Làng nghề kết chổi đót vào mùa

08:03, 07/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi những bông hoa đót nở khắp các sườn đồi miền núi Quảng Ngãi thì cũng là lúc làng nghề chổi đót ở Phổ Phong (Đức Phổ) vào mùa sản xuất. Qua từng năm, làng nghề phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu chổi đót, nhờ đó đã giải quyết nguồn lao động nông nhàn ở địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Nhộn nhịp mùa sản xuất

Các sân vườn, góc nhà ở làng nghề chổi đót Hùng Nghĩa, Gia An... xã Phổ Phong mùa này đông đúc, nhộn nhịp. Kẻ phơi đót, người thu gom chất đống... Chiếc xe tải chở đầy bông đót tấp vào nhà chị Nguyễn Thị Ngọc Mỹ thôn Hùng Nghĩa. Chị Mỹ cùng đám thanh niên khuân đót vào kho. Chị Mỹ cho biết: "Làng vào mùa kết chổi nên ai cũng bận rộn. Chồng tôi tranh thủ đi liên kết với các nơi để mua nguyên liệu. Còn tôi thì kêu người làm công kết chổi để kịp xuất theo đơn đặt hàng".

 

Chổi đót xuất khẩu.
Chổi đót xuất khẩu.


Cơ sở kết chổi đót của chị Mỹ mới hoạt động hơn 5 năm. Nhưng, mỗi năm cứ tăng dần số lượng. Khi mới thành lập, cơ sở của chị chỉ kết khoảng 10.000 cây chổi/năm. Sản phẩm làm ra chị bán ở TP. Hồ Chí Minh. Nhờ kỹ thuật kết chắc, dày nên sản phẩm của chị được nhiều cơ sở đặt hàng. Giờ đây, mỗi năm chị sản xuất 36.000 cây chổi. Ở làng nghề chổi đót Phổ Phong có 3 cơ sở sản xuất với quy mô lớn, 50 cơ sở kết chổi tầm cỡ như chị Mỹ. Mỗi cơ sở nhỏ thu hút từ 3 - 7 lao động. Các cơ sở sản xuất với quy mô lớn có từ 12 - 17 lao động thường xuyên.

Các cơ sở này hoạt động liên tục trong năm. Vì vậy, để đủ nguyên liệu sản xuất, hàng năm cứ sau Tết Nguyên đán, hoa đót nở là thời điểm các cơ sở làng nghề kết chổi đót ở Phổ Phong và các nơi khác lại tỏa đi khắp nơi thu mua. Tuy nhiên, núi đồi ngày càng thu hẹp vì trồng cây nguyên liệu keo nên lượng đót theo đó cũng giảm dần, trong khi làng nghề thì ngày một phát triển. Mấy năm gần đây, các chủ cơ sở sản xuất chổi đót ở Phổ Phong phải đến các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế mua đót nhập về từ Lào hay lên các tỉnh Tây Nguyên để mua.

Làng nghề cất cánh

Trên con đường gồ ghề đá, chiếc xe ô tô bóng loáng hiệu INOVA lướt nhẹ qua các cánh đồng vào làng Gia An. Bà con ở làng Hùng Nghĩa xã Phổ Phong chỉ theo, bảo: Nhờ sản xuất chổi đót bán trong nước rồi xuất khẩu mà ông Huỳnh Cư đã tậu được xe hơi đời mới. Nhìn ổng làm ăn, con cái học đại học hết, ai cũng ao ước, noi theo...

Chiếc xe ô tô đi vào cơ sở sản xuất chổi đót thật bề thế. Ông Cư bước xuống xe và đến bảng ghi tên theo dõi công lao động. Đảo mắt nhìn qua, ông bảo: "Lượng lao động bấy nhiêu cũng chưa đủ để sản xuất theo đơn đặt hàng. Ngày mai phải huy động thêm bà con đến kết chổi".

Gần một tháng qua, ông Cư đánh xe vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ tìm hiểu thị trường để quyết định năm nay sản xuất loại chổi gì, số lượng bao nhiêu. Sau khi nắm bắt thị trường, ông lại quay về đi hết các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế rồi đến các tỉnh Gia Lai, Kon Tum để tìm mua khoảng 20 tấn đót cho mùa sản xuất năm nay.

Đầu năm ông Cư đã mua được 10 tấn đót. Mùa sản xuất mới bắt đầu mà ở cơ sở ông đã có khoảng 10 lao động làm việc. Ông Cư chỉ vào những giàn chổi đã kết sẵn khoảng chừng 20.000 cây, bảo: "Nhìn thì tưởng một loại, nhưng thật ra chổi cũng có 5 - 7 loại. Loại bán trong nước cho hộ gia đình, cho cơ quan, trường học, cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp... loại xuất khẩu. Riêng loại xuất khẩu có mẫu mã đẹp, nhẹ hơn loại bán trong nước".

Ông Cư cho rằng: "Các nước ASEAN ưa chuộng chổi đót Quảng Ngãi lắm. Cơ sở mình đã xuất khẩu gần 10 năm nay. Mỗi năm xuất khoảng 50.000 cây, có năm lên đến 100.000 cây". Nhờ làm ăn thuận lợi, ông Cư đã đầu tư cho hai người con lớn học đại học. Năm 2012, gia đình ông còn dành dụm mua được chiếc xe ô tô trị giá 600 triệu đồng.


Cơ sở phát triển, ông Cư đã góp phần giải quyết việc làm cho bà con trong xóm. Đôi lúc cần tiền bà con xin ứng, ông Cư vui vẻ đáp ứng nhu cầu. Bà Nguyễn Thị Ba, người làm công ở cơ sở ông Cư thật thà: "Nhờ chú Cư lắm! Chồng mất sớm, một mình tui phải làm đủ mọi việc để nuôi hai đứa con, nên cứ thiếu trước hụt sau. Vì vậy khi cần tiền, hỏi mượn là chú Cư giúp ngay".

Chổi đót của ông Cư đã được xuất đi khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ rồi xuất khẩu ra nước ngoài. Không chỉ chủ cơ sở như ông Cư mua được xe hơi và có cuộc sống khá giả, mà lao động ở làng nghề kết chổi đót Phổ Phong nhờ đó cũng có cuộc sống ổn định.

Bài, ảnh: Trường An

 


.