Chuyện không cho điểm ở cấp 1

05:02, 01/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có lẽ ở Việt Nam đã quá quen với chuyện cho điểm, nhất là cho điểm trong nhà trường, nên sự thay đổi đột ngột của Bộ Giáo dục&Đào tạo ở cấp 1 thay cho điểm bằng nhận xét của giáo viên đã tạo những hẫng hụt cho giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh.

TIN LIÊN QUAN

Đúng là cái mới nào cũng cần thời gian để làm quen, nhưng “mới” thay cho điểm bằng nhận xét bài vở của học sinh cấp 1 thì nghĩ cho cùng, vẫn không phải là cái mới thực chất. Vấn đề ở đây là chất lượng dạy học của giáo viên, chất lượng học tập của học sinh, sự quan tâm của phụ huynh với việc học tập của con em mình có được nâng cao hay không. Chứ không phải thay một hình thức đánh giá này bằng một hình thức đánh giá khác mà gọi đó là “thay đổi tích cực”.

Nếu chỉ ghi nhận xét, thì giáo viên có thể vất vả hơn, nhưng những nhận xét ấy có khiến học sinh chăm học hơn, hay học tốt hơn là cho điểm không? Câu trả lời dĩ nhiên là không. Cô giáo của cháu nội tôi luôn than với học trò trong lớp là “cô mệt quá!”. Mệt, vì hồi trước cô chỉ chấm bài, cho điểm, còn bây giờ, vẫn phải chấm bài, nhưng không cho điểm, mà cho…nhận xét. Những nhận xét ấy, dù khá giống nhau, khá rập khuôn, mang tính động viên là chính, nhưng cô phải mất công viết nhiều hơn, phải đánh giá, ghi chép vào 4 loại hồ sơ, sổ sách.

Điều đáng nói là cả 4 loại này đều có nội dung không khác gì nhau: Sổ theo dõi chất lượng giáo dục, sổ liên lạc, học bạ, phần mềm nhận xét của sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Tính hình thức của 4 loại sổ nhận xét này là rất rõ. Nhưng nó khiến giáo viên mất công không ít. Còn học sinh thì chả được gì, nếu được, chỉ là sự an tâm tạm thời khi đọc những lời động viên hoa mỹ của giáo viên. Tính tích cực, sự tranh đua khi học của học sinh bị giảm sút nghiêm trọng. Còn sự quan tâm thực chất của giáo viên đối với học sinh cũng không vì thế được nâng cao. Phụ huynh thì lơ mơ, bán tin bán nghi, không biết con cháu mình thực học thế nào. Cho tới khi thi học kỳ có chấm điểm. Lúc ấy mới biết điểm số của con thì đã muộn!   

Có lẽ qua một năm học, Bộ GD&ĐT nên có tổng kết một cách nghiêm túc và thực chất, xem việc thay thế cách đánh giá học sinh cấp 1 như thế có mang lại “kết quả tích cực” thật hay không? Nếu không, thì nên quay trở về hình thức chấm điểm như cũ, hoặc có hình thức nào ưu việt hơn thì lại mang ra áp dụng “thử”. Nhưng cũng xin nói, mọi sự thí nghiệm phương pháp giáo dục trên học sinh cấp 1 đều tiềm ẩn những rủi ro khó lường.

Thanh Thảo
 


.