Tiếp nối ngọn lửa Đặng Thùy Trâm

09:03, 18/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bệnh xá Đặng Thùy Trâm nằm bên Quốc lộ 1, cách TP. Quảng Ngãi khoảng 50km về hướng nam thuộc thôn Nga Mân, xã Phổ Cường (Đức Phổ). Nơi đây không chỉ là khu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong vùng mà còn là địa chỉ thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm.

TIN LIÊN QUAN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng về thăm Bệnh xá và chia sẻ cảm xúc: “Tôi đã khóc khi đọc nhật ký của chị - Bác sĩ, Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Xin thắp nén nhang tưởng niệm chị với tất cả sự ngưỡng mộ và tri ân. Chúng tôi sẽ làm việc hết mình để xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của chị và các Anh hùng liệt sĩ”.

Ước vọng hồi sinh

Trong những ngày tháng 3 lịch sử này, nhiều du khách đã đến tham quan Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Kiến trúc bệnh xá cũng không mấy cầu kỳ. Bên trong bệnh xá gồm các phòng khám đa khoa và các phòng chức năng như chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, siêu âm và khu lưu trú cho các bệnh nhân nhẹ nằm chữa trị hoặc chờ chuyển lên bệnh viện tuyến trên, với 10 - 15 giường bệnh. Phía đông nam bệnh xá còn có riêng một phòng truyền thống, trưng bày những hiện vật về bác sĩ Đặng Thùy Trâm, bức tượng chân dung, những hình ảnh, kỷ vật của chị cùng những đồng đội đã chiến đấu, hy sinh hoặc đang sinh sống trên mảnh đất này...  

Bệnh xá được khởi công xây dựng ngày 24.3.2006 trên diện tích 3.900m2. Kinh phí do bạn đọc Báo Tuổi trẻ cùng nhiều nhà tài trợ, cá nhân, đơn vị… đóng góp và ủng hộ xây dựng, với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Sau gần 9 tháng triển khai, Bệnh xá đưa vào sử dụng cuối năm 2006.

 Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh năm 1942 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, sau đó xung phong vào chiến trường miền Nam và được phân công về chiến trường Đức Phổ. Trong quá trình công tác chị đã hiểu nỗi khổ của bệnh nhân và sự thiếu thốn nơi trạm xá dã chiến, nên chị mơ ước sau hòa bình, trên đất này xây dựng một trạm xá để cứu chữa bệnh cho người dân. Thế nhưng, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã bị địch phục kích và hy sinh anh dũng khi chưa đầy 28 tuổi đời. Tháng 2.2006, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc. Dù bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã hy sinh, nhưng trên mảnh đất mà chị đã từng sống và chiến đấu đã có một bệnh xá mang tên chị, phần nào thực hiện được ước nguyện của chị lúc sinh thời.

Tự hào làm việc nơi mang tên chị

Du khách đến tham quan Bệnh xá Đặng Thùy Trâm.
Du khách đến tham quan Bệnh xá Đặng Thùy Trâm.


Bác sĩ Thạch Cảnh Đoàn – Phó Trưởng Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, cho biết: “Kể từ ngày bệnh xá đi vào hoạt động, khách tham quan cũng như bệnh nhân trong xã và các vùng lân cận đến tăng đáng kể. Bình quân mỗi ngày, bệnh xá tiếp nhận khám và điều trị khoảng 50 – 60 người, chưa kể khách tham quan. Anh, em ai cũng kiêm nhiều việc, khi thì khám, điều trị bệnh nhân, lúc làm hướng dẫn viên cho khách tham quan. Một ngày khá bận rộn nhưng ai cũng cảm thấy vui vì đã dốc sức làm việc tại bệnh xá mang tên chị Trâm”.

Dù bệnh nhân đến trong hoàn cảnh nào, đội ngũ y, bác sĩ ở Bệnh xá Đặng Thùy Trâm cũng ân cần chăm sóc. Kể từ ngày đi vào hoạt động, bệnh xá đã để lại niềm vui, sự cảm mến trong lòng người nhà lẫn người bệnh. Một bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh xá, bộc bạch: “Đôi lúc đau ê ẩm, mình nhăn nhó, nhưng các cô vẫn nhẹ nhàng hỏi thăm như người nhà vậy. Khi thì nhắc uống thuốc khi thì theo dõi bệnh tình, mình cũng cảm thấy thật ấm áp”. Điều dưỡng trưởng bệnh xá Nguyễn Trung Trí, chia sẻ: “Hằng ngày vào ra bệnh xá, hình ảnh của chị Trâm luôn khắc ghi vào trong tâm trí. Công việc hằng ngày nơi đây có nặng nhọc gì so với thời của chị. Vì vậy, bản thân luôn cố gắng khám, điều trị cho thật tốt để xứng đáng là người nối nghiệp chị”.

Ngay từ ngày đầu thành lập, thiết bị, dụng cụ y tế ở bệnh xá còn nhiều thiếu thốn nhưng đội ngũ y, bác sĩ nơi đây đã khắc phục khó khăn, nâng cao trình độ chuyên môn để ngày càng đáp ứng tốt hơn công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Đến nay, bệnh xá đã có máy siêu âm, máy xét nghiệm, điện tim, sinh hóa... là điều kiện để các y, bác sĩ giúp đỡ bệnh nhân nghèo nơi vùng đất từng chịu nhiều đau thương trong chiến tranh.

Dốc lòng chăm sóc bệnh nhân, nhưng khi có đoàn khách đến tham quan, 13 con người ở bệnh xá đã phân công nhau tiếp và giới thiệu về hình ảnh, tư liệu hiện vật ở bệnh xá. Có nhiều đoàn khách đến tham quan, cảm phục trước tấm lòng của chị Trâm, đã ghi những dòng lưu bút đầy cảm động. Nữ hộ sinh Thạch Thị Minh Kết bộc bạch: “Mỗi một dòng trong lưu bút cũng là lời nhắc nhở anh, chị, em y, bác sĩ ở bệnh xá làm tốt vai trò của mình, để xứng đáng với tấm gương của liệt sĩ,  bác sĩ Đặng Thùy Trâm”.  
 

Bài, ảnh: MAI HẠ
 
 


.