Trữ "thần chết" trong nhà, hiểm họa khôn lường

10:12, 16/12/2018
.

(Baoquangngai.vn) – Xăng, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ là những thành phần dễ gây ra tai họa. Việc người dân trữ “thần chết” trong nhà là hiểm họa khôn lường, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người thân trong gia đình. 

TIN LIÊN QUAN

Hiểm họa rình rập 
 
Chị Xanh, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) vẫn chưa hết sợ hãi khi kể lại việc gia đình chị bị cháy do xăng. Nhà chị Xanh có máy nổ chạy nước nên thường xuyên trữ xăng trong nhà. 
 
Cách đây 1 tháng, con chị Xanh trong lúc chơi làm đổ bình xăng khoảng 5 lít ra sân, đúng lúc này chồng chị vô tình đứng trong nhà vứt tàn thuốc qua cửa sổ ngay chỗ xăng bị đổ. Ngay lập tức, ngọn lửa cháy bùng. Mặc dù vụ cháy được dập tắt, không gây thiệt hại về người nhưng gia đình chị Xanh một phen hú vía.
 
“Con mình lúc này đã chạy ra đường chơi, nếu không không biết chuyện gì xảy ra? Cũng may là dập lửa kịp thời, không thì có thể dẫn đến cháy nhà. Đây là bài học nhớ đời cho vợ chồng mình” - chị Xanh chia sẻ. 
 
Mới đây, một cặp vợ chồng ở phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi cũng khiến dư luận bàng hoàng, xót xa vì bỏng toàn thân đến hơn 90% dẫn đến cái chết đau đớn. Đây cũng là ca bỏng mà một phần nguyên nhân xuất phát từ việc trữ xăng trong nhà để lau chùi vết bẩn trên cửa. 
 
 

Trữ chất dễ gây cháy trong nhà, hiểm họa gây ra cháy, nổ. Ảnh: Internet.

 
Trong lúc vợ chồng xích mích, lời qua tiếng lại, không rõ thực hư câu chuyện thế nào, chỉ biết khi đưa đi cấp cứu trên người hai nạn nhân và cả trên sàn nhà nồng nặc mùi xăng. 
 
Cùng với xăng, thói quen trữ thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ cũng vô tình mang cái chết đau đớn cho nhiều người. 
 
Đã hơn một năm trôi qua, nhưng bà B, ở thôn Hà Nhai, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) vẫn chưa nguôi dằn vặt mình vì "gián tiếp" gây ra cái chết cho đứa cháu. 
 
Bà B có mua 6 chai thuốc diệt cỏ, đã phun hết 5 chai, còn dư 1 chai thay vì gói cất cẩn thận ở góc khuất, bà lại mang treo trên tấm lưới B40 trước sân nhà. Trong lúc buồn giận nhất thời, cháu bà B đã uống chai uống diệt cỏ này. Dù đã được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng vẫn không qua khỏi. 
 
Đừng chủ quan với “thần chết”
 
Việc người dân mang can, bình đến các điểm xăng, dầu để mua về tích trữ thường thấy ở các cây xăng. Xăng là chất lỏng không chỉ chứa nhiều thành phần độc hại mà còn dễ gây nên cháy nổ.
 
Điều này là hết sức nguy hiểm, nếu không cất giữ cẩn thận, cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cơ quan chức năng đã khuyến cáo, nhưng dường như người dân vẫn “phớt lờ”, chủ quan với “thần chết”. 
 
“Tuyệt đối không nên trữ xăng, dầu trong nhà. Việc làm này hết sức nguy hiểm” - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Võ Đức Nguyện khuyến cáo. 
 
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN (Công an tỉnh), nếu không may xảy ra cháy, bỏng vì cháy thì dập tắt lửa đang cháy trên quần áo và làm mát vết bỏng là việc làm trước hết để tránh cho nạn nhân bị bỏng sâu và rộng thêm. 
 
 

Không nên trữ thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong nhà.

 

Dùng nước hoặc cát để dập tắt lửa hoặc có thể dùng áo khoác, chăn, vải bọc kín chỗ đang cháy để dập lửa. Cỡi bỏ quần áo, bọc vùng bỏng chắc chắn rồi đổ nước lạnh lên. 

Không dùng nước đá hoặc ngâm toàn bộ cơ thể vào trong nước. Không được dùng nước không sạch để dội hoặc đắp vào vết bỏng, không bôi dầu mỡ, dung dịch cồn, kem kháng sinh. 
 
Cho nạn nhân uống nước vì nạn nhân rất khát. Nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. 
 
Với thuốc trừ sâu, diệt cỏ, sự thật đau lòng và nhức nhối về tình trạng tử tự bằng thuốc diệt cỏ đang diễn ra đã gióng lên một hồi chuông báo động. 
 
Đáng tiếc hơn cả là những cái chết mà “gián tiếp” do sự bất cẩn của người thân trong gia đình gây ra. Khả năng cứu sống được các trường hợp ngộ độc thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu là vô cùng mong manh. 
 
Gia đình người bệnh lại càng đau đớn hơn, bởi họ tận mắt chứng kiến cảnh người thân đau đớn, vật vã rồi sẽ chết mà không thể làm được gì.
 
Biện pháp tốt nhất để phòng tránh hậu quả đáng tiếc là không chủ quan, cẩn thận khi sử dụng các thành phần độc hại, các chất dễ gây cháy nổ.
 
Quan trọng hơn hết là chỉ mua vừa đủ cho nhu cầu sử dụng, không nên để tồn dư, tránh nguy cơ có thể gây nên tai hoạ đến bản thân và người thân trong gia đình.
 
Bài, ảnh: P.V
 
 

.