Người tiêu dùng "hụt hơi" vì các mặt hàng đua nhau tăng giá

08:03, 08/03/2012
.

(QNĐT)- Mặc dù đã được dự đoán trước, nhưng việc xăng, dầu đồng loạt tăng giá với mức cao khiến người tiêu dùng không khỏi bị sốc. Trước đó, mặt hàng gas, sữa cũng tăng giá một cách chóng mặt.  Đây thật sự là một gánh nặng cho người tiêu dùng và cả doanh nghiệp.

TIN LIÊN QUAN


Toát mồ hôi vì xăng, dầu tăng giá

Dúng 16 giờ chiều 7/3, giá bán lẻ xăng dầu đồng loạt tăng giá đã khiến không ít người tiêu dùng và doanh nghiệp ngỡ ngàng. Cụ thể, xăng A92 tăng 2.100 đồng lên 22.900 đồng một lít và là mức tăng cao nhất trong số các mặt hàng. Dầu diezen tăng 1.000 đồng lên 21.400 đồng một lít. Dầu hoả tăng 600 đồng lên 20.800 đồng mỗi lít trong khi giá bán dầu mazut được áp dụng là 18.800 đồng, tăng 2.000 đồng. Như vậy, trong lần điều chỉnh đầu tiên của năm 2012, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, đặc biệt là xăng A92 đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử.

 

Xăng dầu tăng giá đã ảnh hưỡng không nhỏ đến người tiêu dùng.

Đợt tăng giá xăng dầu lần này đã tác động không nhỏ đến đời sống của người dân.

 
Đợt tăng giá xăng dầu lần này đã tác động không nhỏ đến đời sống của người dân, nhất là người dân nghèo. Chị Trần Thị Phượng, phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi bộc bạch: Sau tết Nguyên đán giá cả nhiều mặt hàng bắt đầu tăng, người dân chưa kịp xoay sở thì nay với giá xăng dầu tăng cao, sẽ càng khiến đời sống người dân gặp thêm nhiều khó khăn, khi giá nhiều mặt hàng khác chắc chắn sẽ tăng theo.
 
Lão ngư Nguyễn Bốn, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, chủ của chiếc tàu QNg 82456 thì than thở: Chuyến biển này chưa kịp lấy dầu để ra khơi thì nghe thông tin tăng giá xăng dầu. Xăng dầu tăng cao thế này thì ngư dân đi biển khó thật, bởi chi phí sẽ đội lên rất nhiều. Với việc dầu diezen tăng 1.000 đồng/lít thì mỗi chuyến ra khơi cũng phải chi phí thêm không dưới 20 triệu đồng.

 

Ngư dân cũng đang đau đầu vì chi phi cho mỗi chuyển biển sẽ tăng cao.

Xăng dầu tăng giá, chi phí cho mỗi chuyến biển của ngư dân sẽ tăng cao.


Xăng dầu tăng giá, các công ty vận tải cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Ông Nguyễn Thanh Phong- Phó giám đốc Công ty TNHH Chín Nghĩa cho biết, trung bình mỗi xe chạy tuyến Quảng Ngãi-Sài Gòn và Sài Gòn Quảng Ngãi chi phí tiền xăng dầu mất khoảng 11 triệu đồng. Với giá xăng dầu mới như hiện nay thì mỗi chuyến, chúng tôi phải bù thêm ít nhất 500.000 đồng/xe. Với số lượng trên 50 đầu xe hiện có, mỗi ngày công ty phải bỏ thêm trên 25 triệu đồng cho xăng dầu. Tuy nhiên hiện công ty cam kết không tăng giá vé, bên cạnh đó các chế độ ăn uống trong suốt dọc đường cũng đảm bảo không thay đổi.  

Đau đầu vì giá gas, sữa

Chỉ trong 2 tháng đầu năm, giá gas trong nước đã được điều chỉnh đến 3 lần với mức chênh lệch hơn 100.000 đồng so với năm 2011. Điều đáng nói là ngày 1/3, giá gas lại được điều chỉnh tăng lên mức kỷ lục từ trước đến nay, thêm khoảng 52.000 đồng/bình 12kg. Hiện tại, tuy giá gas đã giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Tại thị trường Quảng Ngãi Gas Petrolimex có giá 494.000 đồng/bình 12kg, gas SP: 470.000 đồng, Elf gaz 535.000 đồng/bình 12,5kg…

Với tình trạng tăng giá “không phanh” như hiện tại, không ai khác ngoài người tiêu dùng phải chấp nhận và chịu thiệt thòi. Chính vì vậy, nhiều gia đình từ thành thị đến nông thôn đều loay hoay tìm cách tiết kiệm để đối phó với “bão giá”.

Chị Lê Thị Mỹ ở phường Chánh Lộ, TP. Quảng Ngãi cho biết: Vì gia đình đông người nên trung bình khoảng 1 tháng gia đình chị phải thay bình gas 1 lần. Với giá gas cao như hiện nay chị buộc phải cân đối, tính toán lại các khoản chi tiêu trong gia đình.

Chị Mỹ chia sẻ thêm: “May là hiện tại đang mùa nắng nên chúng tôi có thể tiết kiệm gas bằng cách bớt việc đun nước nóng và hâm thức ăn. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy thôi…”

Còn chị Nguyễn Thị Lệ Uyển ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) thì cho biết: Giá gas tăng thế này thì gia đình tôi và nhiều hộ xung quanh đã bàn cách mua bếp từ, bếp điện về dùng thay thế cho bếp gas. Thậm chí, nhiều gia đình có không gian rộng cho việc sử dụng bếp củi, bếp than cũng đã tận dụng triệt để. Không tìm mọi cách để tiết kiệm thì biết lấy gì trang trải những chi phí khác trong gia đình…

 

Gas tăng giá khá cao khiến các bà nội trợ thêm lo lắng.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm, giá gas trong nước đã được điều chỉnh đến 3 lần với mức chênh lệch hơn 100.000 đồng so với năm 2011.



Giá gas tăng mạnh không chỉ gây khó khăn cho người tiêu dùng mà những đại lý bán lẻ gas cũng chịu thiệt hại khi sức mua giảm hẳn. “Đâu phải giá tăng là những người bán gas như chúng tôi sẽ vui mừng. Từ đầu năm đến nay, giá gas tăng liên tục khiến cho sức tiêu thụ gas trên địa bàn giảm hẳn. Nếu như trước kia cửa hàng của tôi tiêu thụ khoảng 8-10 bình gas 12kg/ngày thì hiện tại chỉ bán được 3-4 bình/ngày.”- Chủ cửa hàng gas trên đường Nguyễn Nghiêm, TP. Quảng Ngãi cho hay.

Cùng với gas, việc tăng giá các loại sữa cũng là một vấn đề nan giải đối với người tiêu dùng, đặc biệt là với những gia đình có người già và trẻ em. Giá các loại sữa ngoại nhập từ cuối năm 2011 đến nay  tăng từ 10-15%; các loại sữa nội cũng tăng giá 7-8%. Một số nhãn hiệu nổi tiếng như: Enfa, Abbott, Friso, Dumex… tăng từ 20– 40 ngàn đồng/hộp. Trong đó, Dumex là nhãn sữa tăng cao nhất, trung bình trên 40 ngàn đồng/hộp.

Điều đáng nói là, mặc dù giá sữa tăng cao nhưng người tiêu dùng vẫn lựa chọn sữa ngoại nhiều hơn là sữa nội. Chị Võ Thị Kim Loan, nhân viên cửa hàng Mỹ Hạnh, đường Lê Trung Đình, TP.Quảng Ngãi cho biết: Hiện nay, người tiêu dùng vẫn thích chọn các loại sữa ngoại đắt tiền với suy nghĩ càng đắt thì càng có nhiều chất dinh dưỡng. Từ lúc giá sữa tăng quá mạnh, lượng tiêu thụ sữa tại cửa hàng cũng giảm nhẹ.

Theo tính toán của nhiều người tiêu dùng, thu nhập của những cán bộ công chức nhà nước và những người có thu nhập thấp thì khó lòng kham nổi tiền sữa hàng tháng cho con. Chị Nguyễn Thị Thúy Tình ở tổ 13, phường Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi chia sẻ: Con tôi mới được 17 tháng tuổi nên cần một lượng dinh dưỡng lớn từ sữa bột. Hàng tháng phải tốn 2-3 hộp sữa hiệu Enfa cho bé. Với giá sữa hiện tại, gia đình tôi phải bỏ ra một số tiền không nhỏ so với thu nhập vỏn vẹn vài triệu đồng của cả hai vợ chồng. Biết là khó nhưng cũng phải cố, không lẽ lại cắt bớt khẩu phần sữa cho con?

 

Sữa tăng giá đã khiến các bà mẹ phải cân nhắc khi chọn lựa loại sữa hợp với túi tiền nhưng đảm bảo chất lượng.

Sữa tăng giá khiến các bà mẹ phải đắn đo khi chọn lựa sữa cho con.



Có thể nói, ba trong số những mặt hàng hàng thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày là xăng dầu, gas và sữa đồng loạt tăng giá đã tác động lớn đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp. Trong giai đoạn nhiều mặt hàng tăng giá như hiện nay, hơn ai hết người tiêu dùng phải tự lựa chọn giải pháp tiết kiệm cho mình, có như vậy mới hạn chế được sự thâm hụt trong chi tiêu hằng ngày và đảm bảo được cuộc sống.

 

Bài ảnh: M.Toàn-T.Phương

 

 


.