Dấu ấn từ một công trình

09:07, 17/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày đầu ra riêng với muôn vàn khó khăn song nhờ tinh thần lạc quan, phấn khởi, toàn Đảng bộ tập trung khắc phục những bất cập, hạn chế dồn sức cho việc hoàn thành công trình thủy lợi Thạch Nham nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tạo bàn đạp để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Thạch Nham, một công trình trọng điểm cấp Nhà nước được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tưởng Chính phủ) ra quyết định phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình vào tháng 6.1984. Đây là công trình có năng lực thiết kế tưới 50.000ha đất canh tác, cấp nước cho yêu cầu công nghiệp và dân sinh 43,18 triệu m3/năm. Tổng vốn đầu tư 1,055 tỷ đồng (theo giá cố định 1982).

 

Công trình đầu mối Thạch Nham.                                                                                                   Ảnh: T.LONG
Công trình đầu mối Thạch Nham. Ảnh: T.LONG


Ngày 1.6.1985 Bộ Thủy lợi và UBND tỉnh Nghĩa Bình làm lễ khởi công thi công kênh tưới. Theo thiết kế công trình có 2 hạng mục chính: Công trình đầu mối gồm một đập tràn bằng bê tông cộng lực dài 200m, nơi cao nhất 27,1m, hai cụm cống lấy nước phía nam và phía bắc. Hệ thống kênh mương gồm kênh chính Nam dài 35km tưới cho 27.500ha, kênh chính Bắc dài 30,5km tưới cho 22.500ha, kênh cấp 1 dài 180km, kênh nhánh các cấp dài 350km.

Một công trình đồ sộ như thế, nhưng xây dựng trong thời kỳ ngân sách nhà nước hết sức khó khăn, bị bao vây cấm vận, lại chưa thoát ra khỏi nền kinh tế quan liêu bao cấp, nên không dễ gì vượt qua tình trạng trì trệ kéo dài. Chính vì vậy mà Thạch Nham đã bị kéo dài nhiều năm. Đầu năm 1986 khởi công thi công công trình đầu mối và mãi đến tháng 2.1989 mới chặn dòng sông Trà.

Sau ngày tái lập tỉnh, cùng với việc chỉ đạo ổn định tình hình đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã có ngay nghị quyết về tập trung toàn lực sớm hoàn thành công trình thủy lợi Thạch Nham, phấn đấu năm 1990 đưa nước tưới cho được 12.500 ha dọc sông Trà Khúc nhằm thay thế các bờ xe, bờ cừ, đập dâng hết sức tốn kém và hiệu quả thấp.

Tỉnh ủy có chủ trương, HĐND tỉnh ra nghị quyết, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện với một quyết tâm rất cao, song khó khăn lúc đó vẫn là nguồn vốn.  Thấy được khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi, Chính phủ, Bộ Thủy lợi đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ cho công trình sớm hoàn thành.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phân công cán bộ lãnh đạo xuống hiện trường cùng các địa phương huy động nhân lực đào đắp kênh mương, tham gia giải quyết sự cố trong quá trình xây dựng. Công tác tuyên truyền, vận động qua báo, đài và các kênh thông tin khác cũng được Tỉnh ủy huy động tối đa nhằm động viên sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân. Kỹ thuật cùng với sức người đã vượt qua khó khăn, trở ngại, hệ thống kênh mương được xây dựng, nước Thạch Nham đã về với đồng ruộng tạo niềm phấn khởi vô bờ cho nông dân. Tuy nhiên diện tích tưới chưa nhiều do các tuyến kênh cấp 1, cấp 2 và kênh nội đồng chưa đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu.

Là người có công lớn trong chỉ đạo xây dựng công trình thủy lợi Thạch Nham, Bác Phạm Văn Đồng mỗi lần thăm quê đều trực tiếp kiểm tra tiến độ công trình. Trong lần về thăm khi tỉnh Quảng Ngãi tái lập, trong cuộc họp với cán bộ lãnh đạo địa phương và những người nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Bác Đồng nói: “Chúng ta phải nhớ rằng công trình thủy lợi Thạch Nham chia làm nhiều bước và đến lúc này là bước quyết định nhất. Chúng ta hãy tính, nếu công trình đem tưới sớm hơn một năm thì kết quả của nó tốt đẹp biết chừng nào! Công trình Thạch Nham có hai phần việc: Phần của Bộ Thủy lợi và phần của tỉnh. Rất tiếc là phần của tỉnh làm chậm…”.

Ý kiến của Bác Đồng một lần nữa đòi hỏi sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của toàn Đảng bộ. Một số đồng chí lãnh đạo của tỉnh tới tuổi nghỉ hưu được Thường vụ Tỉnh ủy huy động tham gia vào ban chỉ đạo dồn hết sức cho nhiệm vụ trọng tâm này suốt một thời gian dài. Cuối cùng công trình đã hoàn thành, nước Thạch Nham đã tưới cho hầu hết diện tích lúa các huyện đồng bằng, tình trạng thiếu nước của cây trồng, cho sinh hoạt cơ bản không còn, năng suất lúa tăng nhanh, lương thực đã được giải quyết, tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.

Những ngày đầu tái lập tỉnh và công trình thủy lợi Thạch Nham là dấu ấn khó quên của 25 năm về trước, khắc phục được tình trạng thiếu nước tưới, ổn định về sản xuất lương thực trên địa bàn tỉnh mấy chục năm qua.q

VŨ TÙNG VI

 


.