Oanh liệt trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ

09:30, 14/03/2024
.

Đúng ngày này 70 năm về trước, dưới những tán rừng ban trắng muốt, chiến sĩ ta tiến vào trận địa, ngụy trang. Chờ đúng 17 giờ (ngày 13/3/1954) nổ súng khai hỏa, làm rung chuyển “cánh cửa thép” Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hôm nay, hoa ban lại nở trắng, dẫn lối vào di tích Him Lam, nhắc nhở một thời oanh liệt, hào hùng...

Chiến sĩ Bùi Kim Điều vẫn ghi nhớ ngày khai hỏa đánh trận Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ đầy oanh liệt và cả đau thương, mất mát.
Chiến sĩ Bùi Kim Điều vẫn ghi nhớ ngày khai hỏa đánh trận Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ đầy oanh liệt và cả đau thương, mất mát.

Tháng 11/1953, quân Pháp nhảy dù đổ bộ xuống thung lũng Mường Thanh, chiếm đóng Điện Biên Phủ. Và xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương với 3 phân khu, chia thành 8 cụm, 49 cứ điểm kiên cố. Trong đó cứ điểm Him Lam (Beátrice) được bố trí rất mạnh và gần như hoàn hảo, gồm 3 cứ điểm nhỏ nằm trên 3 quả đồi sát cạnh, tạo thế tam giác tựa lưng vào nhau, có thể chống đỡ đối phương từ bốn phía.

Xung quanh cụm cứ điểm được bố trí công sự phụ dày đặc, những bãi mìn đủ loại, xen kẽ giữa lớp hàng rào dây thép gai dày. Ngoài ra còn có nhiều tầng chiến hào nối liền với các lô cốt, ụ súng, hình thành điểm tựa vòng tròn. Đội quân của Pháp bố trí tại Him Lam cũng là một trong những đơn vị thiện chiến, tinh nhuệ nhất lúc bấy giờ - bán Lữ đoàn Lê dương số 13. Về hỏa lực thì được tăng cường tối đa, được trung tâm Mường Thanh, Hồng Cúm yểm trợ nếu bị tấn công. Thực dân Pháp dày công xây dựng cứ điểm Him Lam như vậy nhằm ngăn chặn bộ đội chủ lực ta từ phía Tuần Giáo vào Điện Biên.

Với sự phòng ngự chắc chắn, Pháp lớn tiếng tuyên bố Him Lam là “cánh cửa thép” của “pháo đài không thể công phá”, “cối xay thịt” Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến sĩ Điện Biên Bùi Kim Điều (tổ dân phố 9, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ) khi ấy thuộc biên chế Đại đội 4, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312, tham gia trận mở màn đánh vào căn cứ Him Lam kể lại: “Máy bay địch bay khắp nơi rải truyền đơn và phát loa rêu rao nhằm làm nao núng ý chí của chiến sĩ ta. Nhưng đã chọn con đường cách mạng thì chúng tôi đi theo đến cùng, không nghĩ đến sống chết mà quyết chiến giành lại độc lập dân tộc”.

Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Hữu Chấp (tổ dân phố 20, phường Him Lam) khi ấy là khẩu đội trưởng cối 82, Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại Đoàn 312 cũng kể lại: “Đảng viên chúng tôi làm gương, mỗi người viết 1 quyết tâm thư sẵn sàng, xung phong hoàn thành nhiệm vụ, hạ gục Him Lam, không để trận đánh kéo dài. Các chiến sĩ cũng tự tay viết khẩu hiệu riêng “quyết đánh quyết thắng, không thắng không về” lên mẩu giấy nhỏ rồi cài trên mũ. Cứ thế không khí sôi sục hành quân vào trận địa”.

“Với tinh thần ấy, đêm 12/3/1954, chúng tôi hành quân vào trận địa, trời mưa như trút, nhích từng tí trên bùn lầy. Sớm ngày 13/3 mới đến nơi bày trận địa, ngụy trang. Tôi cùng nhiều anh em ẩn nấp ở giao thông hào trên cánh đồng Him Lam. Khi ấy người dân bản địa đã bị Pháp dồn bắt vào các khu tập trung, cánh đồng bỏ hoang, cỏ mọc ngang người. Cả một ngày chờ đợi căng thẳng, đến đúng 17 giờ thì quân ta nổ súng mở màn, rồi ào ào đạn pháo bay thẳng vào căn cứ của địch” - ông Nguyễn Hữu Chấp hồi tưởng.

Toàn bộ Him Lam rung chuyển, quân Pháp hãi hùng trước đòn tấn công bất ngờ. Ngay loạt đạn đầu tiên, pháo binh ta đã lập công bắn sập sở chỉ huy Trung tâm Đề kháng Him Lam, phá hủy hệ thống điện đài, cắt đứt liên lạc giữa Him Lam với Mường Thanh. Tại cứ điểm số 1, sau gần 1 tiếng, bộ đội ta đã phá được hàng rào, tiến công thẳng vào đặt bộc phá tiêu diệt hầm chỉ huy, giương cao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng”. Dù địch phản kích ác liệt nhưng đến 22 giờ 30 phút, quân đội ta giải quyết xong cứ điểm 2 và 23 giờ 30 phút giành thắng lợi tại cứ điểm 3. Trận mở màn thắng lợi. Hơn 400 lính Pháp bị loại khỏi vòng chiến đấu. Quân đội ta cũng chịu không ít thương vong.

“Cánh cửa thép” Him Lam năm xưa nay đã trở thành di tích lịch sử, là điểm đến tham quan, tri ân cho nhiều người dân và du khách.
“Cánh cửa thép” Him Lam năm xưa nay đã trở thành di tích lịch sử, là điểm đến tham quan, tri ân cho nhiều người dân và du khách.

Lặng đi một lúc khi nhớ lại những mất mát, đau thương, chiến sĩ Điện Biên Bùi Kim Điều kể: “Sau 3 loạt pháo, địch chống trả yếu, chúng tôi chia 2 mũi tấn công, đánh bộc phá hàng rào dây thép gai chắc chắn của địch, mở đường ồ ạt tiến lên. Lúc này khói bay mù mịt, tai ù đi vì tiếng bom đạn nhưng vẫn xông lên. Đến nửa chừng đồi còn 1 cứ điểm địch có lô cốt xả đạn mạnh, đơn vị tôi thương vong không ít. Anh Phan Đình Giót dùng băng đạn cuối cùng vừa bắn vừa lao thẳng vào lấp lỗ châu mai, dập tắt hỏa điểm của địch. Quân ta nhanh chóng xông lên tiêu diệt địch, giành chiến thắng mở màn...”.

Từ chiến thắng Him Lam, quân ta khí thế tiến lên, tiêu diệt từng cứ điểm của Pháp. Đến 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm tường Đờ-cát, “pháo đài quân sự bất khả xâm phạm” của quân viễn chinh Pháp sụp đổ hoàn toàn, ghi dấu 1 Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

70 năm đã trôi qua, những thanh niên năm xưa sôi sục khí thế ra chiến trận bảo vệ Tổ quốc, góp máu đào làm nên chiến thắng nay đều đã già yếu, nhiều người không còn nữa. Nhưng ký ức về trận đánh Him Lam oanh liệt, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi chắc chắn vẫn mãi “xanh” trong sử sách cho đến mai sau.

Theo NGUYỄN HIỀN/baodienbienphu.com.vn

 

   

Xuất bản lúc: 09:30, 14/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.