Làng đót Phổ Phong khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm

01:06, 18/06/2012
.

(QNg)- Hình thành gần nửa thế kỷ trước, nghề sản xuất (quấn) chổi đót ở xã Phổ Phong (Đức Phổ) từng là nguồn sống của hàng trăm gia đình. Nghề này đã giúp hàng trăm hộ dân vươn lên làm giàu, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với khoản thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, hiện làng đót Phổ Phong đang phải gồng mình vì cây chổi "bí" đầu ra.

TIN LIÊN QUAN


Ai ơ...i, chổi đây!

"Ở thời điểm này hai năm trước, cứ dong xe trên đường thì luôn thấy cảnh nhà nhà quấn chổi, xe tải "ăn hàng" vào ra tấp nập. Lúc trước 10 nhà, giờ thì còn 5 - 6 gia đình sản xuất cầm chừng chứ chưa chắc bán được hàng" - một cán bộ xã Phổ Phong cho biết.

Nghề quấn chổi đót là khoản thu nhập chính của hàng nghìn lao động trong xã.
Nghề quấn chổi đót là khoản thu nhập chính của hàng nghìn lao động trong xã.


Những năm trước, cơ sở sản xuất chổi đót của anh Huỳnh Cư ở thôn Gia An luôn có 15 - 20 lao động làm việc thường xuyên với khoản thu nhập mỗi ngày 70.000-130.000 đồng/người. Mỗi tháng, cơ sở của anh xuất xưởng từ 9.000-10.000 cây chổi theo đơn đặt hàng và nhận tiền qua tài khoản ngân hàng. Nhưng vì không bán được sản phẩm nên hiện anh chỉ sản xuất cầm chừng với 6 - 7 lao động, mỗi tháng chỉ quấn từ 2.000 - 3.000 cây chổi. "Vì muốn giữ chân người lao động nên tôi vẫn hành nghề chứ chổi làm ra chẳng có ai mua, nếu nghỉ việc thì hơn 1 tỷ đồng mua bông đót xem như mất trắng. Mặc dù, tôi luôn gọi điện thoại cho bạn hàng cũ và lên mạng tìm những khách hàng mới nhưng vẫn cứ ế, phải rong ruổi bán dạo tại các tỉnh, thành ở phía Nam" - anh  Cơ cho biết.

Chị Nguyễn Thị Hà, trước là chủ cơ sở sản xuất chổi đót giải quyết việc làm từ 5 - 7 lao động, phải đến quấn chổi thuê cho anh Cư với khoản thu nhập mỗi ngày gần 70.000 đồng. "Do không bán được chổi, vốn lại ít nên tôi đành phải nghỉ việc ở nhà để đi làm thuê kiếm tiền nuôi sống gia đình. Mà nếu có đủ vốn làm thì cũng chẳng biết bán cho ai" - chị Hà than thở.

Vợ chồng anh Đoàn Tư bất chợt thở dài khi nhìn vào đống bông đót trị giá gần 400 triệu đồng. Khi trước, anh chị là chủ cơ sở sản xuất chổi đót từ 10 - 12 lao động với lượng chổi xuất xưởng mỗi tháng 7.000 - 9.000 cây. "Nếu cứ làm thì biết bán cho ai? Do vậy vợ chồng tôi phải ngừng sản xuất, thỉnh thoảng vẫn làm cho đỡ nhớ nghề chứ chẳng được là bao" - anh nói.


"Ế hàng nên nghỉ việc hay chỉ sản xuất cầm chừng" là câu nói của hầu hết những chủ cơ sở sản xuất chổi đót ở Phổ Phong. Theo số liệu thống kê, vào thời điểm cuối năm 2011, trên địa bàn xã có trên 500 cơ sở sản xuất chổi đót, nhiều nhất là ở hai thôn Gia An và Vĩnh Xuân. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có khoảng 200 cơ sở còn duy trì sản xuất với sản lượng giảm đáng kể so với trước đó. Một số hộ bị thua lỗ khá nặng khi vay vốn để đầu tư vào sản xuất, thậm chí có gia đình còn bị ngân hàng niêm phong nhà cửa vì không trả nợ đúng hạn.

Nhiều người đã gắn bó hàng chục năm với cây đót cứ luôn ngậm ngùi về thời vàng son, khi những người dân Phổ Phong di cư vào các tỉnh thành phía Nam và lập ra nhiều làng nghề quấn chổi và ngày càng phát triển. "Giờ thì những làng nghề ấy cũng tiêu điều, nhiều người phải chuyển sang ngành nghề khác để mưu sinh. Riêng những gia đình còn duy trì sản xuất phải cử người vào ở hẳn trong Nam thuê phòng trọ rong ruổi bán dạo với tiếng rao "ai ơ…i, chổi đây!" đến khản giọng" - anh Cư cho biết.  

Cần liên kết trong sản xuất

Nhiều chủ sơ sở sản xuất chổi đót ở Phổ Phong cho biết: Tình trạng ế hàng thỉnh thoảng vẫn cứ xảy ra trong những năm trước. Tuy nhiên, đây là thời điểm khó khăn nhất trong hàng chục năm qua và khó có cơ hội hồi phục. Bởi vì, sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh, thành phía Nam và xuất khẩu sang Campuchia và Malaysia, nhưng hiện những thị trường này vừa hình thành rất nhiều làng nghề cộng với việc chổi đót sản xuất ở Trung Quốc đang dần chiếm lĩnh thị trường nước bạn.

Ông Trần Anh Dũng - Chủ tịch UBND xã Phổ Phong cho rằng, sản phẩm chổi đót ế ẩm là do ảnh hưởng bởi "bão giá" nên người tiêu dùng tiết kiệm mua sắm và mặt hàng này cũng bị liên lụy (?) Xã cũng đã gửi hồ sơ kiến nghị lên cấp trên công nhận nghề sản xuất chổi đót ở địa phương là làng nghề truyền thống để được hỗ trợ kinh phí cho việc quy hoạch và phát triển làng nghề theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, người dân sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư vào sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được công nhận.

Nhưng qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã phát hiện ra vấn đề có thể gây "chết nghề" đối với hàng trăm hộ sản xuất chổi đót ở Phổ Phong. Đó là tình trạng tranh mua nguyên liệu, thiếu sự liên kết đồng bộ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. "Nhiều người cứ lặng lẽ nâng giá tranh nhau mua bông đót và mặc sức bán với mức giá cao - thấp, miễn là tiêu thụ được hàng. Những năm trước, tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng với khối lượng lớn nhưng đành từ chối vì không thể liên kết sản xuất với các hộ khác do không cùng mẫu mã" - anh Cư cho biết.

Để "cứu sống" nghề sản xuất chổi đót ở Phổ Phong, chính quyền và người dân cần nhanh chóng có biện pháp tự cứu mình khi chưa nhận được sự hỗ trợ của cấp trên. Và có lẽ đấy cũng là biện pháp hữu hiệu để duy trì và phát triển làng nghề đã gắn bó với người dân địa phương gần nửa thế kỷ qua.


       Bài, ảnh: TRANG THY    
 


.