Người nuôi tôm vẫn chưa có lối ra…

08:10, 05/10/2012
.

(QNg)- Kết thúc vụ nuôi tôm năm 2012, chúng tôi về những cánh đồng tôm xã Đức Minh, Đức Phong (Mộ Đức) - nơi được xem là vùng nuôi tôm trọng điểm ở Quảng Ngãi. Cảnh đìu hiu vẫn bao trùm lên các cánh đồng. Từng vuông tôm chạy dài bên mép sóng đều trơ đáy, quạt nước chỏng chơ, chòi canh vắng người... Đây đó, chỉ có vài người nuôi tôm.
 

TIN LIÊN QUAN


Tại cánh đồng tôm thôn Minh Tân xã Đức Minh chúng tôi chỉ thấy anh Nguyễn Rõ đi xem lại hồ tôm của mình hơn 1,5 tháng tuổi. Cầm tay vợt thả xuống hồ, anh vớt lên vài con tôm bằng ngón tay út, nói: "May là tôm vẫn bình thường. Ngày nào cũng phải túc trực ở đây. Cứ 3 tiếng là vừa cho tôm ăn, vừa xem biểu hiện của tôm thế nào để kịp thời xử lý". Hồi trước, đồng tôm đông người lắm. Mỗi người góp nhặt một ít kinh nghiệm để chỉ cho nhau khi tôm có biểu hiện không khỏe mạnh. Còn bây giờ, nuôi tôm khó khăn nên trong vụ này chỉ có vài hộ nuôi cầu may và để bảo quản hồ, máy móc khỏi hỏng.

 

Ông Nguyễn Rõ cứ phập phồng theo dõi sự phát triển của con tôm
Ông Nguyễn Rõ cứ phập phồng theo dõi sự phát triển của con tôm


Đây là vụ nuôi tôm thứ 2 trong năm, anh Rõ đã vất vả nhiều. Vụ đầu tiên anh nuôi trên diện tích 6.000 m2. Bỏ bao công chăm sóc, đánh vật với con tôm, nào là xử lý nguồn nước, thay đổi thức ăn, chạy quạt nước..., cộng chi phí thức ăn, điện, ni lông lót bạt cho hồ nuôi quá cao, vậy mà cuối vụ anh chỉ thu được 4 tấn tôm, giảm 4 tấn so với các năm được mùa. Giá cả lại thấp nên anh Rõ kiếm được hơn 100 triệu đồng, chỉ đủ chi phí. Vụ nuôi này anh thả nuôi với mật độ thưa hơn. Mặc dù, hiện tôm đang phát triển nhưng anh cũng phập phồng lo sợ.

Chiều thu, đồng tôm vắng người nên thật đìu hiu. Đây đó, chỉ có vài người ra thăm hồ, máy móc. Anh Võ Kha, nhìn hồ tôm của mình  ngao ngán, nói: "Mới bỏ trỗi vài vụ mà hồ như bỏ hoang từ bao giờ rồi. Chòi xiêu vẹo. Máy rỉ sắt, bạt lót hồ rách toạt... Nhưng, còn sức đâu nữa mà thả giống. 8 vụ liên tiếp đều thất thu. Kiệt sức, kiệt vốn đành bỏ hồ không thôi". Ở đồng tôm này, cũng có nhiều hộ lâm vào cảnh như anh Kha. Ông Rõ tính nhẩm, trước đây có khoảng 100 hộ nuôi tôm trên đồng này, vụ tôm năm nay chỉ còn 10 hộ nuôi. Đó là vụ một, thả lại vụ hai thì đã "rụng" 3 hộ nữa, hiện chỉ còn 7 hộ nuôi. 7 hộ này cũng nuôi theo kiểu cầu may.

Tại cánh đồng tôm Thạch Thang (Đức Phong) - nơi một thời con tôm đã đem lại nhà lầu, xe hơi cho nhiều người nhưng nay kết thúc vụ mùa cũng chẳng khả quan gì. Đồng tôm im ắng, vắng người. Ông Đinh Văn Bé - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phong, cho biết: Ở xã có 43,5 ha diện tích nuôi tôm, với 119 hộ tham gia. Mấy năm qua, dịch bệnh ở tôm xảy ra liên tiếp, không có hướng khắc phục, nên trong vụ mùa năm nay, thực hiện chỉ đạo của ngành nông nghiệp xã đã khuyến cáo bà con lùi lịch thời vụ thả nuôi tôm để tránh dịch bệnh. Những hộ nuôi tôm, vì thua lỗ nặng nên khi có chủ trương đều chấp hành tốt. Vụ đầu tiên ở đồng tôm Đức Phong thay vì xuống giống vào tháng 3 như lịch thời vụ, bà con phải dời đến tháng 5 mới thả giống. Vậy mà trong quá trình nuôi tôm dịch bệnh cũng xảy ra liên tục. Vụ nuôi tôm năm nay, bà con đa số thất thu.  

Năm nay, những vùng trọng điểm nuôi tôm ở Quảng Ngãi, người nuôi tôm, cùng chính quyền địa phương, ngành chức năng đều cố gắng thay đổi phương thức nuôi, cách chăm sóc, nhưng giờ kết thúc vụ mùa đều cho thấy không khả quan. Dịch bệnh ở tôm vẫn cứ xảy ra. Nhiều cánh đồng phải bỏ hoang. Con tôm như không "cầm cự" được với vùng đất cát trắng - một thời đã đem lại cuộc sống no ấm cho bà con...


Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.