Giải quyết dứt điểm chuyện "ruộng khô, nhà nát"

07:08, 01/08/2013
.

(QNg)- Nhiều năm qua một bộ phận người dân huyện Sơn Hà phải sống trong gian khó do phải nhường đất cho công trình thủy lợi và bất cập trong tái định cư... Ngày 30/7/2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đã đến kiểm tra thực tế các công trình này và chỉ đạo hướng tháo gỡ…

TIN LIÊN QUAN

“Chòi giữ dưa” và con kênh chết!

"Chòi giữ dưa" là câu nói xót lòng của Phó Chủ tịch Phạm Trường Thọ khi đặt chân đến khu tái định cư (TĐC) Làng Bung, thôn Mò O, xã Sơn Ba (Sơn Hà). Toàn khu TĐC gần 3 tỷ đồng Nhà nước bỏ ra để chủ đầu tư là Chi cục Phát triển nông thôn xây dựng, TĐC cho 65 hộ dân giờ chỉ là một bãi đất trống với những cái chòi lụp sụp. Nhà cái thì vách nứa, cái vách đất, rệu rã. Nắng không thể ở, mưa không thể núp vì những tấm tôn prô-xi măng nặng có thể đè bẹp những bức vách sơ sài kia bất cứ lúc nào.

 

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ kiểm tra thực tế khu tái định cư Làng Bung, xã Sơn Ba.  “Nhà” ở khu tái định cư Làng Bung, xã Sơn Ba (Sơn Hà).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ kiểm tra thực tế khu tái định cư Làng Bung, xã Sơn Ba.


Để vào được khu TĐC không vất vả lắm, nhưng bước chân ai cũng nặng trĩu. Dường như ở đây chưa có bóng dáng của cuộc sống an bình của dân TĐC. Sau khi rà soát, Phó Chủ tịch Phạm Trường Thọ kết luận: Chỉ có 3 căn nhà là tương đối chắc chắn. Điện, nước dù có nhưng nhiều hộ vẫn chưa được sử dụng do hệ thống đấu nối “có vấn đề”.

“Cuộc trực báo” được tổ chức chớp nhoáng với đầy đủ thành phần từ xã, huyện đến tỉnh và người dân ngay tại căn nhà xây – được chủ đầu tư giới thiệu là trường học của khu TĐC Làng Bung. Dân Làng Bung phản ánh rằng, chưa được phân lô, chẳng biết mình được cấp bao nhiêu đất. Xã báo chủ đầu tư chưa bồi thường cho hộ có đất làm khu TĐC nên giờ chủ đất đòi lại không cho dân TĐC vào ở. Huyện trình bày những tắc trách của chủ đầu tư. Còn chủ đầu tư là Chi cục Phát triển nông thôn thì lại đổ cho xã, huyện đã không chủ động vận động dân vào ở nên khu TĐC mới bỏ hoang.

Ghi chép tất cả những thông tin tại Làng Bung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ tiếp tục đến khu TĐC Gò Vườn, xã Sơn Linh. Khu này còn ảm đạm hơn cả khu TĐC Làng Bung. Sau 5 năm đầu tư tiền tỷ, khu TĐC này chỉ có 1 hộ dân vào ở. Nước “tắc”. Điện “treo”. Nơi ở biệt lập. Đường giao thông gập ghềnh... Những hộ dân thuộc diện phải di dời vào khu TĐC này hiện vẫn sống ở triền sông Giang ồng ộc nước đổ.

Trưa tròn bóng, Đoàn công tác vẫn tiếp tục cuộc hành trình từ Sơn Linh lên thị trấn Di Lăng để “mục sở thị” con kênh Tây “tiêu” tiền tỷ đã hư hỏng chỉ sau 2 vụ tưới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ kiểm tra từng đoạn ống bị lấp, từng chiếc van bị hỏng, mỗi cửa xả bị tắc và chất vấn tại hiện trường những cơ quan, đơn vị liên quan đã làm con kênh này “chết yểu”. Hệ lụy là một nửa trong tổng số 137ha  đất lúa của thị trấn Di Lăng bị bỏ hoang do không có nước. Phó Chủ tịch Phạm Trường Thọ yêu cầu tất cả các thành viên của đoàn công tác sẽ họp tại UBND huyện Sơn Hà vào đúng 1 giờ 30 phút chiều cùng ngày.

Chủ đầu tư vòng vo!

Tại cuộc họp, cơ quan phải báo cáo giải trình đầu tiên là Chi cục phát triển nông thôn – chủ đầu tư hai khu TĐC Làng Bung và Gò Vườn. Đại diện cơ quan này một mực “nhấn mạnh” các khu TĐC nói trên được đầu tư theo “diện hỗ trợ” di dời chứ không phải xây dựng nhà TĐC. Mỗi hộ Làng Bung được hỗ trợ 10 triệu đồng, thì cán bộ phụ trách chi tiền đã dùng 2 triệu mua giúp tôn lợp nhà. Dân còn 8 triệu, nên làm nhà tạm bợ. Mặt bằng khu TĐC chưa bồi thường cho chủ đất là do trước đó xã Sơn Ba thống nhất đây là đất do xã quản lý nên Chi cục đã “cắt” tiền bồi thường hơn 100 triệu đồng trước đó đã được phê duyệt trong thiết kế kỹ thuật xây dựng.

Khu TĐC Gò Vườn triển khai năm 2008, đầu năm 2009 mới xong, nhưng không điện, không nước. Lúc đó dân bị nước sông Giang đe dọa sạt lở, nhưng bây giờ thì sông cạn rồi, dân không muốn vào ở. Thế nhưng Chi cục lại đề nghị: “Huyện phải nỗ lực vận động nhân dân vào khu TĐC! Sau này có tiền thì sẽ mở rộng, nâng cấp”.

 

 “Nhà” ở khu tái định cư Làng Bung, xã Sơn Ba (Sơn Hà).
“Nhà” ở khu tái định cư Làng Bung, xã Sơn Ba (Sơn Hà).


Chi cục không đề cập đến bồi thường, giải phóng mặt bằng khu TĐC Gò Vườn. Đại diện chính quyền xã Sơn Linh và Sơn Ba cho rằng: Đất của xã quản lý nhưng hoa màu trên đất là của dân, phải bồi thường cho dân. “Hiện nay chủ đất đòi lại đất, không cho dân vào TĐC” – ông Đinh Văn Trắc - cán bộ địa chính xã Sơn Ba cho biết. Theo chính quyền Sơn Linh và Sơn Ba, đến thời điểm này xã chưa được bàn giao đầy đủ hồ sơ của các dự án TĐC nên không có cơ sở để giao đất cho dân làm nhà. Xã Sơn Linh còn mong muốn cấp trên tiếp tục đầu tư, cho phép xã Sơn Linh thực hiện giãn dân nơi khác vào khu TĐC Gò Vườn.

Đối với kênh Tây Di Lăng, chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng báo cáo rằng sự cố hư hỏng chủ yếu là do người dân thiếu ý thức bảo vệ ! Nếu được đầu tư sửa chữa thì kênh sẽ phát huy hiệu quả!

Những việc cần làm ngay!

Sau khi nghe chủ đầu tư và các cơ quan liên quan báo cáo, giải trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đã kết luận và chỉ đạo tháo gỡ các vấn đề vướng mắc của hai khu TĐC và kênh Tây Di Lăng.

Đối với khu TĐC Làng Bung, để xảy ra tình trạng trên là do chủ đầu tư thiếu trách nhiệm và không tuân thủ các quy định hồ sơ thủ tục dự án TĐC. Làm xong mặt bằng không giao đất, cấp giấy cho dân. Dân không biết đất của mình ở đâu để làm nhà. Chủ đầu tư bàn giao hồ sơ đất lại cho huyện; sửa chữa lại công trình nước sạch, hoàn chỉnh những phần việc chưa làm xong, tạo thuận lợi cho dân TĐC. Huyện Sơn Hà và xã Sơn Ba soát xét để cấp đất, tiến tới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân.

Riêng  khu TĐC Gò Vườn, từ nay đến cuối 2013, UBND huyện Sơn Hà soát xét lại số hộ thực sự có nhu cầu vào ở để vận động vào. Còn lại thực hiện phương án giãn dân theo nhu cầu của địa phương. Về hỗ trợ làm nhà ở của dân Làng Bung, đề nghị UBND huyện Sơn Hà nghiên cứu, vận dụng chính sách nhà ở để đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định. “Việc gì thiếu sót, việc gì đã cam kết với dân mà chưa làm thì phải làm ngay! Phải đảm bảo cho dân có chỗ ở an toàn trước mùa mưa bão” – Phó Chủ tịch Phạm Trường Thọ nhấn mạnh.

Đối với kênh Tây Di Lăng, chủ đầu tư và Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi phải khẩn trương khắc phục. Các sở: Nông nghiệp-PTNT, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh nguồn vốn khoảng 1,8 tỷ đồng đầu tư sửa chữa kênh Tây theo đề xuất của huyện Sơn Hà.  Phó Chủ tịch Phạm Trường Thọ yêu cầu: “Những vấn đề tỉnh đã chỉ đạo tại cuộc làm việc này phải thực hiện ngay trong năm 2013. Tỉnh sẽ có cuộc kiểm tra việc thực hiện. Nếu để xảy ra chậm trễ, thủ trưởng các cơ quan phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh”.           
                                      

Bài, ảnh: TN
 


.