Mưu sinh bên mép sóng

10:09, 26/09/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Giữa bãi biển mênh móng, bóng dáng của những người cào ngao dường như trở nên nhỏ bé liêu xiêu. Họ lầm lũi kéo cào đi giật lùi trên bãi biển, mắt chăm chăm nhìn xuống cát, chốc chốc khom người cúi xuống nhặt những con ngao (nghêu), với mong ước có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình.

TIN LIÊN QUAN
 

​Chúng tôi đến bãi biển An Sen, xã Bình Phú (Bình Sơn) khi trời đã đứng bóng, thủy triều cũng đã bắt đầu rút dần về phía đằng xa, những con sóng biển cũng trở nên hiền hòa hơn trước. Lúc này những người hành nghề cào ngao hối hả chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho “hành trình” ra biển mưu sinh của họ. Nơi dân cào ngao làm việc thường ở những bãi cát sát mép sóng. Đa số những người hành nghề này là phụ nữ. 
 
Giữa bãi biển mênh mông, cũng như những người khác chị Nguyễn Thị Trang ở thôn An Sen cặm cụi tì hai càng tre xuống trong cát đi giật lùi, kéo thành một đường thẳng trên bờ biển. Cứ chốc chốc chị lại dừng lại, vục nhẹ một bàn tay xuống cát lấy lên những con ngao trắng lấp lánh trong cát vào túi lưới treo tòng teng phía trước và mỉm cười hài lòng. 
 
Thấy chúng tôi bắt chuyện, chị Trang vui vẻ trò chuyện, nhưng vừa trao đổi, vừa liên tục di chuyển để cào ngao và ánh mắt chị vẫn không rời khỏi mặt cát nên cuộc trò chuyện nhiều lúc bị đứt quãng. “Hiện đang là mùa ngao nên nhiều người ở vùng bãi ngang xã Bình Phú chọn nghề cào ngao để mưu sinh. Dân cào chúng tôi chẳng phải sắm đồ nghề gì nhiều. Chỉ một chiếc cào tự chế bằng tre dài khoảng 2,5m, phần dưới chiếc cào dang ra 2 bên để gắn cố định 1 vòng sắt khoảng 30- 40cm gọi là lưỡi cào và một túi lưới đựng ngao. Cứ thế là đủ để ra biển cào ngao”- chị Trang cho biết. 
 
 
Thường những người hành nghề cào ngao bắt đầu công việc của mình từ trưa cho đến chiều tối
Thường những người hành nghề cào ngao bắt đầu công việc của mình từ trưa cho đến chiều tối.
 
 
Tưởng dễ, chúng tôi xin cào thử, nhưng cố gắng lắm cũng chỉ đi được vài mét là đứng lại thở dốc vì cào trên cát khô hay ở chỗ xâm xấp nước đã mệt, nhưng cào dưới nước còn nặng hơn nhiều. Chị Trang cười bảo, công việc này không chỉ đòi hỏi có sức khỏe, chịu được nắng, gió của biển mà còn phải có kỹ thuật riêng. 
 
“Khi cào ngao thì phải cúi khom người, hai tay cầm chắc cán cào, dùng lực ấn mạnh lưỡi cào xuống cát sao cho lưỡi cào ngập trong cát từ 10-15cm và đi lùi về phía sau. Đồng thời, để giảm sức cản của cát, nước, đỡ phần vất vả, người cào ngao còn chế thêm một đai lưng làm bằng vải đeo ngang lưng, có dây buộc vào ngang sào để kết hợp sức của đôi tay và cả thân người khi cào ngao”- chị Trang chia sẻ. 
 
Để có thu được nhiều ngao, những người mưu sinh với nghề này, họ thường đi giật lùi trên biển mỗi ngày khoảng từ 4-5 tiếng đồng hồ. Cày qua cày lại, cào tới cào lui, người cào ngao lúc nào cũng như dân cày ruộng đánh tơi cả một bãi biển dài đến vài cây số. Niềm vui của họ là những tiếng chạm rất nhỏ, hay khi lưỡi cào bị khựng lại bởi chạm vào vỏ ngao. 
 
Công việc này đòi hỏi phải có sức khỏe và siêng năng
Công việc này đòi hỏi phải có sức khỏe và siêng năng
 
 
Nhiều người ví vui rằng, cào ngao cũng như người đi mót lúa, “năng nhặt” thì sẽ “chặt bị”.  Ai siêng năng với nghề cũng có thể đắp đổi qua ngày. Tùy theo số lượng ngao nhiều hay ít và  thời gian cào, trung bình cứ mỗi chiều, mỗi người cào cũng thu được 3- 4kg, giá mỗi ký giá bình quân khoảng 50.000 đồng. 
 
“Hôm nào cào được ít, ngao nhỏ thì mình mang về nấu canh, còn hôm được nhiều thì đem bán cho các hàng quán và thương lái thu mua. Có nghề này cũng đỡ, chẳng nghĩ ngợi. Không lo vốn liếng. Cứ vác cào ra biển là có tiền. Ai siêng năng thì bắt được nhiều. Ngày vài chục ngàn, thậm chí trúng mánh thì vài trăm ngàn là đủ chi tiêu ăn uống cho gia đình ở quê...”- bà Trần Thị Xa ở thôn An Sen cho hay. 
 
Mùa ngao, là dịp giúp cho dân lao động nghèo không có việc làm ổn định ở Bình Phú, Bình Thạnh, Bình Đông (Bình Sơn) có được nguồn thu nhập đắp đổi xoay trở trong cuộc sống hàng ngày, giúp họ thoát cảnh ăn không ngồi rồi do thiếu việc làm. Song những năm gần đây, theo người dân ở đây, do ngao ngày càng ít dần nên thu nhập từ nghề này ngày một ít đi và số người gắn bó với nghề cào ngao  không còn nhiều như trước. 
 
Mặt trời khuất dần, cũng là lúc những người cào ngao thu dọn đồ nghề và "chiến lợi phẩm" ra về, kết thúc buổi làm việc vất vả. Trên đường về, mọi người không quên hẹn nhau ngày mai sẽ tiếp mưu sinh, những đôi mắt vẫn rạng ngời kỳ vọng vào một ngày mai tốt đẹp hơn.
 
Bảo Ngọc

.