Gìn giữ "Ao cá Bác Hồ": Cách làm hay ở Nghĩa Lâm

02:09, 09/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã 36 năm kể từ khi phong trào “Ao cá Bác Hồ” được phát động rộng rãi trong cả nước, với nhiều địa phương giờ chỉ còn là dấu tích. Thế nhưng, trải qua bao thăng trầm, “Ao cá Bác Hồ” ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) vẫn được người dân nơi đây duy trì và phát triển. Bởi đối với họ, ao cá không chỉ để phát triển kinh tế mà còn là một không gian văn hóa - lưu giữ những ký ức, tình cảm cộng đồng của ngày hôm qua và cả hôm nay.

TIN LIÊN QUAN

Dù là một phong trào được phát động từ năm 1979, nhưng phong trào “Ao cá Bác Hồ” ở Nghĩa Lâm vẫn chưa bao giờ “hạ nhiệt”. Truyền tay từ hội đoàn thể này sang hội đoàn thể khác tiếp quản, phát triển, “Ao cá Bác Hồ” ở Nghĩa Lâm cứ thế phát huy, tạo nhiều dấu ấn như những gì Ban Bí thư TƯ Đảng mong muốn khi phát động phong trào “Ao cá Bác Hồ” trong cả nước.

Làm vì việc chung

Nếu như những năm trước đây, “Ao cá Bác Hồ” ở xã Nghĩa Lâm do Hội người cao tuổi xã quản lý, thì 3 năm trở lại đây, nhiệm vụ tiếp quản, phát triển mô hình cá nước ngọt ở “Ao cá Bác Hồ” được “truyền tay” cho Ban chỉ huy quân sự xã. Luôn ý thức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nên Ban chỉ huy quân sự xã Nghĩa Lâm đã tổ chức phân công rạch ròi nhiệm vụ cho từng thành viên trong "đội nuôi cá". Bình quân mỗi ngày, Ban chỉ huy quân sự xã cử hai người đảm nhận cho cá ăn và vệ sinh hồ nuôi. Cứ thế, suốt 8 tháng mùa nắng, 25 thành viên trong lực lượng dân quân cơ động thay phiên nhau chăm sóc ao cá cho đến khi thu hoạch. Với tổng số  lượng cá nước ngọt thả nuôi vào khoảng 13.000 con cá giống, hầu như năm nào, Ban chỉ huy quân sự xã Nghĩa Lâm cũng thu về gần 30 triệu đồng.

 

"Ao cá Bác Hồ" ở xã Nghĩa Lâm.


Tiếp quản “Ao cá Bác Hồ” và nhận nhiệm vụ phát triển nuôi cá nước ngọt đã giúp từng thành viên trong lực lượng dân quân ý thức hơn trách nhiệm cũng như tinh thần vì việc chung. Hơn nữa, “Ao cá Bác Hồ” cũng góp phần giúp Ban chỉ huy quân sự xã có thêm kinh phí trang trải cho việc huấn luyện dân quân và quỹ thăm hỏi, động viên gia đình lực lượng dân quân bị đau ốm.

Gìn giữ cho muôn đời sau

Tọa lạc ở vị trí “đắc địa”- ngay trung tâm xã Nghĩa Lâm và nằm dọc theo Tỉnh lộ 625 nhưng “Ao cá Bác Hồ” vẫn được chính quyền địa phương cùng người dân nơi đây quyết tâm gìn giữ, dù nhu cầu mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng nhà ở đang ngày càng tăng cao. Không chỉ góp phần vào kinh phí tuyển quân, huấn luyện lực lượng dân quân cơ động của Ban chỉ huy quân sự xã, “Ao cá Bác Hồ” còn giữ vai trò như một hồ sinh thái của người dân nơi đây.

Nhìn tấm bảng xi măng được quét vôi trắng nổi bật lên dòng chữ “Ao cá Bác Hồ”, ông Huỳnh Tấn, một cán bộ lão thành cách mạng, rưng rưng: “Tấm biển này, dòng chữ này là ngày xưa tôi tự mình lặn lội xin xi măng về xây dựng và khắc nên. Cũng đã mấy mươi năm rồi mà nó vẫn được lớp trẻ giữ gìn vẹn nguyên như mới hôm qua”. Thả dòng suy nghĩ về hồi ức xa xăm, cụ Huỳnh Tấn tiếp lời: “Ngày trước, xã đã phải huy động gần 1.000 người đến nạo vét mới có được ao cá này. Ngày mới giải phóng, cuộc sống người dân còn nghèo, nhờ có ao cá mà người dân trong xã đã có cơ hội cải thiện bữa ăn. Không những thế, “Ao cá Bác Hồ” còn là nơi người dân cả xã tụ hội để tham gia lễ hội đua ghe vào mỗi dịp lễ Tết”.

Để một phong trào hay đi vào ký ức, “Ao cá Bác Hồ” ở xã Nghĩa Lâm được các thế hệ luân phiên nhau phát triển suốt mấy mươi năm qua. Cái tên thân thương “Ao cá Bác Hồ” chắc hẳn sẽ chẳng khi nào nhạt phai trong ký ức của bao thế hệ sinh ra và lớn lên từ vùng đất giàu truyền thống cách mạng này.
                 

Bài, ảnh: Ý THU



 


.