Xe thồ Lý Sơn: Lợi bất cập hại

10:11, 20/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại huyện Lý Sơn, những chiếc xe thồ tròng trành, cũ kỹ tưởng như chỉ để bán sắt phế liệu, nhưng vẫn còn hoạt động thường xuyên. Đây cũng là công cụ kiếm sống của nhiều người dân huyện đảo. Tuy nhiên, việc sử dụng những xe quá đát ấy để chuyên chở người, hàng hoá là không đảm bảo an toàn.

TIN LIÊN QUAN

Chở hàng quanh năm

Tính đến nay, ông Lê Văn Triết (65 tuổi), thôn Tây, xã An Hải chạy xe thồ chở hành, tỏi ngót nghét đã hơn 15 năm. Chiếc xe Honda 67, thô sơ, tròng trành nhưng chính là “cần câu cơm” của gia đình ông. Ông Triết bày tỏ: “Trong một năm, hầu như lúc nào mình cũng dùng đến nó. Không chở cát, chở đất thì cũng chở hành, tỏi cho người dân. Hễ ai kêu là mình chở liền, nên không sợ thất nghiệp và mất đi nguồn thu nhập hằng ngày”. Một ngày rong ruổi ngoài đường, qua hết các cánh đồng, chở hàng trăm ký hành ông Triết kiếm được trên dưới một triệu đồng để trang trải cuộc sống hằng ngày cho gia đình.

Việc vận chuyển hàng hóa trên những chiếc xe cũ kỹ, không đảm bảo an toàn.
Việc vận chuyển hàng hóa trên những chiếc xe cũ kỹ, không đảm bảo an toàn.


Giống như ông Triết, chàng thanh niên trẻ Trần Cương (35 tuổi) thôn Đông, xã An Vĩnh cũng gắn bó với nghề chạy xe thồ, chở hàng hóa hơn 10 năm rồi. Công việc tuy nặng nhọc, nhưng cho thu nhập ổn định, nên anh không đi biển nữa mà quyết định “bám” lấy nghề này để sinh sống. Một ngày anh chở trên 20 chuyến hàng, cứ mỗi chuyến xa hoặc gần người dân trả công cho anh từ 50 - 70 nghìn đồng. “Công việc thì nặng, nhưng được cái người dân trả công theo từng chuyến, nên cũng có đồng ra đồng vào. Cái nghề này vất vả, nặng nhọc nhưng hễ chịu cực là có thu nhập hằng ngày”, anh Cương chia sẻ.

Ở Lý Sơn, mùa hành, mùa tỏi nối tiếp nhau liên tục nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa của bà con cũng rất cao. Chính vì thế, “biệt đội” xe thồ ở đây hầu như không có ngày nghỉ, họ làm việc quanh năm. Bám lấy công việc vận chuyển hàng hóa này, bình quân một người cũng có thể kiếm về từ 700 ngàn đến 1 triệu đồng/ngày.

Liệu có an toàn?

Theo thống kê thì hiện nay, toàn huyện có hơn 150 chiếc xe Honda 67 chuyên chở hàng hóa. Hầu hết những chiếc xe này đã cũ kỹ và được độ lại máy, tăng công suất mới có thể chở được nhiều hàng cùng lúc. Theo anh Cương, hầu hết xe ở đây được mua từ rất lâu và rất thô sơ. Để xe mạnh, chở được nhiều hàng cùng lúc, người dân phải mang đến tiệm sửa xe độ lại máy, lắp ráp thêm vài phụ tùng rồi mới chở được hàng hóa.

“Cứ một chuyến như vậy mình phải chở từ 150 - 250kg hành, tỏi, nên loại xe bình thường như Wave, Sirius... thì không thể chở được, phải là xe Honda 67 và độ lại máy cho công suất cao lên mới chở nổi. Đã vậy người chở phải “gồng” lưng đỡ hàng rồi lái xe nên cũng khó khăn, nhất là qua những đoạn đường dốc hay đường hẹp trong rẫy...”, anh Cương cho biết.

Còn ông Nguyễn Văn Ngọc (45 tuổi) thôn Đông, xã An Vĩnh chia sẻ: “Người không quen, mới vào nghề chưa có kinh nghiệm thì không thể chở nổi số lượng hàng lên đến cả trăm ký, chỉ đỡ xe để chất hàng lên cũng đã nặng rồi”.

Việc chở hàng hóa cồng kềnh đã mất an toàn, nhưng một số người dân vẫn chưa có ý thức cao trong việc tuân thủ Luật Giao thông. Một số ít “xe thồ” vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc đội mũ bảo hiểm, lơ là với tính mạng của mình. Vì vậy, chính quyền và ngành chức năng huyện đảo cần thực hiện các biện pháp để chấn chỉnh lại các hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng các phương tiện thô sơ, cũ kỹ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Bài, ảnh: MẠNH KHOA

 


.