Bình Sơn: Các xã điểm nỗ lực xây dựng nông thôn mới

10:03, 15/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn ở huyện Bình Sơn đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Từ nay đến cuối năm 2015, huyện Bình Sơn sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để đưa 2 xã điểm Bình Thới và Bình Trung “cán đích” NTM.

TIN LIÊN QUAN

Bình Thới là một trong ba xã điểm thực hiện chương trình xây dựng NTM của huyện Bình Sơn. Ngay từ ngày đầu triển khai, xác định người dân là chủ thể xây dựng NTM, nên xã Bình Thới đã tập trung tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa và lợi ích thiết thực của việc xây dựng NTM. Từ đó, phong trào đã được người dân đồng tình hưởng ứng và tham gia tích cực.

Giao thông và kênh mương thủy lợi ở xã Bình Thới được bê tông hóa.
Giao thông và kênh mương thủy lợi ở xã Bình Thới được bê tông hóa.


Sau 4 năm thực hiện, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, xã Bình Thới đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hạ tầng nông thôn. Toàn xã đã bê tông hóa gần 5km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa trên 5km kênh mương, chiếm trên 53% tổng chiều dài kênh mương nội đồng, bảo đảm dẫn nước tưới cho đất sản xuất. Đặc biệt công tác dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng đã được triển khai, bước đầu đem lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập. Do đó, tính đến cuối năm 2014, mức thu nhập bình quân đầu người ở Bình Thới đạt trên 22 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cũng đã giảm xuống dưới 5%.

Ông Huỳnh Kim Sơn - Chủ tịch UBND xã Bình Thới cho biết: “Tính đến thời điểm này, Bình Thới đã đạt được 15 tiêu chí và có 2 tiêu chí là giao thông và thủy lợi đạt gần 70%. Riêng tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa do nguồn kinh phí lớn nên còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy mong rằng trong thời gian tới, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ để Bình Thới có thể hoàn thành các tiêu chí và cán đích NTM vào cuối năm 2015”.

Song song với xã Bình Thới, chương trình xây dựng NTM ở xã Bình Trung cũng đã có nhiều đổi thay, đời sống người dân được nâng lên đáng kể. Những ngày này về Bình Trung, đi trên những con đường được bê tông mới khang trang, chúng ta thấy rõ đời sống người dân ngày càng khởi sắc.

Hiện Bình Thới đã bê tông hóa trên 90% đường xã, trên 70% đường thôn và 60% đường xóm. Phong trào thắp sáng  đường giao thông nông thôn đã đem lại sự thay đổi lớn về diện mạo nông thôn và đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Về tiêu chí thu nhập, xã cũng đã đạt trên 21 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo ở Bình Trung vẫn còn cao (trên 6,7%), trong đó chủ yếu là người già yếu, neo đơn không nơi nương tựa.

Đến nay toàn huyện Bình Sơn đã có 1 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt 15 tiêu chí, có 3 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí NTM. Bằng nhiều hình thức triển khai thực hiện, việc huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng thiết yếu tăng nhanh. Mặt khác, hàng chục mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất có hiệu quả đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong năm 2015, huyện Bình Sơn phấn đấu có 2 xã là Bình Thới và Bình Trung cơ bản đạt chuẩn NTM, có 2 xã đạt 15 - 18 tiêu chí và có 9 xã đạt từ 9 - 14 tiêu chí NTM. Ông Đoàn Hà Yên - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết:  “Để đạt được những mục tiêu trên, trong thời gian tới, huyện Bình Sơn sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng NTM; thực hiện các chính sách về đổi mới, khuyến khích người dân đầu tư phát triển sản xuất; ưu đãi, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời huyện đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo nghề, thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được thì các địa phương trên cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi những tiêu chí đạt được chỉ tập trung vào lĩnh vực có sẵn như: An ninh trật tự xã hội, hệ thống chính trị, nhà ở dân cư, bưu điện, văn hóa, điện và hình thức tổ chức sản xuất. Còn những tiêu chí có nhiệm vụ tạo đột phá trong bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân như tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, giao thông, thủy lợi… thì rất ít địa phương đạt được. Lý do, hầu hết các tiêu chí trên đều cần nguồn kinh phí lớn. Trong khi nguồn vốn Nhà nước bố trí cho NTM eo hẹp, nhỏ giọt; còn sức đóng góp của dân và doanh nghiệp lại hạn chế nên quá trình thực hiện cũng chưa có sự đồng bộ.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.