Quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp ở Ba Tơ: Còn đó những bất cập

08:07, 09/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trên địa bàn huyện Ba Tơ hiện có 2 công ty lâm nghiệp được thuê đất để sản xuất, kinh doanh, chủ yếu là trồng rừng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng. Đó là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ba Tô. Hai đơn vị này đã có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, nhưng cũng đang làm phát sinh một số mâu thuẫn chung quanh vấn đề giao đất và sử dụng đất lâm nghiệp giữa công ty với đồng bào địa phương.

TIN LIÊN QUAN


Giao đất cho thuê chưa cụ thể, rõ ràng
 

Rà soát, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty lâm nghiệp


Theo tinh thần của Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 12.3.2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp” thì các ngành hữu quan cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của công ty lâm nghiệp cho phù hợp với khả năng thực tế. Trên cơ sở đó rà soát, điều chỉnh quy hoạch đất phù hợp với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của công ty. Số diện tích đất, rừng còn lại giao cho các địa phương tiếp nhận. Sau khi tiếp nhận đất, các địa phương phải tiến hành rà soát lại đối tượng sử dụng đất và diện tích của từng đối tượng đang sử dụng đất để thực hiện giao lại hoặc cho thuê theo hướng ưu tiên giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất. Đến năm 2015 hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp GCNQSDĐ và thuê đất hoặc giao đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Để tạo điều kiện hoạt động, năm 2009 UBND tỉnh đã ban hành quyết định cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tô thuê hơn 14.100 ha đất trên địa bàn huyện Ba Tơ để sản xuất kinh doanh. Theo đó Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ba Tơ được thuê trên 6.750ha, trong đó 3.483ha có GCNQSDĐ và gần 3.270ha đất tạm thời chưa cấp GCNQSDĐ. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tô được thuê gần 7.350ha, trong đó 2.158ha có GCNQSDĐ và gần 5.190ha đất tạm thời chưa cấp GCNQSDĐ.

Quyết định theo văn bản giấy tờ là vậy, nhưng trên thực tế việc giao đất cho hai công ty lâm nghiệp quản lý, sử dụng chỉ dựa vào bản đồ khoanh vẽ, cùng với quyết định cho thuê đất và GCNQSDĐ chứ chưa được bàn giao cụ thể trên thực địa nên quyền lợi hợp pháp của Công ty về đất đã giao chưa rõ ràng. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng chưa xác định được ranh giới giữa đất đã giao cho đồng bào địa phương và đất của công ty lâm nghiệp nên dễ dẫn đến tranh chấp, làm cho cả đôi bên đều gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong việc bảo vệ, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp tại địa phương.

Công ty “thừa”, dân lại thiếu đất sản xuất

Sau khi thực hiện chính sách giao đất giao rừng, thì không có  hộ nào thiếu đất sản xuất theo tiêu chí của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn, nhưng theo nhu cầu thực tế thì có nhiều hộ đồng bào đang cần đất để phát triển sản xuất mà chưa được giao. Cụ thể như tại xã Ba Cung, theo báo cáo của UBND xã thì toàn xã này hiện có đến 88/593 hộ thuộc diện hộ đồng bào thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, chưa có đủ đất sản xuất, cần phải cấp thêm cho mỗi hộ là 500m2 đất nương rẫy. Trong khi đó, UBND tỉnh đã cho hai công ty lâm nghiệp nói trên thuê đất với diện tích quá lớn so với khả năng quản lý hiện có của công ty.

Sau khi được cho thuê đất, cả hai Công ty lâm nghiệp này đều cố gắng phát huy hiệu quả sử dụng đất. Tuy vậy, vẫn còn một số diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho công ty chưa được phát huy hiệu quả. Đặc biệt là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tô cùng hoạt động trên một địa bàn nhưng nhiều năm qua cứ loay hoay mãi mà vẫn không phát huy được hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp đã thuê.

Qua kiểm tra cho thấy, số diện tích đất trồng rừng sản xuất và hộ nhận khoán của công ty này chỉ có 587,51/1.213,82 ha được sử dụng có hiệu quả, đạt 48,4%; còn lại 626,31ha chưa sử dụng, chiếm 51,6%. Đối với một số loại đất khác như đất rừng tự nhiên sản xuất, đất rừng phòng hộ quy hoạch sản xuất, công ty chưa đủ điều kiện để bảo vệ, quản lý sử dụng có hiệu quả. Điều này đã gây lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên đất đai được Nhà nước giao cho công ty quản lý, sử dụng.

Cần sớm giải quyết tận gốc những mâu thuẫn

Đào hào ngăn chặn việc người dân địa phương tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ.
Đào hào ngăn chặn việc người dân địa phương tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ.


Từ chỗ chưa giao đất rõ ràng trên thực địa, trong lúc đồng bào địa phương đang thiếu đất sản xuất mà Công ty lâm nghiệp đứng chân trên địa bàn chưa sử dụng hết đất nên đã dẫn đến tình trạng dân tranh chấp đất với Công ty kéo dài từ nhiều năm nay.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tô thì, trong những năm gần đây, việc đồng bào địa phương tranh chấp, lấn chiếm đất trên địa bàn của công ty quản lý diễn ra khá phức tạp, phổ biến ở nhiều nơi. Điển hình như tranh chấp rừng trồng sản xuất sau khai thác tại xã Ba Nam (2 vụ), Ba Tô (1 vụ), Ba Dinh (1 vụ)… Mặc dù công ty này đã có 10 báo cáo, 4 công văn, 3 biên bản hòa giải, 3 biên bản giải quyết, 1 vụ đến Tòa án nhân dân huyện nhưng đến nay vẫn chưa có vụ nào được giải quyết.

Tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ cũng có 225,6 ha đất tại các xã Ba Cung, Ba Vinh, Ba Khâm, Ba Thành, Ba Điền, Ba Động đang bị dân địa phương tranh chấp, lấn chiếm. Ông Trần Công Sương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ cho biết: Gần đây đồng bào địa phương đã lấn chiếm đất đến sát trụ sở của công ty, nên công ty phải tiến hành đào giao thông hào xung quanh cơ quan và những khu rừng lân cận, để tạm thời ngăn chặn việc dân lấn chiếm đất chứ chẳng còn cách nào khác.
 

Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM

 


.