Ưu tiên vốn cho doanh nghiệp

02:02, 11/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2015, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, điều kiện hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn thấp. Vì thế, ngành ngân hàng Quảng Ngãi sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn vào đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngư nghiệp, nông thôn... phấn đấu trong năm tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13 - 15%.

TIN LIÊN QUAN

Khởi động đầu năm 2015, nhiều ngân hàng thương mại đã tung ra nhiều gói sản phẩm để chào đón khách hàng. Bên cạnh “giữ chân” khách hàng cũ, nhiều ngân hàng đưa các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng, cho vay sản xuất vừa và nhỏ trong dịp Tết, hộ kinh doanh cá thể... với lãi suất tương đối phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay. Đây là cách mà các ngân hàng tiếp cận sớm với các đối tượng khách hàng nhằm tiếp tục cung ứng nguồn vốn.

Không khí giao dịch ở một ngân hàng đầu năm 2015 khá rộn ràng.
Không khí giao dịch ở một ngân hàng đầu năm 2015 khá rộn ràng.


Trong năm 2014, nếu như tổng số hơn 11.700 khách hàng vay với số tiền gần 2.800 tỷ đồng, thì với 590 doanh nghiệp đã vay số tiền trên 1.700 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và hỗ trợ các giải pháp tín dụng như: Điều chỉnh giảm mức lãi suất cho vay cũ, miễn giảm lãi suất phải trả... Thông qua chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp được triển khai vào khoảng giữa năm, các ngân hàng đã ký kết cho vay vốn đối với các doanh nghiệp gần 2.000 tỷ đồng, với lãi suất tương đối thấp, ổn định. Nhờ đó, các doanh nghiệp có điều kiện tái cấu trúc về tài chính, vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhận định bức tranh kinh tế chung của cả nước năm 2015 vẫn còn nhiều khó khăn, nên các ngân hàng đã tính toán đưa ra các biện pháp nhằm duy trì và phát triển của ngành. Bà Lê Thị Bích Thảo – Giám đốc Eximbank, chi nhánh Quảng Ngãi, cho biết: Năm 2014, Eximbank đã huy động được 550 tỷ đồng, tăng trưởng 18%. Năm 2015, ngân hàng sẽ tập trung cho vay đối tượng bán lẻ (như buôn bán bất động sản và hộ kinh doanh), nhưng đối tượng chính vẫn là doanh nghiệp kinh doanh vừa và nhỏ. Để nguồn vốn này đến với các doanh nghiệp, ngân hàng sẽ duy trì lãi suất hiện nay, cải cách thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nhanh, kịp thời.

Còn đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Quảng Ngãi thì ưu tiên nguồn vốn cho nông nghiệp nông thôn, nhưng đối tượng vẫn là các doanh nghiệp, các tổ liên kết sản xuất, cho vay đóng tàu theo Nghị định 67. Với nguồn vốn huy động đến cuối năm 2014 trên 5.550 tỷ đồng, đây là nguồn cung ứng dồi dào cho khách hàng. Ông Lê Hồng- Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi cho biết: Ngay từ đầu năm 2015, ngân hàng đã giao chỉ tiêu cho các huyện, đồng thời cử cán bộ xuống địa phương nắm đối tượng vay, hướng dẫn thành lập các tổ liên kết vay vốn để các tổ chức mới liên kết, thành lập nắm rõ thủ tục vay.

Mặc dù năm 2014, Vietcombank Quảng Ngãi đã cho vay với tổng dư nợ gần 12.000 tỷ đồng, nhưng trước tình hình khó khăn được dự báo trong năm 2015, ngân hàng chủ trương vừa giữ khách hàng cũ, vừa hướng vào các doanh nghiệp nhỏ ở thị trường nông thôn. Theo nhận định của ngân hàng này, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở thị trường nông thôn cũng khá lớn. Nhiều doanh nghiệp tư nhân mới thành lập, tuy thiếu vốn nhưng năng lực về kinh doanh tốt thì ngân hàng sẽ mạnh dạn giải ngân.

Điều đáng quan tâm hiện nay là mặc dù các ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy cho vay, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng các ngân hàng đáp ứng vốn đầu tư trung và dài hạn với lãi suất phù hợp thì các doanh nghiệp mới mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất - kinh doanh. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của các ngân hàng năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ  cho rằng: Các ngân hàng phải tính toán làm cách nào để rút ngắn lãi suất cho vay và huy động để tiếp vốn, nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Khi các đối tượng hấp thụ vốn tốt, doanh nghiệp có “sức khỏe” thì ngân hàng mới phát triển bền vững.

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.