sản lượng đánh bắt hải sản hằng năm đều tăng, thu nhập của thuyền viên và chủ tàu bảo đảm, góp phần tích cực vào sản lượng đánh bắt hải sản của từng địa phương và sản lượng chung của tỉnh. Mặt khác, với chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên NĐNC, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ các suất học bổng, sửa chữa, xây nhà mái ấm công đoàn cho con em và gia đình các đoàn viên NĐNC.

Đặc biệt là hướng dẫn ban chấp hành các NĐNC trong việc thực hiện các thủ tục đề nghị, thẩm định, xác nhận để đề nghị các tổ chức hỗ trợ  2.000 trường hợp rủi ro, hoạn nạn với giá trị trên 35 tỷ đồng. Huy động Quỹ xã hội từ thiện Báo Người Lao động hỗ trợ đóng mới 1 tàu cá 450CV cho NĐNC xã An Hải (Lý Sơn) trị giá trên 5 tỷ đồng và Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đóng mới cho NĐNC xã An Vĩnh (Lý Sơn) 1 tàu vỏ thép, xây dựng trường tiểu học cho con em NĐNC xã Bình Châu (Bình Sơn); vận động trao 3.500 bảo hiểm thuyền viên, 350 bảo hiểm thân tàu cho đoàn viên và NĐNC với trên 1.000 đoàn viên NĐNC và ngư dân được hỗ trợ từ 5 triệu đồng trở lên...
     
Cần nghiên cứu cơ chế hoạt động

Bên cạnh những kết quả đạt được thì quá trình hoạt động của NĐNC cũng còn gặp không ít khó khăn. Đó là, mô hình tổ chức của NĐNC còn nhiều bất cập, một số nghiệp đoàn đa nghề, chưa sắp xếp theo cùng nhóm nghề đặc thù nên việc hỗ trợ, thông tin, giúp đỡ nhau trên biển. Trong sinh hoạt công đoàn cũng còn có những hạn chế nhất định, nhất là việc tập trung đoàn viên. Kinh phí hoạt động của NĐNC ngoài khoản hỗ trợ của LĐLĐ tỉnh thì nguồn thu đoàn phí còn hạn chế, không đủ để tổ chức các hoạt động phong trào và hỗ trợ cho cán bộ làm công tác Thường trực của Ban Chấp hành NĐNC. Hoạt động của NĐNC còn đơn điệu, mới chỉ tập trung vào việc thăm hỏi ma chay, hiếu hỷ, ốm đau.

Tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn neo đậu tại đảo sau một phiên biển. Ảnh: BS
Tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn neo đậu tại đảo sau một phiên biển. Ảnh: BS


Một số NĐNC chưa đi sâu vào công tác đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, ngư dân. Đặc thù của nghề cá là quan hệ lao động giữa chủ tàu và lao động làm thuê, nên nhiều lao động có tư tưởng tìm tàu khác có thu nhập cao hơn để đi bạn, nên có một thời gian xảy ra tình trạng khan hiếm lao động nghề cá cục bộ. Mô hình tổ chức NĐNC chưa thống nhất, Ban Chấp hành NĐNC đa phần là kiêm nhiệm nên kinh nghiệm quản lý, tổ chức còn hạn chế, trong khi đó họ lại không được phụ cấp mà chủ yếu “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”... Chính vì vậy nên không khuyến khích họ chuyên tâm với NĐNC...

Ông Lê Huy Phúc - Phó Chủ tịch NĐNC xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) cho biết, do mô hình mới và tự thân vận động trong hoạt động, nên gặp nhiều khó khăn. Đoàn viên bám biển dài ngày, ngành nghề đánh bắt khác nhau không thể tập trung đầy đủ để sinh hoạt định kỳ. Theo thỏa thuận, mỗi đoàn viên đóng góp 10.000 đồng/tháng để tạo quỹ hoạt động, nhưng nhiều đoàn viên không đóng nên thu không đủ. BCH Nghiệp đoàn chưa được hưởng phụ cấp.

Điều đáng lo là, giữa chủ tàu và người lao động không có hợp đồng lao động nên nhiều ngư dân thích thì ở lại, không thích thì đi bạn cho tàu khác… Do đó, để NĐNC hoạt động hiệu quả, Công đoàn cấp trên cần quan tâm hỗ trợ kinh phí hoạt động. Nghiên cứu xây dựng quy chế hoạt động của NĐNC một cách cụ thể hơn, nhất là đưa ra điều lệ cụ thể cho loại hình này.

Nhóm PV  

 


.