Khi đàn ông vào bếp

09:01, 27/08/2023
.
 
(Báo Quảng Ngãi)- Giờ đây, đi chợ, vào bếp nấu ăn không chỉ của riêng phụ nữ, mà còn có sự tham gia của nam giới. Đó cũng là cách để người chồng sẻ chia với vợ, cùng nhau chăm lo việc nhà, xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc.
 
Cùng vợ gánh vác việc nhà 
 
Anh Nguyễn Hữu Hợp, ở xã Đức Lân (Mộ Đức), thừa nhận trước đây anh xem việc bếp núc là chuyện của phụ nữ nên hiếm khi anh vào bếp phụ giúp vợ. Mỗi khi đi làm về, anh nằm xem truyền hình và thường cằn nhằn khi vợ nấu ăn chậm trễ. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, anh Hợp mất việc làm nên phải ở nhà. Trong thời gian này, anh vào bếp nấu ăn để vợ đi làm. Khi đó, anh Hợp mới nhận ra vợ mình đã phải quán xuyến công việc nhà rất vất vả. Kể từ đó, anh Hợp đã thay đổi suy nghĩ và luôn sắp xếp công việc, dành thời gian đi chợ, vào bếp để san sẻ với vợ. "Khi vào bếp chăm chút từng món ăn hằng ngày cho gia đình, tôi mới hiểu được sự vất vả của vợ. Từ đó, tôi đã thay đổi suy nghĩ và xem việc đi chợ, vào bếp cũng là trách nhiệm của mình. Khi thấy tôi làm việc nhà, con trai cũng tập làm theo để phụ giúp bố mẹ, nên tôi cảm thấy rất vui", anh Hợp chia sẻ.
 
Niềm vui của anh Võ Tấn Tài, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ) là vào bếp nấu ăn cho vợ con.
Niềm vui của anh Võ Tấn Tài, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ) là vào bếp nấu ăn cho vợ con.

 

Thường xuyên đăng tải những bức ảnh về các món ăn hằng ngày lên mạng xã hội Facebook, anh Huỳnh Ngọc Thái, ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), được nhiều bạn bè nhận xét là "người đàn ông biết chăm lo cho gia đình". Tuy nhiên, với anh Thái, anh đăng tải các bức ảnh không phải để nhận lời khen, mà anh muốn phần nào đó thay đổi quan niệm chuyện vào bếp chỉ dành riêng cho phụ nữ. Vợ của anh Thái làm công nhân, thường xuyên tăng ca, trong khi công việc của anh tự do, chủ động về thời gian. Vậy nên, anh Thái không nề hà khi phải thay vợ quán xuyến việc nhà, chăm lo từng bữa ăn cho gia đình. Vào bếp thường xuyên nên “tay nghề” nấu ăn của anh Thái được nâng lên, vợ và con rất thích mỗi khi thưởng thức món ăn do chính tay anh nấu. Điều đó làm cho anh có thêm động lực tìm tòi cách chế biến những món ăn mới, để thay đổi thực đơn hằng ngày, giúp các thành viên trong gia đình có bữa ăn ngon miệng. “Ban đầu, khi đi chợ và nấu ăn, tôi thường bị trêu ghẹo. Nhiều người vẫn còn suy nghĩ việc bếp núc chỉ dành cho phụ nữ. Tuy nhiên, tôi không để tâm vào những lời nói đó, bởi tôi hiểu được vợ của mình đã rất cực nhọc, khi vừa phải gánh vác công việc ngoài xã hội, vừa phải chăm lo cho các con. Do đó, tôi không phân biệt việc lớn, việc nhỏ mà luôn sẵn sàng chia sẻ mọi công việc ở nhà với vợ”, anh Thái bày tỏ.
 
Anh Võ Tấn Tài, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ) luôn đặt tâm huyết vào những bữa cơm, để gắn kết hạnh phúc gia đình.
Anh Võ Tấn Tài, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ) luôn đặt tâm huyết vào những bữa cơm, để gắn kết hạnh phúc gia đình.

 

Là cán bộ hưu trí, hằng ngày, ông Trà Văn Ngàn, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ), dành phần lớn thời gian để chăm lo việc nhà, vào bếp nấu ăn cho vợ và các con. Ông Ngàn cho biết, trước đây, rất ít đàn ông vào bếp, còn ngày nay thì đã khác. Vào bếp không làm hình ảnh người đàn ông xấu đi, mà qua đó thấu hiểu, chia sẻ, yêu thương hơn người phụ nữ trong gia đình. “Vợ và các con của tôi đều rất bận rộn. Để sẻ chia với những người thân yêu của mình, tôi không ngại vào bếp nấu ăn. Đây không chỉ là khoảng thời gian để gia đình tôi quây quần bên nhau, mà còn giúp các con ý thức được tầm quan trọng của bữa cơm gia đình, cũng như ý thức việc vào bếp là trách nhiệm của tất cả thành viên trong gia đình chứ không chỉ riêng phụ nữ. Vào các dịp cuối tuần, con trai, con rể của tôi cũng không ngần ngại xắn tay vào bếp phụ vợ nấu ăn, chăm lo cho gia đình”, ông Ngàn chia sẻ.
 
Ông Trà Văn Ngàn, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ), luôn dành thời gian chăm lo bữa ăn cho gia đình.
Ông Trà Văn Ngàn, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ), luôn dành thời gian chăm lo bữa ăn cho gia đình.

 

Vun đắp hạnh phúc gia đình
 
Trước đây, chị Trần Thị Liễu, ở xã Ba Liên (Ba Tơ), rất buồn vì chồng không thấu hiểu, chia sẻ với vợ. Công việc ở cơ quan vất vả, về nhà lại phải vùi đầu vào những việc không tên, khiến chị Liễu lúc nào cũng mệt mỏi, tủi thân. Chị Liễu cho biết, sau khi chị thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình với chồng, chồng của chị đã hiểu ra và dần bỏ thói quen ỷ lại vào vợ, thay vào đó là tích cực vào bếp nấu ăn, chia sẻ việc nhà với vợ. Nhờ đó mà tình cảm vợ chồng chị càng thêm  khăng khít, yêu thương nhau nhiều hơn. 
 
Đối với anh Võ Tấn Tài, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ), nền tảng của một gia đình hạnh phúc, bền chặt đều xây dựng từ sự yêu thương, sẻ chia, thấu hiểu của mỗi thành viên trong gia đình. Do đó, dẫu tất bật với công việc ở cơ quan, nhưng khi có thời gian rảnh, anh Tài không ngại vào bếp nấu ăn cho vợ và các con. Anh Tài vẫn thường lên thực đơn, đi chợ mua nguyên liệu và vào bếp nấu ăn. “Tôi không bao giờ xem chuyện đi chợ, vào bếp, làm việc nhà là sự thiệt thòi, hay mất đi khí chất của đàn ông. Không gì hạnh phúc hơn khi nhìn thấy vợ con thưởng thức những món ăn do chính mình nấu một cách vui vẻ, ngon miệng”, anh Tài phấn khởi nói.
 
 
 
 
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, vợ của anh Tài, vui vẻ bảo rằng, chồng của tôi là người đàn ông luôn biết quan tâm, sẻ chia mọi việc trong gia đình với vợ. Những bữa cơm chồng nấu tuy đơn giản nhưng tôi luôn cảm nhận được tình cảm ấm áp mà chồng đã gửi gắm, chăm chút qua từng món ăn. “Tôi nghĩ hạnh phúc của tôi và những người phụ nữ đơn giản là sau bộn bề công việc, khi quay về với mái ấm của mình luôn cảm nhận sự bình dị nhưng rất đỗi yêu thương từ người chồng biết thấu hiểu, sẻ chia việc nhà, việc bếp với vợ. Những điều giản đơn ấy lại là nền tảng vun đắp hạnh phúc gia đình. Vậy nên, những người đàn ông của gia đình trong thời đại mới đừng ngần ngại đi chợ, vào bếp mà hãy luôn sẵn sàng chia sẻ với một nửa yêu thương của mình”, chị Hiền chia sẻ.
 
Bài, ảnh: HẢI CHÂU
 
 
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
 

 
Xuất bản lúc: 09:01, 27/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.