CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8.3:
Bao la tình mẹ

09:03, 08/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- "Bác sĩ bảo tôi gan thật. Nhưng gan gì đâu, thiệt tình là tôi thương con quá, chỉ mong nhanh chóng cắt quả thận của mình để ghép cho con. Tui không sợ bất cứ điều gì, chỉ sợ không được hiến thận để cứu sống con. Mình có đi theo ông bà cũng được, chứ con còn trẻ tuổi quá", bà Nguyễn Thị Sương (58 tuổi), ở tổ dân phố Tập An Nam, phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) kể. Đây là câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng mà có lẽ những ai làm mẹ ở trên đời này đều chung cảm nhận, bởi tình mẹ như biển cả bao la, yêu thương con hơn tất cả mọi thứ ở trên đời.
[links()]
Mong ước của mẹ
 
Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, nhưng giờ đây bà Nguyễn Thị Sương đã có thể nở nụ cười khi giành lại được sự sống cho con gái. Hằng ngày, nhìn thấy con gái tươi cười, đi lại trước mắt mình, với bà Sương thế là đã mãn nguyện lắm rồi. Bà Sương bảo: "Ở vào hoàn cảnh đó, người mẹ nào cũng sẽ làm như tôi, bởi tình thương dành cho con như trời cao biển rộng, không diễn tả hết bằng lời. Không có nỗi đau nào hơn khi thấy con mình bệnh tật đau đớn, cứ như đứt từng đoạn ruột. Giờ đây, dù nghèo khổ, ăn rau, ăn mắm gì cũng được, miễn là mẹ con được sống bên nhau, thế là vui rồi".  
Bà Nguyễn Thị Sương (58 tuổi), ở tổ dân phố Tập An Nam, phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) đã hiến thận cho con gái của mình.
Bà Nguyễn Thị Sương (58 tuổi), ở tổ dân phố Tập An Nam, phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) đã hiến thận cho con gái của mình.
Từ ngày hiến một quả thận cho con gái, sức khỏe bà Sương giảm hẳn, không còn đi làm cả mẫu ruộng, phun thuốc mướn, chăn nuôi heo, bò như lúc trước. Bà Sương ở nhà trồng rau rồi mang ra chợ bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Kể câu chuyện mà cách đây hơn hai năm là nỗi đau tột cùng đối với bà và gia đình, thi thoảng bà Sương nghẹn ngào không nói nên lời, nhưng rồi bà nở nụ cười hiền khi đưa mắt âu yếm nhìn cô con gái. Năm đó, em Nguyễn Thị Cẩm Viên (SN 1996), con gái của bà Sương, đang chuẩn bị làm luận án tốt nghiệp Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) thì phát hiện bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Bà Sương khóc như cạn dòng nước mắt khi nghe tin con bị bệnh nặng không sống được lâu.
 
Lúc bác sĩ đưa ra phương án duy nhất để cứu sống Viên là lọc máu và ghép thận, không một phút giây chần chừ, bà Sương xin được hiến quả thận của mình cho con. "Nhà nghèo, lấy đâu ra tiền để mua thận. Hối thúc bác sĩ mau phẫu thuật, bác sĩ bảo bà này gan thật, nhưng gan gì đâu, thiệt tình là tui thương con quá, chỉ mong nhanh chóng cắt quả thận của mình để ghép cho con. Tui không sợ bất cứ điều gì, chỉ sợ không được hiến thận để cứu sống con, mình có đi theo ông bà cũng được chứ con còn trẻ tuổi quá", bà Sương kể mà ngân ngấn nước mắt.
“Vào hoàn cảnh đó, người mẹ nào cũng sẽ làm như tôi, bởi tình thương dành cho con như trời cao biển rộng, không diễn tả hết bằng lời. Không có nỗi đau nào hơn khi thấy con mình bệnh tật đau đớn, cứ như đứt từng đoạn ruột. Giờ đây, dù nghèo khổ, ăn rau, ăn mắm gì cũng được, miễn là mẹ con được sống bên nhau, thế là vui rồi". 
 
NGUYỄN THỊ SƯƠNG
Có tình yêu nào hơn thế!
 
Hai tháng sau khi biết con mắc bệnh, chồng bà Sương qua đời vì tai biến. Người phụ nữ này như chết lặng trước nỗi đau tột cùng. Nhưng rồi, bà đã mạnh mẽ đứng lên để làm điểm tựa cho các con, lo cho Viên vượt qua phút giây sinh tử, giành lại sự sống. Vợ chồng bà Sương có 6 đứa con, Viên là đứa con thứ 5. Ông bà suốt ngày này qua tháng nọ lam lũ ngoài đồng ruộng để kiếm tiền nuôi con khôn lớn, nhưng nghề nông thu nhập bấp bênh, kinh tế gia đình khó khăn. Số tiền lọc máu, ghép thận cho Viên lên đến hơn 500 triệu đồng, bà Sương chạy vạy khắp nơi vay mượn, nhưng vẫn không đủ tiền, vậy là phải nhờ đến sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng xã hội.
 
Ngày hai mẹ con vào phòng phẫu thuật, bà Sương ôm chặt con gái vào lòng và nói: "Cố gắng lên con nhé!". Chỉ từng ấy từ ngữ thôi mà chứa đựng tình mẹ bao la. Sau nhiều tiếng đồng hồ nằm trong phòng mổ và hồi sức, lúc tỉnh dậy câu nói đầu tiên của bà Sương là "Con Viên thế nào rồi, có khỏe không?". Nghe thế, các con của bà mắt đỏ hoe, chỉ có mẹ mới yêu thương con nhiều đến vậy. 
Bà Nguyễn Thị Sương và con gái Nguyễn Thị Ngọc Viên.
Bà Nguyễn Thị Sương và con gái Nguyễn Thị Ngọc Viên.
Viên tâm sự: "Cả một đời mẹ hy sinh cho con cái, một đời vất vả, thậm chí hiến cả một phần cơ thể cũng chỉ một điều lo nghĩ cho con. Ngày em trở về nhà sau khi mổ, nhà không còn nuôi chó, mèo như lúc trước, mẹ bảo: "Mẹ sợ vật nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe của con, tạm thời mình không nuôi chúng con nhé!". Em nghe mà nghẹn ngào rơi nước mắt, thương mẹ vô cùng".
 
Bà Sương cho hay, những ngày ra chăm nuôi Viên ở bệnh viện, chứng kiến nhiều bệnh nhân tuổi còn trẻ nhưng đã phải rời xa thế giới này. Bởi vậy, bà đã nói với các con rằng: Sau này nếu lỡ không may má qua đời, bất đắc kỳ tử thì thôi chứ nếu các bộ phận trên cơ thể của má còn dùng được thì đem má ra bệnh viện, ai cần cái gì thì các con hiến cho người ta. Mình đã từng trải qua nên thấu hiểu, má thấy họ bị bệnh đau đớn nằm chờ chết mà thương quá. 
 
Về phần Viên, cô bé rất giàu nghị lực. Sức khỏe yếu, mọi người khuyên em ở nhà dưỡng bệnh nhưng cô bé vẫn đến trường để tiếp tục việc học còn dang dở sau 1 năm bảo lưu kết quả. Viên đã làm xong đồ án tốt nghiệp, hiện chỉ còn chờ nhà trường bố trí lịch học 2 môn nữa là tốt nghiệp đại học ngành tài chính-ngân hàng. Tuy đã được phẫu thuật ghép thận nhưng Viên mỗi ngày đều phải uống thuốc rất tốn kém. Viên chia sẻ: "Em cố gắng học với mong muốn tốt nghiệp ra trường, có được việc làm ổn định để mẹ đỡ vất vả, mẹ đã khổ nhiều rồi!".
 
Tình mẹ bao la như thế đó. Đúng như lời bà Sương, người mẹ nào cũng yêu thương, hy sinh cho con cái vô điều kiện, yêu thương con hơn cả bản thân mình.
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ
 

.