Tăng cường phối hợp phòng, chống lụt bão

10:08, 25/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Sơn Tây có địa hình núi cao, hiểm trở; dân cư phân tán; đường sá đi lại khó khăn, dễ bị chia cắt khi xảy ra mưa lớn, gió lốc, sạt lở đất. Do đó, khi kiểm tra phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2015 vào ngày 18.8, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị Sơn Tây phải chú trọng công tác phối hợp – đặc biệt là với Công ty CP thủy điện Đăkđrinh, Huy Măng trong việc phòng tránh, ứng phó với các rủi ro thiên tai.

TIN LIÊN QUAN

Sẵn sàng với “4 tại chỗ”

“Chỉ cần mưa lớn 3 – 4 ngày thì nhiều nơi trên địa bàn huyện rất dễ xảy ra tình trạng sạt lở đất. Do đó, hiện giờ chúng tôi đã hoàn tất và phổ biến đến các xã phương án PCTT&TKCN; chuẩn bị phân bổ gạo dự trữ, cũng như nắm chắc số lượng hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao cần được di dời, sơ tán đến nơi an toàn với các địa điểm cụ thể”, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng khẳng định.

Thành viên BCH PCTT&TKCN tỉnh kiểm tra hệ thống đo nước của thủy điện Đăkđrinh.
Thành viên BCH PCTT&TKCN tỉnh kiểm tra hệ thống đo nước của thủy điện Đăkđrinh.


Theo đó, toàn huyện có khoảng 226 hộ/870 khẩu nằm trong diện “phải di dời, sơ tán” khi xảy ra sự cố thiên tai cấp độ 2, 3.  Tuy nhiên, vì những hộ này sinh sống ở các vùng xa, địa hình hiểm trở, dễ bị cô lập, chia cắt nên tiếp cận thông tin chậm. Vì vậy, việc triển khai thực hiện phương án sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc củng cố lực lượng, xây dựng cầu treo bắc qua suối, các địa phương cũng đang tiếp nhận và vận động nhân dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tuy nhiên, theo ý kiến của Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mậu Văn thì phương án PCTT&TKCN của huyện cần phải được cụ thể đến tận người dân, tránh tình trạng áp đặt khiến họ không hợp tác, đơn cử như việc di dời dân. Ở các khu dân cư  xa, địa điểm di dời, sơ tán thường được chọn là nhà của một vài hộ dân có phần vững chãi, kiên cố hơn. Nhưng vì chưa được chính quyền thông báo trước nên khi xảy ra sự cố, lắm lúc lực lượng chức năng phải mất thời gian vận động. Điều này theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng là “rất dễ xảy ra nên thời gian tới, huyện sẽ tiến hành kiểm tra phương án PCTT&TKCN ở các xã để phổ biến đến từng khu dân cư và các hộ dân”.

Ngoài ra, để phát huy hiệu quả của phương châm “4 sẵn sàng”, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đặng Minh Thảo đề nghị BCH PCTT&TKCN huyện Sơn Tây cần phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho lực lượng thanh niên tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời xây dựng phương án cho từng cấp độ rủi ro thiên tai để dễ dàng phân cấp trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ.  

Phối hợp chặt chẽ

Địa bàn huyện Sơn Tây hiện có hai công trình thủy điện là Đăkđrinh và Huy Măng nên công tác thông tin, phối hợp hành động xử lý và ứng cứu khi xảy ra rủi ro là rất quan trọng. Vì vậy Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng đề nghị ngoài phương án thông báo xả lũ sao cho người dân dễ nhận biết, thì Công ty CP thủy điện Đăkđrinh (Công ty) cũng nên lắp đặt hệ thống quan trắc, nhằm phát hiện cũng như kịp thời thông báo cho địa phương khi xảy ra hiện tượng biến động địa chất. Bởi “sau những chấn động động đất ở thủy điện sông Gianh (Quảng Nam), chính quyền cũng như người dân rất lo lắng không biết thủy điện Đăkđrinh có xảy ra tình trạng tương tự. Trong khi đó, chúng tôi cũng không nhận được bất kỳ thông tin nào từ phía Công ty nên nhiều người suy diễn, đồn thổi khiến nhân dân hoang mang, lo lắng”, ông Lê Văn Tùng cho hay.

Về điều này, Phó Giám đốc Công ty CP thủy điện Đăkđrinh Đặng Hữu Thắng cho biết, sau khi khảo sát, đánh giá an toàn địa chất quanh công trình thủy điện Đăkđrinh, Bộ Xây dựng không cho phép Công ty lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi động đất vì đã có trạm ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam). Còn việc thông báo xả lũ, ông Đặng Hữu Thắng thừa nhận thiếu sót, chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương. Do đó, trong thời gian tới, Công ty sẽ tổ chức họp bàn với các địa phương nhằm thống nhất biện pháp thông báo mỗi khi xả lũ.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tính mạng người dân cũng như công trình, Công ty đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm quy định vận chuyển, khai thác thủy sản trong lòng hồ. Bởi thời gian qua, nhiều hộ dân bất chấp cảnh báo của Công ty để vào sâu khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt (bán kính 300m tính từ thân đập) cũng như cống xả để đánh bắt cá. “Điều này vô cùng nguy hiểm. Vì khi xả, lưu lượng nước đạt tới 60m3/s nên rất dễ ảnh hưởng đến tính mạng người dân”, ông Đặng Hữu Thắng nhấn mạnh.
  

 Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.