Xây dựng NTM ở Bình Sơn: Huy động sức dân để lo cho dân

12:07, 23/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương ở huyện Bình Sơn đã “thay da, đổi thịt” từng ngày.

TIN LIÊN QUAN

“Đầu tàu” Bình Dương

Tháng 3.2015, xã Bình Dương trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận là xã NTM. Để hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM, Bình Dương đã thực hiện tốt phương châm: “Lấy sức dân để lo cho dân”. Ông Lê Minh Chính - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Dương, chia sẻ: Bài học về huy động sức dân là bài học lớn để tạo nên sức mạnh. Do vậy, khi xác định rõ thế mạnh của Bình Dương là phát triển nông nghiệp, thì chính quyền và người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dồn điền đổi thửa. Nhờ đó, giá trị kinh tế trên mỗi hecta đất nông nghiệp đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây, nâng cao đời sống người dân.  

Bộ mặt nông thôn ở xã Bình Dương (Bình Sơn) khởi sắc có sự đóng góp rất lớn của người dân.
Bộ mặt nông thôn ở xã Bình Dương (Bình Sơn) khởi sắc có sự đóng góp rất lớn của người dân.


Đến giữa năm 2015, Bình Dương đã triển khai thực hiện công tác “dồn điền đổi thửa”được hơn 350ha đất sản xuất, với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Qua đó, việc sản xuất của người dân được thuận lợi và mang lại hiệu quả cao hơn. Điển hình như có 85 ha đất sản xuất cho thu nhập bình quân 300 - 350 triệu đồng/ha/năm. Ngoài nguồn vốn Nhà nước đầu tư, địa phương còn huy động các nguồn lực từ nhân dân và cộng đồng để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên những công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân như: Môi trường, y tế, giáo dục, đường giao thông, cầu… Hiện toàn xã có 100% trục đường xã, đường liên xã, đường thôn, 88% đường ngõ xóm đã được thảm nhựa hoặc bê tông, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân.

Nhiều công trình có giá trị tiền tỷ được xây dựng là nhờ lãnh đạo xã tích cực huy động sự đóng góp của nhiều người con của quê hương làm ăn thành đạt ở các tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2009, gia đình cụ Cao Ngọc Liên, một người con của quê hương đang ở TP.HCM đã đầu tư 3 tỷ đồng để xây chợ Hôm, 150m kè bê tông và công viên có diện tích 300m2. Năm 2010, gia đình cụ Liên tiếp tục đầu tư 16 tỷ đồng để làm cầu Bà Dầu, dài 185m, bắc ngang qua sông Trà Bồng, nối liền 2 xã Bình Dương - Bình Thới, giúp người dân đi lại nhanh hơn, các cháu đến trường thuận lợi hơn. Theo thống kê của UBND xã Bình Dương, giai đoạn 2011 - 2015, nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM ở Bình Dương xấp xỉ 70 tỷ đồng, trong đó số tiền huy động từ nhân dân đã là 26 tỷ đồng. Nhờ biết vận động người dân chung sức xây dựng NTM nên Bình Dương sớm trở thành một trong những địa phương có bộ mặt nông thôn đẹp vào hàng nhất nhì ở Quảng Ngãi.

Khi ý Đảng hợp lòng dân

Không riêng xã Bình Dương, phong trào xây dựng NTM ở huyện Bình Sơn thời gian qua cũng diễn ra rất sôi động. Các địa phương đã chủ động bàn với dân để thực hiện chứ không ỷ lại vào chính quyền cấp trên. Tất cả 24 xã trong huyện bằng nhiều cách làm, với những bước đi thích hợp đã huy động được các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, chủ yếu tập trung vào việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi và bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Hiện nay, ngoài Bình Dương đã trở thành xã NTM, huyện Bình Sơn có một xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 3 xã đáp ứng từ 10 - 14 tiêu chí NTM, các xã còn lại đều đạt từ 5 tiêu chí trở lên. Bình Sơn đặt mục tiêu, đến cuối năm 2015 có 3 xã đạt tiêu chí NTM và đến năm 2020 sẽ có 13 xã trở thành xã NTM.

Theo UBND huyện Bình Sơn, nguồn vốn huy động xây dựng NTM trên địa bàn huyện từ 2011- 2014 là 777 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước là 356 tỷ đồng, vốn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp gần 70 tỷ đồng và vốn huy động từ nhân dân khoảng 56 tỷ đồng, còn lại là vốn tín dụng. Ngoài ra, nhân dân Bình Sơn còn tự nguyện hiến trên 53.000m2 đất và đóng góp hơn 21.000 ngày công lao động chung sức xây dựng NTM… Ông Võ Đình Trà - Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, đúc kết: “Để có thể huy động được sức dân, tạo đồng thuận cao trong dân thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải là những người gần dân nhất. Từ lãnh đạo huyện đến xã, khi đến với dân phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân để xây dựng chính sách. Nếu dân đồng thuận thì không có việc gì không làm được”.

Bài, ảnh: ĐÌNH NGUYÊN
 


.