Tất bật thu gom phế liệu sau bão

10:10, 29/10/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Sau cơn bão số 9, hàng chục nghìn ngôi nhà đã bị bão làm tốc mái. Nhiều người đổ xô đi thu gom, nhặt phế liệu, từ làng quê cho đến thành phố. Các tiệm thu mua, bán phế liệu được mùa "ăn nên, làm ra" dù đây là điều không mong muốn.
 
 
Bão số 9 qua đi, hàng nghìn ngôi nhà, cửa hàng, cơ quan, trường học rơi vào cảnh tan hoang, "màn trời chiếu đất". Tôn lột khỏi mái, rơi khắp nơi.
 
Cơn bão vừa qua đi, ông Nguyễn Trung Tâm, 53 tuổi, ở đường Chu Văn An, phường Nghĩa Lộ, TP.Quảng Ngãi không khỏi xót xa khi căn nhà của gia đình, người thân, hàng xóm không còn nguyên vẹn.
 
Nhặt nhạnh từng miếng tôn nát, móp méo được gia đình gom lại sau bão, ông buồn bã cho biết: "Những miếng tôn này không tận dụng lại được, bỏ cũng phí mà để thì chật nhà, nguy hiểm, bán phế liệu cũng kiếm được vài trăm nghìn, lấy tiền đó thêm vào mua tôn mới". Nói rồi, ông vội vã chất tôn lên xe mang ra "chào hàng" tiệm phế liệu.
 
Những ngày này, các cơ sở thu gom phế liệu nhộn nhịp người ra, vào.
Những ngày này, các cơ sở thu gom phế liệu ở Quảng Ngãi nhộn nhịp người ra, vào. Phế liệu chất đầy khắp nơi.

 

Tiền bán phế liệu ở thời điểm này giúp bà con vớt vát được phần nào thiệt hại.
Tiền bán phế liệu ở thời điểm này giúp bà con vớt vát được phần nào thiệt hại.
Tại cơ sở phế liệu của chị Lê Thị Xuân Huyền, ở đường Nguyễn Trãi, TP. Quảng Ngãi bận rộn liên tục để thu gom, mua phế liệu sau bão cho bà con. Ngôi nhà cũng là cơ sở kinh doanh tan nát sau bão, nhưng chị cũng tranh thủ làm việc. Phế liệu sau bão gồm có sắt, nhôm, tôn lợp nhà, các vật dụng hư hỏng. chất đầy ắp cơ sở.
 
Chị Xuân cho hay: "Ngày thường chỉ mua vài trăm ký nhưng nay mua gấp nhiều lần. Từ sáng đến trưa đã mua hơn 1 tấn, trị giá vài chục triệu đồng cho bà con. Việc nhà đành gác lại, thu mua trước là tạo điều kiện cho bà con có tiền nóng để khắc phục hậu quả bão lũ. Sau cùng, mình cũng có thêm thu nhập".
 
"Cùng với những người thu mua, những ngày này rất nhiều người đã đi nhặt phế liệu để kiếm thêm thu nhập. Siêng năng họ cũng kiếm được vài triệu đồng đấy", chị Xuân cho biết thêm.
 
Ông Nguyễn Thành Tuấn lặn lội đến các nơi để thu mua phế liệu.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn lặn lội đến các miền quê để thu mua phế liệu cho bà con sau bão.
Khắp nơi trên những con đường làng tôn nằm la liệt. Hoà cùng dòng người đang sữa chữa, khắc phục là tiếng rao của những người chạy xe máy, xe ba gác đi dạo thu mua phế liệu. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, 44 tuổi, nhà ở phường Quảng Phú, từ sau cơn bão đã lặn lội đến các xã ven biển để thu mua cho bà con.
 
"Tôi đã có mười mấy năm trời thu mua phế liệu từ nghề đi biển. Lúc mình khó khăn, họ đã giúp mình có cái nghề mà sinh tồn, nuôi gia đình. Bây giờ bà con gặp khó, tôi phải giúp lại. Sáng giờ đi cũng được vài trăm ký. Mỗi ký mình mua cho bà con khoảng 2.000 đồng", ông Tuấn bộc bạch.
 
Xe phế liệu của một học sinh, tranh thủ thu gom từ các khu vực tập trung rác để kiếm thêm thu nhập.
Xe phế liệu của một học sinh, tranh thủ thu gom từ các khu vực tập trung rác để kiếm thêm thu nhập.
Bão số 9 ở Quảng Ngãi đã làm cho hơn 84.664 nhà bị sập, hư hỏng, trong đó có 165 nhà bị đổ sập, 84.499 nhà ở bị tốc mái, hư hỏng. Con số thiệt hại quá lớn. Số tiền kiếm được từ đống đổ nát cũ chẳng là bao so với kinh phí phải bỏ ra để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, trong những lúc khó khăn như thế này, đối với người dân bị thiệt hại thì "có được đồng nào đỡ đồng đó" để mà tiếp tục vượt qua khó khăn.
 
Việc mau chóng thu gom phế liệu cũng trả lại sự an toàn cho những tuyến đường, nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão.
 
G.N

.