Chị Trâm vẫn đi về nơi "đất lửa"

09:06, 29/06/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Sau 45 năm kể từ ngày liệt sỹ Đặng Thùy Trâm hy sinh, người dân ở “đất lửa” Phổ Cường (Đức Phổ) vẫn kể cho nhau nghe những câu chuyện về chị. Ngày 22.6 hàng năm, các y, bác sỹ ở bệnh xá mang tên chị sắm sửa mâm cỗ thắp hương giỗ người nữ anh hùng.

TIN LIÊN QUAN

Phổ Cường giỗ chị Trâm

Sáng ngày 22.6, các y, bác sỹ ở bệnh xá Đặng Thùy Trâm bận rộn với việc chăm sóc bệnh nhân và sửa soạn mâm cỗ cúng người bác sỹ anh hùng. Mâm cỗ có gà luộc và cua rang, món ăn chị Trâm rất thích lúc sinh thời. “Thời chiến tranh thiếu thốn đủ thứ nên hiếm khi chị được thưởng thức hai món ấy. Vì vậy, tôi luôn cố gắng nuôi gà thả vườn để mang đến cúng chị. Chị em ở bệnh xá tìm mua cua về rang để thắp hương viếng chị” – bà Tạ Thị Ninh (em kết nghĩa của bác sỹ Đặng Thùy Trâm) nói.

 

Soạn mâm cỗ cúng chị Trâm
Soạn mâm cỗ cúng chị Trâm


Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Lai tâm sự: “45 năm trước chị Trâm hy sinh, khi em chưa được sinh ra đời. Nhưng khi đọc nhật ký và nghe nhiều người lớn tuổi kể lại, em rất khâm phục sự tận tụy, đức tính hy sinh của chị. Và từ khi bệnh xá đi vào hoạt động đến nay, cứ đến ngày 22.6 hàng năm, tụi em cùng với chị em y tế thôn lại chung tay lo mua sắm sửa soạn mâm cỗ. Đây cũng là dịp để nghe cô Ninh kể lại những mẩu chuyện về chị Trâm, hướng dẫn tụi em chế biến những món mà chị Trâm thích ăn. Dịp tất niên, tụi em cũng chung tay lo mâm cỗ dâng lên cúng chị…”.
 
Nhiều người chưa được gặp mặt chị, chỉ biết chị qua chuyện kể và đọc trong nhật ký nhưng họ vẫn mua bánh, nước ngọt mang đến viếng. Khói hương bảng lảng trước những tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ người bác sỹ đã xả thân cho quê hương Phổ Cường. “Tôi và nhiều người mang hương hoa đến viếng chị Trâm. Vì lẽ sống của chị ấy thật cao cả. Sau khi thắp hương, chúng tôi cùng nhau ăn cơm và kể cho nhau nghe những câu chuyện về chị. Qua đó, tình cảm giữa bệnh nhân cùng với các y, bác sỹ ngày càng thân thiết…” – ông Nguyễn Tăng Sơn, một bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh xá, nói.

Hồi ức của người em kết nghĩa

Căn nhà nhỏ của bà Tạ Thị Ninh với mái ngói rêu phong nằm trong khu vườn rợp hoa trái giữa làng quê yên ả. Bà chậm rãi kể: Trong kháng chiến chống Mỹ, gia đình bà đã đào 5 căn hầm bí mật ngay dưới nền nhà và xung quanh vườn làm nơi trú ngụ cho cán bộ, du kích mỗi khi giặc càn. Phát hiện dấu vết khả nghi nên địch thường bắn pháo và tổ chức hành quân càn quét nhằm “tìm diệt” lực lượng cách mạng.

 

Bà Tạ Thị Ninh (bên phải) thắp hương viếng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm
Bà Tạ Thị Ninh (bên phải) thắp hương viếng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm


Dẫu chịu nhiều tổn thất, nhưng quân và dân Phổ Cường vẫn quyết trụ bám, đánh trả quân thù. Giữa lúc làng xóm tiêu điều thì vào tháng 3.1967, anh Thuận (tên có ghi trong nhật ký, hy sinh năm 1972) đưa chị Trâm đến nhà và bảo rằng chị vừa từ ngoài Bắc vào chiến trường. Mọi người đều thương yêu chị như người thân trong gia đình.

Với nhiệm vụ phụ trách bệnh xá Đức Phổ, chị cùng với các nhân viên luôn di chuyển thương, bệnh binh và trang thiết bị để tránh giặc truy lùng. Dẫu vậy, chị vẫn can đảm, vượt qua nhiều đồn bót của địch, đi về xóm làng để trị bệnh và hướng dẫn cho người dân những bài thuốc quý từ cây lá trong vườn nhà. Chị Trâm gan dạ lắm. Buổi chiều tháng 10.1967, gia đình tôi cùng với chị và nhiều anh du kích đang ở trong nhà thì hai máy bay Mỹ nhào đến vì chúng phát hiện có người chạy vào bên trong. Máy bay rất thấp, sắp quạt tung mái nhà lợp tranh, hai anh du kích giương súng lên định bắn nhưng chị ngăn lại bảo: “Chúng chưa phát hiện được mình. Nếu bắn cháy máy bay thì pháo của địch từ các căn cứ gần đó sẽ bắn vào làng, gây thương vong cho người dân”.

Sau một hồi quần đảo, chúng bay đi nơi khác. Ban ngày, chị cùng với gia đình đi làm đồng áng, tìm hái thuốc Nam. Đêm đến, chị giao lưu văn nghệ với thanh niên và anh em du kích. Có bữa, địch càn quét xúc hết lúa gạo của người dân trong xóm. Gia đình tôi chỉ còn vài lon gạo do mẹ cất giấu trước đó. Chiều tối, anh em du kích về quá đông nên cầm chắc ngủ đói. Chị Trâm vội cắp rổ dạo quanh xóm tìm hái rau còn tôi thì ra đồng mò cua mang về chế biến thức ăn. Bữa cơm tối hôm ấy có món cua rang, rau sống và canh rau tập tàng nấu với cua, nhưng cơm rất ít. Chị giành phần ngồi bên nồi cơm để xúc vào chén cho các anh còn mình chỉ ăn canh với rau. Tôi vội lấy chén của chị xúc ít cơm và ép chị ăn. Chị miễn cưỡng ăn rồi quay người lén lau giọt lệ nơi khóe mắt…” – bà Ninh nhớ lại.

Cảm phục đức tính kiên cường và sự tận tụy vì người bệnh của chị Trâm nên bà Ninh đã xin theo học lớp y tá phục vụ chiến đấu. Chị Trâm tặng cho bà võng, dù cùng với một số thiết bị y tế dùng để điều trị bệnh cho cán bộ và nhân dân. Những kỷ vật này luôn được bà giữ gìn cẩn thận rồi trao tặng cho Bảo tàng phụ nữ sau khi cuốn nhật ký được công bố. Khi nghe tin chị Trâm hy sinh, gia đình bà cùng với nhiều người dân Phổ Cường bàng hoàng đau đớn. Đến bữa, mẹ bà Ninh lại bới thêm chén cơm “cho con Trâm nó ăn kẻo đói”.

“Dù chị đã hy sinh, nhưng đối với tôi và nhiều người vẫn luôn nhớ về những hình ảnh thân thương của chị…” – bà Ninh nói.  

Tiếp nối ngọn lửa Đặng Thùy Trâm

Sau khi cuốn nhật ký được công bố, nhiều đơn vị và nhà hảo tâm đã chung tay xây dựng bệnh xá mang tên người nữ anh hùng với khoản kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Hiện bệnh xá có 10 giường bệnh với 13 cán bộ và nhân viên, khám và điều trị bệnh cho người dân khu vực phía Nam huyện Đức Phổ.

 

Bác sỹ Thạch Cảnh Đoàn đang khám bệnh cho người dân
Bác sỹ Thạch Cảnh Đoàn đang khám bệnh cho người dân.

Nhiều bệnh nhân điều trị nội trú trong thời gian khá dài trở thành người thân của các y, bác sỹ nơi đây. Bác sỹ Thạch Cảnh Đoàn – Phó bệnh xá kể: Vào năm 2007, có một sản phụ quê ở Nghệ An đang trên đường về quê. Khi đến địa phận xã Phổ Cường thì chuyển dạ, những người đi cùng xe chuyển vào đến bệnh xá sinh nở. Hoàn cảnh sản phụ rất khó khăn nên cán bộ và nhân viên phải góp tiền mua thức ăn bồi dưỡng cho chị. Khi xuất viện, chị bồng con nắm tay từng người ở bệnh xá, nghẹn ngào không nói nên lời.

Tiếp bước chị Trâm, cán bộ và nhân viên bệnh xá luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Dù hết giờ làm việc, nhưng họ vẫn vội vã đến bệnh xá khi nhận được tin báo qua điện thoại “có ca bệnh nặng, cần sự giúp đỡ”. Những lúc gặp ca sinh nở khó, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, các y, bác sỹ lại “nhờ” chị Trâm giúp đỡ. “Nói thật là em không mê tín đâu nhé! Nhưng nhiều lúc nghĩ lại thấy chị Trâm linh thiêng lắm đấy!
 
Có một sản phụ đẻ ngược, nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con khiến tụi em toát mồ hôi vì nếu chuyển lên tuyến trên sợ không kịp thời. Thế là cô Ninh vội sang phòng truyền thống thắp hương khấn vái trước bàn thờ chị. Sau đó, mẹ và con sản phụ được bình an, tụi em đưa mắt nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm rồi vội sang thắp hương cảm ơn chị…” - nữ hộ sinh Nguyễn Thị Lai nói.
 
 Nhiều du khách đến bệnh xá tham quan và thắp hương viếng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm
Nhiều du khách đến bệnh xá tham quan và thắp hương viếng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm


Vùng “đất lửa” Phổ Cường có thư viện mang tên Đặng Thùy Trâm do các nhà hảo tâm chung tay xây dựng và trao tặng hơn 11 nghìn cuốn sách. Thư viện được xây dựng khá bề thế, nằm trong khuôn viên trụ sở xã bốn mùa lộng gió.

Hàng ngày, nơi đây đón tiếp, phục vụ hơn 30 lượt độc giả, chủ yếu là các em học sinh đến tìm hiểu về sách báo và tấm gương hy sinh anh dũng của chị. “Em nghĩ mình thật may mắn khi được làm việc tại thư viện mang tên chị Trâm. Vì vậy, em luôn tìm kiếm tư liệu qua sách, báo để trả lời cho những độc giả hỏi chuyện về chị” – Nguyễn Thị Lệ Trinh, nhân viên thư viện, tâm sự.


Trang Thy


 


.