Điểm tựa cho những cuộc đời lầm lỡ

06:07, 22/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gần 20 năm qua, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội đã tiếp nhận giáo dục, chăm sóc hàng nghìn đối tượng. Với tất cả tình thương và trách nhiệm, các cán bộ, nhân viên ở Trung tâm này đã trở thành điểm tựa giúp nhiều người có thêm nghị lực để vượt qua mặc cảm, trở thành người có ích cho xã hội.

TIN LIÊN QUAN

Ngôi nhà chung

Một buổi sáng ngày hè, chúng tôi đến thăm Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (ở xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa). Tiếp chuyện chúng tôi, bà Phạm Thị Phước-Phó Giám đốc Trung tâm cho hay: Từ khi thành lập, Trung tâm đã trở thành mái nhà chung của rất nhiều đối tượng. Hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng 39 đối tượng lang thang, tâm thần và 3 đối tượng cai nghiện ma túy.

Chị Mỹ Dung (ngoài cùng bên trái), một cán bộ của Trung tâm đang làm việc cùng với các đối tượng.
Chị Mỹ Dung (ngoài cùng bên trái), một cán bộ của Trung tâm đang làm việc cùng với các đối tượng.


Để giúp đỡ những người lầm lỡ và cả những người mắc bệnh tâm thần, Trung tâm đã tạo cho họ một môi trường lao động và sinh hoạt lành mạnh. Hằng ngày, các đối tượng sẽ làm những công việc của người nông dân như tưới cây,  phát dọn cỏ... Họ còn được chăm lo đời sống tinh thần, được tham gia chơi các môn thể thao tập thể như bóng đá, cầu lông...

Mỗi khi có tâm sự, họ thường tìm đến cán bộ của Trung tâm để được chia sẻ, tư vấn. Chị Huỳnh Thị Mỹ Dung, cán bộ của Trung tâm cho hay: “Nhiều lúc, đối tượng bị ức chế hay trầm cảm, chúng tôi đều động viên, xem họ như anh em, người thân của mình đang cần giúp đỡ. Nhờ sự quan tâm đó đã giúp cho nhiều đối tượng có tâm lý thoải mái hơn, giúp cho việc phục hồi sau cai nghiện cũng như phục hồi bệnh tật tốt hơn".

Anh N.V.H, một đối tượng cai nghiện ma túy, tâm sự: “Tôi đến Trung tâm đã hơn 14 tháng. Từ khi vào đây, tôi nhận được sự quan tâm, chăm sóc của các cán bộ, nên đã bỏ được ma túy, sức khỏe tôi cũng được phục hồi, chứ không còn ốm yếu như trước”.

Theo đám bạn xấu, anh H dính vào ma túy cách đây 4 năm. “Tôi ân hận và xấu hổ vì những lỗi lầm mình đã gây ra. Vào Trung tâm, tôi như được sống lại. Nhiều người cùng cảnh ngộ biết quan tâm, chia sẻ, nhất là sự động viên của cán bộ, nhân viên nơi đây giúp tôi tìm lại chính mình”, H nói.

Những người cán bộ tận tâm

 “Ban đầu, những đối tượng đưa vào Trung tâm đều là những người phức tạp. Để họ có nền nếp trong sinh hoạt hằng ngày, cán bộ của Trung tâm đã dốc hết sức mình, nhưng nhiều lúc vẫn không tránh khỏi những tình huống nguy hiểm”, bà Phước cho biết. Những tình huống nguy hiểm mà bà Phước nói đến thường xuất phát từ những người bệnh tâm thần. Cách đây vài ngày, một học viên đã gắn bó với trung tâm 6 năm, bình thường hiền lành đột nhiên lên cơn và đánh một cán bộ phải nhập viện.

Không chỉ làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm, khi các đối tượng đau ốm nặng phải đưa vào bệnh viện, các cán bộ ở Trung tâm Giáo dục lao động xã hội vẫn đi theo chăm sóc, thăm nuôi người bệnh như người thân trong gia đình.

Tuy công việc vất vả, đồng lương lại ít ỏi, nhưng với 27 cán bộ, nhân viên của Trung tâm Giáo dục lao động xã hội, giúp đỡ các đối tượng lầm lỡ làm lại cuộc đời và sưởi ấm trái tim cho những đối tượng kém may mắn trong cuộc đời, đối với họ đã là niềm vui.  “Công việc này cũng như cái nghiệp vậy. Nhiều đối tượng có hoàn cảnh rất đáng thương, họ cần được chăm sóc, vì thế chúng tôi ở đây…”, bà Phước bày tỏ.


Bài, ảnh: VŨ YẾN
 


.