Tăng thu nhập cho nông dân- Giải pháp đã có, chỉ chờ thực thi

05:08, 04/08/2013
.

(QNg)-  Tăng thu nhập cho nông dân được xem là bài toán hóc búa mà lâu nay, ngành nông nghiệp cả nước nói chung, Quảng Ngãi nói riêng loay hoay tìm đáp án. Do đó, Hội thảo Các giải pháp sau thu hoạch lúa gạo và san phẳng ruộng ứng dụng kỹ thuật laser khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên do Cục trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ NN&PTNT tổ chức tại TP Quảng Ngãi trong hai ngày (30-31/7) được kỳ vọng sẽ tìm ra những giải pháp nhằm tăng hiệu quả sản xuất cũng như lợi nhuận cho nông dân.

TIN LIÊN QUAN
Trong khi hợp phần “Giảm tổn thất sau thu hoạch và tăng thu nhập bằng lúa gạo chất lượng tốt hơn” thuộc Dự án ADB-IRRI RETA 14&15 được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hỗ trợ Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) và Việt Nam thực hiện từ năm 2009 với mục tiêu giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng thu nhập cho nông hộ (lợi nhuận tăng 15%) thì, “San phẳng ruộng ứng dụng kỹ thuật laser” được xem là giải pháp tối ưu để mở “nút” cho dồn điền đổi thửa (DĐĐT) và chỉnh trang đồng ruộng, từ đó đẩy mạnh việc cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất.

*Giải pháp có …

Có mặt tại những cánh đồng mía ở xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), không ít người bất ngờ trước màu xanh bạt ngàn của loại cây trồng này. Nói bất ngờ là bởi, đất đai ở đây có độ dốc lớn, thoạt nhìn bạc màu vì lượng đá với sỏi. Đã thế, khi ông Đào Lê Anh Tường - cán bộ kỹ thuật Công ty CP Đường Quảng Ngãi (QNS) tiết lộ thông tin “chênh lệch cao trình giữa các thửa mía lên đến 85 cm, có khi 1 m” thì ai cũng kinh ngạc. Bởi đặc điểm này đã đẩy việc sản xuất rơi vào thế bị động khi mà mặt ruộng và hệ thống tưới tiêu “vênh” nhau, khiến nước chảy theo kiểu “đầu thừa cuối thiếu” hoặc ngược lại. Dù vậy, cây mía ở đây lại xanh tốt đến lạ.

 

Sau khi được san phẳng ruộng bằng kỹ thuật laser (ảnh lớn),
San phẳng ruộng bằng kỹ thuật laser.

 

Lý giải điều này, ông Trần Mười ở thôn Phú Lâm Tây bảo rằng, đó là nhờ sự lao lực của người trồng mía. Vì biết đất ở đây có nhiều khiếm khuyết nên bà con phải dày công cày, cuốc, san ủi. “Gắng sức là vậy nhưng đến giờ, nước vẫn không thể tự chảy đều khắp ruộng. Chắc hẳn, đất ở đây chẳng thể nào bằng phẳng được”, vừa nói ông Mười vừa chỉ vào ruộng mía lồi lõm của mình.

Vì thế, khi thấy QNS “biến” ruộng gồ ghề thành mặt bằng phẳng như giấy, ông Mười và người trồng mía nơi đây lại khấp khởi mừng. Vì chỉ sau 4 ngày, 1,1 ha ruộng bậc thang cùng độ cao 85 cm trở nên bằng phẳng và cao trình được giảm đến 73cm. “Chưa cần biết năng suất mía sẽ tăng bao nhiêu nhưng chắc chắn, tưới tiêu và máy móc làm việc sẽ thuận lợi hơn, nông dân chúng tôi cũng khỏe hơn”, ông Mười hồ hởi bày tỏ. Đây cũng là điều mà đồng ruộng trong tỉnh đang hướng đến trong tiến trình chỉnh trang và DĐĐT.

Vì với tốc độ san ủi 4 ngày/1,1 ha ruộng/độ dốc 85cm thì, hơn 21 nghìn ha đất nông nghiệp Quảng Ngãi cần được chỉnh trang và DĐĐT sẽ cán đích trước lộ trình là năm 2020. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phan Hiếu Hiền (Cán bộ tư vấn Dự án IRRI), việc DĐĐT “ngốn” rất nhiều thời gian nên trước mắt, cần tập trung dồn điền-nghĩa là san phẳng tạo độ đồng đều cho ruộng nhằm giúp nông dân canh tác thuận lợi. Bởi, “khi độ dốc hạ 5cm thì lượng nước hao hụt được giảm đến 50%, năng suất tăng 5-10%. Từ kết quả này, việc đổi thửa sẽ thực hiện dễ dàng hơn”, ông Hiền khẳng định.

*…còn khó khâu thực thi

 việc canh tác mía thuận lợi và tiết kiệm hơn (ảnh nhỏ).
Việc canh tác mía thuận lợi và tiết kiệm hơn sau khi được san phẳng ruộng bằng.


Dù năng suất đã được cải thiện nhưng thực tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp (SXNN) chưa cao. Nguyên do là bởi, SXNN hiện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; tổn thất sau thu hoạch lớn, trong khi cơ chế chính sách dành cho nông nghiệp còn nhiều bất cập khiến doanh nghiệp (DN) không mạnh dạn rót vốn cho lĩnh vực này. Ngay như việc ứng dụng kỹ thuật laser để san phẳng ruộng, dù đây là giải pháp hữu hiệu để cải tạo đồng ruộng, được Bộ NN&PTNT cho phép đưa vào sử dụng rộng rãi nhưng thực tế, điều này không phải dễ. Khúc mắc trước tiên là chi phí. Với mức giá 30 triệu đồng/ha, chắc chắn nông dân sẽ… lơ! Vậy là muốn thực thi nhiệm vụ “giảm tải” cho nông dân, kỹ thuật này phải trông chờ vào sự hậu thuẫn của Nhà nước.

Còn theo lý giải của ông Ngô Văn Đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thì, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sản xuất bị sụt giảm là do nông dân chưa thực sự quan tâm đến việc giảm tổn thất sau thu hoạch; đặc biệt là khu vực miền Trung với 8-17% sản lượng (0,53-1,12 triệu tấn) lúa bị thất thoát hàng năm. Đã thế, dù sản lượng lúa gạo năm 2012 của cả khu vực đạt 4,5 triệu tấn nhưng nó chỉ nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, chưa hình thành ngành sản xuất hàng hóa nên vấn đề bảo quản cũng bị bỏ ngỏ. Điều này khiến người trồng lúa thường bị thua lỗ. Để giải quyết vấn đề này, “nút thắt” đầu tiên cần phải gỡ chính là cải tạo ruộng. Bởi, “đồng ruộng bằng phẳng thì cơ giới hóa mới có cơ hội phụ giúp nông dân từ khâu làm đất đến bảo quản, chế biến. Nghĩa là bài toán giảm thất thoát sau thu hoạch tự khắc có lời giải”, ông Đây khẳng định.

Như vậy, đáp án tăng hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập cho nông dân đã có. Nhưng để nó “sống” được là cả một quãng đường dài với nhiều yếu tố phụ thuộc, mà cụ thể là tiềm lực của mỗi địa phương. Ngay như Quảng Ngãi, dù đã xác định chỉnh trang và DĐĐT là tiền đề của tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân và nông thôn nhưng để hơn 21 nghìn ha đất nông nghiệp được “bằng phẳng, liên vùng liên thửa và sẵn sàng tiếp nhận máy móc” thì, ngoài chi phí 829 tỷ đồng được bố trí kịp thời, nó cần nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và các DN.

 

 Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Hòa: “Đặc điểm địa hình của Quảng Ngãi là nhiều đồi, dốc; đất đai lại eo hẹp nên chỉ cho phép hình thành những thửa ruộng có diện tích từ 0,05-0,2 ha. Điều này khiến việc cải tạo và đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi cần lựa chọn kỹ thuật và trang thiết bị cải tạo, san ủi ruộng phù hợp; đồng thời hình thành những điểm sản xuất mẫu có ứng dụng kỹ thuật san phẳng ruộng kết hợp cơ giới hóa để tranh thủ sự đồng thuận của nông dân”.

 

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.