Tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động

02:11, 10/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở Quảng Ngãi, nhờ chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động theo xu hướng tăng tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ nên đến năm 2015, cơ cấu lao động của tỉnh có sự chuyển dịch tích cực: Công nghiệp- xây dựng chiếm 28%; nông, lâm, ngư nghiệp 47% và thương mại, dịch vụ 25% (tỷ lệ này năm 2010 là 21%-58%-21%).

TIN LIÊN QUAN

“Phi công bất phú”

Học xong trung cấp nghề điện ở Cao đẳng cộng đồng Quảng Ngãi năm 2001, rời khỏi “lũy tre làng” vùng quê xã Đức Hòa (Mộ Đức), anh Nguyễn Văn Cường (SN 1977) bôn ba khắp các tỉnh miền Nam để kiếm việc mưu sinh, song thu nhập rất bấp bênh. Đến năm 2008, nghe tin Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Vina tuyển dụng, anh tức tốc về quê nộp hồ sơ tham gia phỏng vấn, thi tuyển và được nhận vào làm công nhân ở bộ phận bảo trì, sửa chữa của Doosan Vina kể từ đó đến nay.

 

 Công nhân Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan Vina trong ca làm việc.
Công nhân Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan Vina trong ca làm việc.

Anh Cường cho biết, hiện nay thu nhập bình quân của anh 7,5 triệu đồng/tháng, đó là chưa tính làm tăng ca. Nếu tháng nào làm tăng ca thêm ngày thứ bảy, chủ nhật thì mức thu nhập sẽ tăng lên khoảng 11 triệu đồng/tháng. “Nhờ học được cái nghề trong tay và đi làm công nhân công nghiệp nặng ở Doosan Vina nên cuộc sống của vợ chồng tôi mới khá lên được như ngày hôm nay. Làm ở Công ty Doosan Vina được 7 năm, ngoài nuôi con và chăm lo cuộc sống gia đình, vợ chồng tôi còn tích cóp mua được lô đất hơn 300 triệu đồng, đang chuẩn bị xây nhà ở ổn định cuộc sống”, anh Cường tâm sự.

Anh Nguyễn Văn Cường là một trong rất nhiều lao động ở Quảng Ngãi xuất thân từ nông dân, sau khi học nghề vào làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp tại Khu Kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp của tỉnh. Nhờ lao động trong lĩnh vực công nghiệp với thu nhập khá cao, lại ổn định nên cuộc sống của họ dần khấm khá lên. Không những vậy, về mặt trình độ, ý thức trách nhiệm, tác phong làm việc của công nhân ở Quảng Ngãi đã từng bước được nâng lên trong môi trường làm việc ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại.
 

Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, trong 5 năm qua toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 182.400 lao động, bình quân đạt 36.480 lao động/năm. Trong đó, tạo việc làm mới 96.100 lao động, tăng thêm việc làm 66.800 lao động. Mục tiêu 5 năm đến, bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho 40.600 lao động. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng lao động công nghiệp-xây dựng lên 32%; dịch vụ 28% và giảm nông, lâm, ngư nghiệp xuống còn 40%.

Gắn kết dạy nghề với giải quyết việc làm

Thực hiện Đề án dạy nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Quảng Ngãi trong 5 năm qua đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động vùng nông thôn. Năm 2011, toàn tỉnh có 30 cơ sở đào tạo nghề thì đến năm 2014 tăng lên 38 cơ sở. Đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề trên địa bàn tỉnh cũng phát triển từ 863 người (năm 2011) lên 1.273 người (2015), trong đó có 60% đạt chuẩn theo quy định.

Để thực hiện đạt mục tiêu giải quyết việc làm trung bình hằng năm cho khoảng 40.600 lao động; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ, hội đủ điều kiện về tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động và chất lượng nguồn nhân lực, để Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, vấn đề đặt ra hiện nay là phải gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Trong đó, cùng với tạo đột phá về phát triển công nghiệp và đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, Quảng Ngãi cần thực hiện tốt các giải pháp về thị trường lao động, đẩy mạnh XKLĐ. Tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp với cơ sở XKLĐ để tiết kiệm kinh phí đào tạo, nâng cao trình độ, tác phong và ngoại ngữ của người lao động; đảm bảo việc làm cho người lao động sau khi về nước.

Bên cạnh đó, cần phát triển mạng lưới dạy nghề của tỉnh, nhất là một số trường cao đẳng nghề: Việt Nam – Hàn Quốc, Dung Quất có năng lực đào tạo một số nghề đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế thuộc lĩnh vực công nghiệp và du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại KKT Dung Quất, các khu công nghiệp (Tịnh Phong, Quảng Phú, Phổ Phong), Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ VSIP... Tăng cường gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp thông qua kết hợp việc thực hiện thông tin thị trường lao động của hoạt động dịch vụ việc làm. Ngoài ra, cần liên kết đào tạo quốc tế về dạy nghề theo hướng mở rộng, trao đổi và học tập kinh nghiệm của các nước phát triển về dạy nghề, nhất là các nước có doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản...
 

Bài, ảnh: PHẠM DANH


 


.