Cuộc chiến với hủ tục

08:12, 30/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gặp gỡ và trò chuyện với những người có thâm niên trong ngành y mới hiểu rằng, thành công nhất đối với y tế miền núi đến thời điểm này là đã xóa bỏ căn bản những hủ tục của người dân liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe.

TIN LIÊN QUAN

Người thầy thuốc đã được tin tưởng

Nhớ lại quãng thời gian đầu khi về công tác tại Trạm Y tế xã Sơn Hải (Sơn Hà), bác sĩ Trương Văn Nam kể: "Hồi đó, đau bệnh gì đồng bào cũng tin rằng đó là do con ma rừng". Vì thế, dù đến cái ăn còn khó, nhưng nghe lời thầy cúng, người dân sẵn sàng giết gà, mổ trâu để cúng mong khỏi bệnh. Để tiếp cận, gần gũi với dân làng, làm cho dân tin, nói cho dân hiểu, bác sĩ Nam nỗ lực học tiếng của đồng bào, không ngần ngại khi làm “trạm y tế di động”, mang thuốc và túi dụng cụ y tế đến tận nhà dân để điều trị bệnh.  

 

Hướng dẫn đồng bào tự chăm sóc sức khỏe là cách để kéo họ gần lại với y học hiện đại.
Hướng dẫn đồng bào tự chăm sóc sức khỏe là cách để kéo họ gần lại với y học hiện đại.


Anh Nam cho biết thêm: Cách đây chừng chục năm, có một ca đau dạ dày ở tận trong núi. Người nhà chỉ chịu chạy đi thông báo với bác sĩ khi các thầy mo trong làng đã cúng bái mấy ngày liền, bò heo cũng đã giết hết mà bệnh vẫn không khỏi. Qua những mô tả của người nhà, anh đã phần nào đoán ra bệnh, nhưng chưa biết được mức độ nặng nhẹ. Khoảng 2 giờ sáng, anh cùng người nhà băng rừng đến nơi, qua chẩn đoán sơ bộ, biết bệnh nhân đau dạ dày ở mức độ nhẹ, có thể kiểm soát được. Vậy là anh cho thuốc và dặn dò người nhà chăm sóc bệnh nhân. Rồi cứ cách vài ngày anh lại băng rừng để kiểm tra người bệnh đến khi khỏi hẳn mới thôi.

Y sĩ Đinh Văn Rây, ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây) là người Ca Dong được cử đi học y sĩ rồi trở về xã Sơn Mùa công tác ở trạm y tế từ năm 1985. Ông Rây kể lại cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện về “cuộc chiến” với những hủ tục của đồng bào Ca Dong. Trong đó, có ba lần ông cược mạng mình để cứu cậu bé Đinh Văn Pha, năm nay đã 47 tuổi.

Ngày đó, cậu bé Pha 6 tuổi, bị sốt rét, 10 tuổi bị đậu mùa, 12 tuổi bị tiêu chảy và cũng trong năm đó bị sốt xuất huyết. Làng mời thầy mo, nhưng càng cúng Pha càng bệnh nặng. “Người dân tin thầy cúng hơn cán bộ y tế. Muốn đuổi con ma rừng phải đánh cược mạng sống. Mình mà không chữa được bệnh là bị xử theo luật làng. May sao trời thương, dù bệnh nặng hay bệnh nhẹ cũng đều chữa khỏi, nên bà con tin”, y sĩ Rây nói.

Có bệnh đến trạm y tế

Từ sự cần mẫn, nỗ lực cứu chữa cho người bệnh của người thầy thuốc miền núi mà ý nghĩ “bác sĩ có tài chữa bệnh hơn các thầy mo” dần hình thành. Khi có bệnh người dân đã tìm đến bác sĩ, đến trạm y tế nhiều hơn.

“Tuyên truyền, vận động là một chuyện, nhưng để họ tin mình mới là khó. Phải chữa được những bệnh mà thầy mo không làm được thì họ mới tin vào y học hiện đại. Ngày trước, y bác sĩ phải băng rừng, vượt suối để tìm đến tận nhà người bệnh nhưng giờ hết rồi”, Trưởng Phòng Y tế huyện Sơn Hà Nguyễn Hồng Sơn, người  có hơn 30 năm gắn bó với công tác y tế miền núi chia sẻ.

Cuộc chiến với những hủ tục, giành giật sự sống cho bệnh nhân cách đây hơn 30 năm trước là chuyện xảy ra như cơm bữa với người thầy thuốc vùng cao. Trong điều kiện cuộc sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, ăn ở chưa hợp vệ sinh, nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Ngày ấy, số người mắc bệnh sốt rét, thương hàn, các bệnh về đường ruột, như tiêu chảy, dạ dày khá nhiều, nhưng người dân chỉ biết mời thầy mo đến cúng Giàng (trời) để quyết định sống chết.

Các trạm y tế tuyến xã trước đây ít người lui tới bao nhiêu thì giờ đông đúc bấy nhiêu. Chị Đinh Thị Yên, ở xã Sơn Linh (Sơn Hà) nói: “Mình mang thai tháng thứ 6 rồi. Hôm nay mình đi khám thai định kỳ ở trạm y tế xã. Đứa đầu mình sinh tại trạm, đứa này chắc cũng thế. Mình cũng tiêm phòng đầy đủ cho con và khi mang thai. Nhà mình ai có bệnh cũng đều đến trạm y tế để được bác sĩ khám và cho thuốc hết”.

Thành công của những người thầy thuốc nơi vùng núi cao hôm nay chính là đã "đuổi được con ma rừng", thay thế thầy mo trong việc chữa bệnh cho người dân.


Bài, ảnh: VŨ YẾN


 


.