Tiếp sức ngư dân bám biển

17:36, 17/04/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chính sách hỗ trợ xăng dầu theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ đã tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển. 

Tàu cá cập cảng sau nhiều ngày đánh bắt trên biển.
Tàu cá cập cảng sau nhiều ngày đánh bắt trên biển.

Những ngày này, tại các cảng biển Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), Sa Huỳnh (TX. Đức Phổ) nhộn nhịp cảnh mua bán cá và vận chuyển nhiên, nguyên liệu lên tàu để tiếp tục vươn khơi. Sau khi tiêu thụ cá, ngư dân Lê Tuấn Tin (30 tuổi) ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) vội đến Chi cục Thủy sản tỉnh nhập nhật ký khai thác hải sản để hoàn thiện thủ tục hỗ trợ xăng dầu theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ. Ngư dân Tin chia sẻ, tàu anh thường xuyên đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. Từ Tết đến nay tàu anh ra khơi 2 chuyến biển. Nhờ trời êm, biển lặng nên 2 chuyến đánh bắt cá trở về tàu đầy khoang. Tuy nhiên, hiện nay giá nguyên, nhiên liệu tăng cao, tàu anh không có lãi nhiều. Anh Tin nhẩm tính, 2 chuyến biển vừa qua, tàu thu được gần 800 triệu đồng nhưng với tàu có công suất 400CV ra khơi đánh bắt bình quân 18 - 20 ngày/chuyến thì một phiên biển cũng tốn chi phí khoảng 200 - 250 triệu đồng tiền nguyên, nhiên liệu, trong đó tiền dầu chiếm hơn 125 triệu đồng. Nhờ chính sách hỗ trợ xăng dầu theo Quyết định 48 nên tàu anh yên tâm bám biển.

Ngư dân làm thủ tục để hỗ trợ xăng dầu tại Chi cục Thủy sản tỉnh.
Ngư dân làm thủ tục để hỗ trợ xăng dầu tại Chi cục Thủy sản tỉnh.

Sau chuyến biển 25 ngày đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa trở về, gương mặt còn đen sạm vì nắng gió, chủ tàu QNg 96786TS Nguyễn Thanh Bình, thôn Đông An Vĩnh (Lý Sơn) lo làm thủ tục để được hỗ trợ xăng dầu tiếp tục vươn khơi. Ngư dân Bình cho rằng, cứ sau chuyến biển là đến cơ quan chức năng nhập sổ nhật ký khai thác chứ không để dồn chuyến. Vì mỗi chuyến biển có hành trình khai thác khác nhau. Tàu anh Bình mặc dù có lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng ra khơi vẫn phải nhắn tin đầy đủ về tọa độ của tàu cho các cơ quan chức năng thông qua hệ thống trung tâm quản lý điều hành tập trung giám sát tàu thuyền. Anh Bình bày tỏ, tàu có công suất lớn, để đánh bắt hiệu quả, ngoài kinh nghiệm đánh bắt, chủ tàu cá phải liên tục mua sắm các thiết bị hiện đại phục vụ cho việc khai thác và đảm bảo thông tin liên lạc với các cơ quan chức năng giám sát. Đây là cơ sở hoàn thiện thủ tục để được hỗ trợ xăng dầu.

Theo ngư dân Bình, từ đầu năm đến nay, tàu anh đã đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa được 2 chuyến, thu về hơn 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, “thuyền lớn, sóng lớn”, một chuyến biển, anh chi phí tổn từ 350 - 400 triệu đồng. Số tiền còn lại, anh chia cho 14 bạn tàu và tu sửa tàu thuyền nên chẳng còn bao nhiêu. Vì vậy, chính sách hỗ trợ xăng dầu của Nhà nước là điều kiện để tàu anh tiếp tục vươn khơi bám biển.

Với ngư dân Nguyễn Tấn Nhựt ở Sa Huỳnh phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) thì chính sách hỗ trợ xăng dầu đã giúp anh duy trì được nghề biển và không vi phạm chủ quyền khai thác ở nước bạn. Từ nhiều năm nay, tàu thuyền của anh không vi phạm Luật Khai thác hải sản.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ giúp ngư dân bám biển rất thiết thực. Chi cục tổ chức tiếp nhận các hồ sơ đề nghị hỗ trợ và tổng hợp tham mưu cho Hội đồng thẩm định của tỉnh xét duyệt, trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho ngư dân.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.240 tàu thuyền đánh bắt hải sản trên khắp vùng biển của cả nước. Trước giá cả nguyên, nhiên liệu ngày càng tăng cao và ngư trường ngày càng khan hiếm cá, chính sách hỗ trợ xăng dầu theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần rất lớn cho ngư dân an tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:36, 17/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.