Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi ý kiến về dự thảo Luật Doanh nghiệp

10:05, 21/05/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 21.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiếp tục họp trực tuyến từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 
Dự tại điểm cầu Quảng Ngãi có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ; các ĐBQH đơn vị tỉnh Quảng Ngãi; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
 
Tại phiên họp, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp.
 
Dự thảo Luật Doanh nghiệp đã được các ĐBQH thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này (theo dự thảo ngày 29.4.2020) gồm 10 chương với 219 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, nhóm công ty và hộ kinh doanh.
 
Một trong những nội dung tiếp tục xin ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp này là phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (Điều 1, Điều 2 và Chương VIIa). Dự thảo luật đưa ra hai phương án để xin ý kiến: Phương án 1: Nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Phương án 2: Đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.
 
Vấn đề có nên đưa đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này hay không đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ ĐBQH các tỉnh, thành phố khi tham gia thảo luận tại phiên họp sáng nay.
 
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Thị Thu Trang phát biểu thảo luận
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Thị Thu Trang phát biểu thảo luận

Đăng ký phát biểu thảo luận, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Thị Thu Trang đồng tình cao với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Doanh nghiệp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
Cho rằng việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp ở thời điểm này là cần thiết, tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Thu Trang đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào Luật này mà nên ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, vì đối tượng của Luật doanh nghiệp là tổ chức, các chế định về cơ chế, chính sách chung điều chỉnh doanh nghiệp nhưng không điều chỉnh đối với hộ kinh doanh, như vậy về hình thức, cấu trúc văn bản luật là không phù hợp, gây lúng túng khi nghiên cứu, áp dụng luật của các đối tượng. 
 
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang cho rằng, hộ kinh doanh chỉ biết và thực hiện theo Luật về hộ kinh doanh, khi đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp thì thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, như vậy sẽ đơn giản hơn. Nếu để chung, khi có thay đổi các quy định đối với doanh nghiệp nhưng không có tác động đối với hộ gia đình hoặc ngược lại thì cũng phải sửa đổi Luật, làm ảnh hưởng đến tính ổn định của Luật. 
 
Về khái niệm Doanh nghiệp nhà nước được giải thích tại khoản 8, Điều 4, đề nghị cân nhắc việc liên tục thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước, ảnh hưởng đến tính ổn định của văn bản luật; gây ra tâm lý băn khoăn về quyền bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu và thành phần kinh tế hoặc quyền tham gia quản trị doanh nghiệp của các chủ sở hữu vốn khác, vì ngoài phần vốn góp của nhà nước còn có vốn các thành phần kinh tế khác tham gia.
 
Ngoài ra, nội hàm khái niệm Doanh nghiệp nhà nước thay đổi sẽ tác động đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, không làm giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước; chủ trương thu hút các thành phần kinh kinh tế khối tư nhân đầu tư phát triển kinh tế.
 
Đối với trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh được quy định tại Điều 215, đại biểu Phạm Thị Thu Trang đề nghị xem xét bổ sung quy định cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc góp vốn điều lệ và điều chỉnh đăng ký vốn điều lệ để khắc phục tình trạng kê khai khống vốn điều lệ.
 
Đại biểu Trang cho rằng, thực tế, số lượng lớn doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về góp vốn điều lệ. Một số trường hợp lách luật, lợi dụng thời hạn góp vốn trong 90 ngày trình hồ sơ xin chấp thuận chủ trương dự án đầu tư trong khi chưa thực hiện xong nghĩa vụ góp vốn điều lệ.
 
Ngoài ra, đại biểu Phạm Thị Thu Trang cũng tham gia góp ý về một số nội dung quy định tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
 
Các đại biểu tham dự kỳ họp tại điểm cầu Quảng Ngãi
Các đại biểu tham dự kỳ họp tại điểm cầu Quảng Ngãi

Thảo luận tại phiên họp toàn thể, các đại biểu tại hội trường Diên Hồng và đại biểu phát biểu từ các điểm cầu đều bày tỏ nhất trí cao với báo cáo giải trình, tiếp thu về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp.
 
Tiếp tục chương trình làm việc chiều nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
 
Đồng thời, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
H.P
 

.