Nơm nớp với “EMS”

02:08, 30/08/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- EMS là "Hội chứng chết sớm" còn có tên là Hội chứng hoại tử gan tụy cấp ở tôm (AHPNS) bắt đầu bùng phát từ năm 2010 và gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi tôm. Đặc biệt là vào mùa mưa, thời điểm thuận lợi để EMS quật tôm chết dễ dàng…

TIN LIÊN QUAN

EMS thường gây chết tôm ở giai đoạn từ 7 - 35 ngày nuôi. Tuy nhiên, không ít trường hợp tôm bị mắc bệnh và chết khi đã được 35 - 60 ngày tuổi với triệu chứng gan tụy bị teo, mềm nhũn, sưng hoặc chai. Kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm phát hiện tế bào gan bị hoại tử khiến lượng chất béo dự trữ hầu như không còn. Điều quan ngại là dù các nhà khoa học đã chỉ ra được “thủ phạm” gây ra EMS nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để loại trừ căn bệnh trên.

Ám ảnh EMS

Nếu như phân trắng hay vi rút đốm trắng ở tôm là những căn bệnh thường xuyên “hành” người nuôi tôm, thì EMS lại khiến họ sợ. Bởi, khi bị mắc vi rút đốm trắng hoặc phân trắng, con tôm vẫn còn có cơ may bình phục nếu được chủ hồ kịp thời “cứu”. Nhưng với EMS thì, hoặc chủ hồ bấm bụng thu hoạch tôm non, hoặc chấp nhận đánh cược với may mắn bằng cách áp dụng các bước chăm sóc như cho tôm ngừng ăn, sát trùng và cấy lại vi sinh MERATM Bac W.

 

Hội chứng tôm chết sớm là nỗi ám ảnh của người nuôi tôm.
Hội chứng tôm chết sớm là nỗi ám ảnh của người nuôi tôm.


Tuy nhiên, giải pháp trên chỉ mang tính "chữa cháy" với tỷ lệ một mất một còn, khi mà không ít trường hợp tôm chết và hoại tử gan với tốc độ nhanh hơn sau cách xử lý trên. Ông Trần Sáu, ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức), người đã gắn bó với con tôm hơn 15 năm bảo rằng, tôm 7 - 35 ngày tuổi rất mẫn cảm với môi trường sống, dễ sinh bệnh. Thế nên mỗi khi buông vó vớt chúng lên text mẫu, các chủ hồ rất sợ đụng phải con tôm bị mềm nhũn thân-dấu hiệu cho thấy nó đã bị “dính” EMS. Lúc đó, chỉ còn cách bán đổ bán tháo mong gỡ gạc tiền giống.

Vẫn là “chủ động phòng ngừa”
 

Theo nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Donald Lightner (ĐH Arizona-Mỹ), nguyên nhân gây bệnh tôm chết sớm EMS là do một chủng vi khuẩn có tên Vibrio parahaemolyticus bị tấn công bởi một loại vi rút gọi là Phage làm vi khuẩn tạo ra một loại độc tố cực mạnh. Độc tố này phá hủy các mô tế bào, gây rối loạn chức năng cơ quan tiêu hóa và gan tụy của tôm. Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus xâm nhập cơ thể tôm qua đường tiêu hóa, tồn tại và phát triển mạnh trong đường ruột tôm. Nghiên cứu này được công bố trên trang web Hiệp hội nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) ngày 2.5.2013.

Lâu nay, người nuôi tôm đối phó với dịch bệnh bằng những biện pháp chăm sóc thông thường và dùng hóa chất xử lý ao nuôi quen thuộc như: Saponine, BKC, Cholorine, Iozol hay vôi. Nhưng EMS lại yêu cầu kỹ thuật cải tạo ao nuôi hoàn chỉnh, sử dụng giống đạt chất lượng từ P12 trở lên. Thậm chí có người bỏ không ít chi phí để ươm nuôi giống từ P12 lên P30, giúp tôm con đủ sức chống chọi với dịch bệnh, trong đó có EMS.

Tuy nhiên, số người nắm bắt được quy trình phòng ngừa trên cũng như biện pháp đối phó khi tôm bị nhiễm EMS bằng cách dùng thuốc sát trùng gốc lodine và cấy lại vi sinh MERATM Bac W là không nhiều. Thế nên dù nắm rõ những triệu chứng mà EMS gây ra cho con tôm, nhưng khi đề cập đến nguyên nhân, phần lớn người nuôi tôm trong tỉnh đều lắc đầu “không biết chính xác”. Thế nên khi phát hiện tôm có dấu hiệu nhiễm EMS, hầu hết chủ hồ không lựa chọn giải pháp “cứu” mà tiến hành thu hoạch non dù bệnh chỉ mới khởi phát! Lý giải điều này, ông Huỳnh Văn ở xã Phổ An (Đức Phổ) nói gọn: “Do người nuôi tôm “đói” thông tin. Nghĩa là họ không được nắm bắt tường tận nguyên nhân gây bệnh thì làm sao biết cách chữa”.

Chia sẻ nỗi lòng với người nuôi tôm, Chi cục Thú y Quảng Ngãi cũng chỉ biết tăng cường công tác hướng dẫn và khuyến cáo chủ hồ áp dụng các biện pháp phòng ngừa sự xuất hiện của EMS, nhất là trong mùa mưa. Bởi hiện giờ, EMS vẫn chưa có phác đồ điều trị hữu hiệu cụ thể. Trong khi đó, việc phân tích mẫu bệnh phẩm để xác định nguyên nhân tôm chết sớm lại “ngốn” quá nhiều thời gian. Vì vậy khi xảy ra tình trạng tôm chết sớm, cả chủ hồ và cán bộ kỹ thuật cũng chỉ…dự đoán, chứ không dám khẳng định là do EMS. Điều này khiến việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn.  


Bài, ảnh: MỸ HOA  
 


.