Không cho điểm học sinh lớp 1: Ủng hộ nhưng vẫn âu lo

08:08, 14/08/2013
.

Các nhà quản lý giáo dục cho rằng, không cho điểm đối với học sinh lớp 1 sẽ giảm áp lực cho chính các em và cả phụ huynh. Tuy nhiên, dưới góc độ của giáo viên và phụ huynh thì vẫn còn đó những trăn trở và lo lắng về chủ trương mới này.

Chủ trương không cho điểm đối với học sinh lớp 1 trong suốt thời gian học đã được Bộ GD-ĐT đưa ra trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2013-2014. Tuy nhiên do “rào cản” của Thông tư 32/2009/TT-BGDĐT Ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học. Tại điều 7 của thông tư này có đưa ra quy định: “Đánh giá bằng điểm kết hợp với nhận xét”.
 
 
Để không “vấp” với Thông tư 32, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh lại như sau: Đối với lớp 1, khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh; nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh; giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào.

Như vậy, với điều chỉnh này, có thể khẳng định Bộ GD-ĐT đã “giao quyền” chủ động hoàn toàn cho giáo viên nhận xét, đánh giá đối với học sinh lớp 1.

Mặc dù quy định không chấm điểm với học sinh lớp 1 chưa chính thức được triển khai trong năm học 2013-2014, nhưng nhiều cán bộ quản lý ngành giáo dục đều bày tỏ quan điểm ủng hộ với chủ trương này. Ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội nêu quan điểm: “Học sinh mới vào lớp 1 mà chúng ta cho điểm ngay sẽ tạo ra áp lực tâm lý đối với các em. Nếu ngay nét chữ, đọc ngữ âm đầu tiên mà chúng ta đã đánh giá bằng điểm số thì sẽ ảnh hưởng tâm lý không tốt với các em. Học sinh có thể so sánh giữa mình với bạn bè xung quanh khi mà hiện nay có tính trạng không ít phụ huynh cho con đi học chữ trước”.
 

Không cho điểm học sinh lớp 1 sẽ giảm áp lực cho trẻ và cả bậc phụ huynh.
Không cho điểm học sinh lớp 1 sẽ giảm áp lực cho trẻ và cả bậc phụ huynh.


Không cho điểm học sinh lớp 1 sẽ giảm áp lực cho trẻ và cả bậc phụ huynh. Tuy nhiên quy định này vẫn còn đó những lo lắng và trăn trở.


Cũng theo ông Tiến, việc cho điểm số cũng dẫn đến tình trạng phụ huynh so sánh con mình với anh em, bạn bè hoặc với các phụ huynh cùng lớp. Điều này là không nên đáng có đối với học sinh lớp 1.

Đồng quan điểm này, cô Phạm Thị Yến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội) bày tỏ thêm: “ Ở đây, chúng ta phải chú trọng để bàn đến việc nhận xét, đánh giá như thế nào để khuyến khích được học sinh ngày càng tích cực học tập hơn, làm sao để phụ huynh biết được mức độ học tập, nhận thức của con em mình. Do đó, Bộ GD-ĐT cần phải thống nhất đưa ra tiêu chí đánh giá để nhận xét, đảm bảo mang tính chất toàn diện”.

Dưới góc độ là giáo viên và phụ huynh học sinh thì vẫn còn đó trăn trở kèm theo những lo lắng khi không cho điểm với học sinh lớp 1. Chị Phạm Hồng Nhung (quận Ba Đình, Hà Nội) có con chuẩn bị vào lớp 1 bộc bạch: “Việc nên hay không nên cho điểm với học sinh lớp 1 sẽ có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Theo quan điểm của tôi thì cho điểm cũng là một vấn đề quan trọng. Tuy nhiên với chủ trương mới của Bộ đưa ra thì đây cũng là một cách hay bởi nó sẽ không gây căng thẳng, tạo áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, nếu không cho điểm số thì liệu có đánh giá được thực chất lực học của các em? Đây sẽ là điều mà nhiều bậc phụ huynh rất trăn trở”.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền - giáo viên Trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội) thì lại cho rằng, đánh giá bằng nhận xét sẽ có tác dụng kích thích học sinh cố gắng hơn. Những lời khen của cô giáo sẽ động viên học sinh. Quan trọng hơn là không tạo áp lực cho các em về điểm số. Với học sinh lớp 1 mà cho các em điểm kém thì thường khiến tâm lý các em rất là lo sợ, thậm chí là sợ học. Tuy nhiên nếu môn Toán và Tiếng Việt mà chỉ đánh giá bằng nhận xét sẽ không sát thực với khả năng tiếp thu của các em bởi vì chỉ có điểm số mới biết các em đang ở mức độ nào…


 
Theo Nguyễn Hùng/Dan trí


.