Người nuôi tôm ở Quảng Ngãi: Chờ hóa chất hỗ trợ

01:07, 08/07/2012
.

(QNg)- Hiện nay, diện tích hồ nuôi tôm bị dịch bệnh cứ lan rộng. Trong khi đó, nguồn hóa chất để vệ sinh hồ nuôi đã cạn. Quảng Ngãi đang chờ 15 tấn hóa chất mà trung ương hỗ trợ để "tiếp viện" cho dân tiêu độc, khử trùng hồ.   

TIN LIÊN QUAN


Ngày 28/6, Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất hóa chất sát trùng dự trữ Quốc gia hỗ trợ các địa phương. Theo đó Quảng Ngãi được Bộ NN&PTNT xuất cấp không thu tiền 15 tấn hóa chất Chlorine. Nhận được thông tin, Chi cục Thú y tỉnh đã lên kế hoạch để nhận nguồn hóa chất trung ương chuyển về cấp phát cho các địa phương kịp thời.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Chi cục phó Chi cục Thú ý tỉnh:  Dịch bệnh ở tôm đã xảy ra liên tiếp trong nhiều năm qua. Bước sang năm 2012  lại nghiêm trọng hơn. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có hơn 142ha nuôi tôm bị dịch bệnh. Địa phương có dịch bệnh xảy ra nặng nhất là huyện Tư Nghĩa (hơn 100 ha), Đức Phổ (37 ha); Mộ Đức (hơn 5 ha); Bình Sơn (gần 1ha). Do dịch bệnh xảy ra trên diện rộng nên 5 tấn hóa chất mà tỉnh cho phép Chi cục mua từ đầu năm 2012 đã phân bổ về các địa phương, nhưng chẳng thấm vào đâu. Nhiều địa phương đành bất lực trước dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đáng lo ngại nhất  là 0,4 ha nuôi tôm ở Bình Đông (Bình Sơn) bị dịch bệnh đốm trắng (WSSV)- một trong 5 loại vi rút  nguy hiểm nằm trong danh sách được trung ương hỗ trợ hóa chất diệt trừ.

Nhiều hồ nuôi tôm ở vùng dịch bỏ không chờ hóa chất hỗ trợ để diệt khuẩn tiếp tục thả nuôi vụ hai.
Nhiều hồ nuôi tôm ở vùng dịch bỏ không chờ hóa chất hỗ trợ để diệt khuẩn tiếp tục thả nuôi vụ hai.


Trước tình trạng dịch bệnh ở tôm làm hàng loạt diện tích hồ nuôi bị bỏ hoang, hàng ngàn hộ rơi vào cảnh trắng tay, tỉnh đã có văn bản đề nghị trung ương hỗ trợ khoảng 30 tấn hóa chất để phòng chống dịch. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ cấp 15 tấn hóa chất. Đến thời điểm này nguồn hóa chất hỗ trợ vẫn chưa về đến Quảng Ngãi nên hàng trăm hộ nuôi tôm đang bỏ trống hồ, ngóng chờ được cấp phát hóa chất để vệ sinh hồ nuôi.  

 Ông Nguyễn Văn Thuận cho biết thêm: Với 15 tấn hóa chất được cấp so với thực tế dịch bệnh tôm ở Quảng Ngãi thì quá ít, nên Chi cục đề xuất UBND tỉnh trích 400 triệu đồng để mua thêm 10 tấn hóa chất Chlorine để cung cấp cho các địa phương.

 Trong khi dịch bệnh lan tràn, hóa chất hỗ trợ chưa chuyển về thì vụ nuôi tôm đợt hai theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp khuyến cáo đã đến. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có khoảng 590 ha diện tích hồ nuôi tôm. Trong đợt 1 năm nay bà con chỉ thả nuôi khoảng hơn 400 ha. Diện tích còn lại chủ yếu bỏ hoang. Tuy vậy, số diện tích mặt hồ đã thả nuôi, tôm lại bị dịch bệnh xảy ra nhiều lần  nhiều hộ đã lỗ nặng, thậm chí đi vay ngân hàng giờ không thể trả vốn được. Bây giờ, vụ nuôi tôm đợt 2 đã bắt đầu, nên nhiều hộ rơi vào cảnh thiếu vốn đầu tư. Bên cạnh đó, người nuôi tôm còn đối mặt với nhiều nỗi lo khác như  nguồn  giống không đảm bảo chất lượng, môi trường  nước ô nhiễm...

 Một vấn đề khác là, toàn tỉnh chỉ có 7 cơ sở ươm tôm giống. Nhưng các cơ sở này chủ yếu là tự phát, trang thiết bị, kỹ thuật ươm chưa đầu tư đúng quy trình. Nguồn cung ứng này cũng chỉ đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu tôm giống trong toàn tỉnh nên nguồn tôm giống cung ứng cũng không đảm bảo là con giống sạch. Trước thực trạng này, Chi cục Thú y tỉnh đã triển khai công tác kiểm dịch thú y, đề nghị cơ sở ươm nuôi đúng quy trình, nhập giống ươm phải đảm bảo nguồn gốc, việc mua tôm giống ở tỉnh ngoài về bán phải có giấy kiểm dịch của cơ quan sở tại. Chi cục cũng đã tham mưu cho tỉnh có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cơ sở nhập tôm giống mà không có giấy tờ kiểm dịch. Đồng thời Chi cục đã tổ chức mở 10 lớp tập huấn ở 5 huyện đồng bằng để hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm đúng quy trình cho 600 người tham gia.

Những nỗ lực  của ngành nông nghiệp vẫn chưa thể chữa "căn bệnh trầm kha" của dịch bệnh ở tôm, nên rất cần triển khai các biện pháp tổng hợp để cải thiện chất lượng con giống, môi trường nuôi, lịch thời vụ và nhất là tăng cường ý thức người nuôi tôm trong việc chấp hành đúng quy trình kỹ thuật mà ngành nông nghiệp đã hướng dẫn. Có như thế mới có thể giải quyết một cách căn cơ vấn đề dịch bệnh tôm.


Bài, ảnh: MAI HẠ  
 


.