Hiệu quả từ các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi trong Chương trình 135 - II và Chương trình ISP

10:12, 22/12/2011
.

(QNg)- Trong 5 năm gần đây, Quảng Ngãi đã có những bước tiến quan trọng trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở các huyện miền núi. Theo số liệu của Sở LĐTB&XH, tỷ lệ nghèo trung bình toàn tỉnh đã giảm từ 28,2% (năm 2006) xuống còn 18,5% (năm 2009). Năm 2010 tỷ lệ nghèo là 23,9% (vì áp dụng chuẩn nghèo mới cao hơn nhiều so với chuẩn nghèo cũ).  Trong đó tỷ lệ hộ nghèo trung bình tại các huyện miền núi vẫn còn ở mức cao: 60,9%.

TIN LIÊN QUAN

 
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo ở các huyện miền núi, Chính phủ Úc tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ngãi (giai đoạn 2008-2012) thực hiện Chương trình ISP. Một trọng tâm quan trọng của Chương trình 135-II và Chương tình ISP là phát triển hệ thống CSHT nông thôn tại các xã, phù hợp với quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, nhằm đảm bảo phục vụ có hiệu quả và nâng cao đời sống của người dân tại các vùng dự án.

Chương trình 135-II và Chương trình ISP nhờ đầu tư nhiều trường học ở Sơn Hà đã được xây dựng kiên cố.
Chương trình 135-II và Chương trình ISP nhờ đầu tư nhiều trường học ở Sơn Hà đã được xây dựng kiên cố.


Cho đến nay, Chương trình 135-II và ISP đã tập trung vào việc xây dựng mới, làm mới, sửa chữa, cải tạo nâng cấp các công trình trên địa bàn xã, và thôn bản. Do đặc điểm địa hình tại các huyện miền núi khá phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi nhiều sông suối, núi cao, độ dốc lớn, mùa mưa thường xảy ra lũ lụt, gây sạt lở lớn, mùa nắng thường bị khô hạn kéo dài, khiến hoạt động sản xuất và canh tác nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên. Vì thế việc xây dựng, sửa chữa các công trình hạ tầng phục vụ cho hoạt động kinh tế như đường giao thông, hệ thống tưới tiêu, hệ thống điện, chợ, đóng vai trò quan trọng, giúp người dân có cơ hội phát triển sản xuất nông nghiệp nhờ tiếp cận tốt hơn với nguồn nước tưới, giao thông đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn trong điều kiện thời tiết khó khăn, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện tiếp cận thị trường, qua đó tăng thu nhập và cải thiện đời sống hộ gia đình.

Theo kết quả khảo sát tác động của các công trình CSHT do BQL Chương trình ISP thực hiện năm 2010, TS. Nguyễn Mạnh Hải, trưởng nhóm đánh giá cho rằng: "Có thể nói rằng, vai trò của các công trình cơ sở hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ xây dựng trong khuôn khổ chương trình 135-II và ISP là hết sức rõ rệt. Khi chúng tôi thực hiện khảo sát tại 6 huyện miền núi của tỉnh vào cuối năm 2010, 60 % bà con cho rằng việc đầu tư xây dựng đường giao thông thực sự giúp việc đi lại của họ dễ dàng hơn.

Trong khi 25% ý kiến cho rằng nhờ giao thông thuận lợi giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động kinh tế khác. Đối với các công trình nước sinh hoạt, phần lớn bà con đều cho rằng các công trình nước sinh hoạt giúp người dân tiết kiệm rất nhiều thời gian đi lấy nước cũng như nâng cao chất lượng nước sinh hoạt so với trước đây. Ngoài ra người dân cũng ghi nhận năng suất lúa tăng lên do các công trình thủy lợi được xây dựng. Nhà sinh hoạt cộng đồng được người dân đánh giá cao vì giúp tăng cường trao đổi văn hóa và học tập tại địa phương".

Để bổ sung sâu hơn các kết quả đánh giá về lợi ích của các công trình CSHT mang lại cho người dân, một đợt khảo sát bổ sung trên quy mô 16 xã vừa được thực hiện tháng 10/2011 được BQL Chương trình ISP thực hiện. Kết quả của khảo sát này cũng nêu bật nhiều đóng góp quan trọng của đầu tư phát triển CSHT trong Chương trình 135-II và ISP. Quan trọng hơn, kết quả khảo sát cho thấy sự cải thiện về điều kiện giao thông xã và thôn bản giúp cho người dân mua vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra dễ dàng hơn. Có đến 45% bà con được khảo sát cho rằng sau khi có đường giao thông, họ bán được sản phẩm nông nghiệp với giá cao hơn; tỷ lệ này với các sản phẩm lâm nghiệp là 49%.

Không những góp phần vào cải thiện điều kiện đi lại và đời sống kinh tế cho người dân, nhiều công trình CSHT của Chương trình 135-II và ISP đã mang lại những cải thiện rất quan trọng về điều kiện sinh hoạt và đời sống xã hội. Điển hình như xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt  cho dân. Một chị phụ nữ ở xã Trà Phong (Tây Trà) chia sẻ: "Từ khi có nguồn nước sạch, mình tiết kiệm được nhiều thời gian làm việc khác nhiều hơn. Mình cũng không còn lo phải dùng nước dơ bẩn. Dùng nước dơ bẩn thì phụ nữ và mấy đứa nhỏ hay mắc bệnh lắm".

Đối với đời sống văn hóa xã hội tại địa phương, các công trình cơ sở hạ tầng dân dụng phục vụ hoạt động văn hóa-xã hội của người dân như nhà sinh hoạt cộng đồng đã góp phần duy trì đời sống văn hóa cộng đồng, gìn giữ những phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc tại địa phương.

Bên cạnh đó, hệ thống trường học, trạm y tế mới được xây dựng đã đáp ứng được phần nào nhu cầu về y tế, giáo dục cho các bản, làng miền núi, tạo điều kiện cho người dân tiếp nhận và trao đổi thông tin, đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế chung của các bản làng dân tộc miền núi đặc biệt khó khăn này. Những ổn định về kinh tế, văn hóa xã hội, là nền tảng vững chắc cho sự ổn định về an ninh, chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Như vậy, có thể thấy rằng các công trình cơ sở hạ tầng của Chương trình 135-II và ISP đã có những đóng góp quan trọng, thiết thực đối với nâng cao đời sống của người dân, góp phần từng bước thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi của Quảng Ngãi.


    Thùy Chi -  Bích Ngọc
 


.