Nhớ những Tết xưa...

09:02, 10/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nói là “xưa” nhưng thực ra đó là những cái Tết sau ngày miền Nam giải phóng. Lúc bấy giờ đất nước rất khó khăn. Lương thực, thực phẩm và các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu vô cùng thiếu thốn. Tuy nhiên, người dân ở khắp vùng miền, nhất là ở nông thôn vẫn đón Tết đúng với nghĩa “Tết cổ truyền”…

TIN LIÊN QUAN

Những thứ được xem là “cơ hữu”, không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên đán của người dân xứ Quảng là hoa quả tươi, bánh mứt, thịt heo, dưa món, bánh tét, bánh chưng… Nhà dù nghèo đến mấy cũng cố sắm sang cho được những thứ này. Đôi khi nó rất ít, chỉ mang ý nghĩa tượng trưng hoặc chỉ cây nhà lá vườn, nhưng những sản vật ấy đã gửi ước vọng đến năm mới sẽ có sự đủ đầy và làm cho ngày Tết thêm vui.

Hoa tươi ngày Tết

Những năm đầu mới giải phóng, làng quê trơ trụi vì bom đạn chiến tranh tàn phá. Cả một vùng nông thôn rộng lớn không có một bóng cây xanh. Lúc bấy giờ, dù trong nước đã có nhiều làng hoa, nhưng việc vận chuyển rất khó khăn nên ngày Tết hoa tươi rất đắt. Để có những bình hoa đẹp trên bàn thờ tổ tiên và chưng trong ba ngày Tết, nhà nhà đều trồng hoa. Phổ biến nhất là hoa vạn thọ, mào gà, các loại cây nhiều màu như phát vũ và sau này thêm những giống mới như thược dược, hướng dương, cúc…

Bánh tét ngày xuân.
Bánh tét ngày xuân.


Bình hoa tươi trên các bàn thờ trong ngày Tết xưa ở quê là tổng hợp nhiều cành hoa, lá đẹp nhất trong vườn. Riêng hoa chưng trong nhà không phải là bon sai, mai, đào hay các loại hoa du nhập từ các tỉnh về như Tết ngày nay, mà chỉ là vạn thọ, hướng dương, thược dược... Nó được bứng cả gốc, cho vào chậu, mang vào nhà. Gia đình nào chơi hoa sành điệu thì ngày Tết thường tìm cho được một nhánh mai vàng. Những năm tháng sau chiến tranh, mai trong vườn, mai kiểng chưa kịp phục hồi. Vì vậy, nhà nào có cây mai lớn thường chăm bẳm cho phát triển để Tết có thể bán cành hoặc làm món quà quý tặng người thân, bạn bè.

Hoa Tết ngày xưa giản dị và có gì đó gần gũi, thân quen. Có lẽ, nó được chủ nhân trực tiếp chăm chút qua những ngày đông giá lạnh và sinh sôi ngay trong sân vườn, nên có sự kết tinh tình cảm giữa hoa lá với người trồng. Ngày nay, hoa Tết phong phú hơn, nhưng đa phần là từ các chợ hoa cung ứng. Vì vậy, ở các mảnh vườn quê bây giờ cũng thiếu dần đi sắc màu của hoa Tết.  

Mùi hương tháng Chạp

Ngày xưa, cứ khoảng giữa đến cuối tháng Chạp xóm làng sôi động hẳn lên vì vào mùa cao điểm làm bánh mứt Tết. Những ngày này, trong từng nếp nhà, đường làng, ngõ xóm sực nức hương thơm của nếp nổ, gừng rim, đường sên…


Ở quê ngày xưa, những nguyên liệu làm bánh mứt như nếp, mè, gừng, đậu… thường là những loại “tự sản, tự tiêu”. Có nghĩa, những thứ ấy do người dân trồng trọt, thu hái từ đồng ruộng và trong vườn nhà. Vườn thì ai cũng có, nhưng ruộng thì hầu hết đã vào hợp tác xã, nên lúa nếp được chắt chiu trên đất 5% hoặc những mảnh ruộng con con diện “khai hoang phục hóa”. Vì vậy, nếp của mỗi gia đình rất ít. Mà ít thì quý, nên các mẹ, các chị rất chắt chiu, chỉ dùng cho những ngày cúng giỗ, lễ Tết.

Với nguyên liệu chính là nếp thôi, các mẹ, các chị đã làm ra biết bao loại bánh cho ngày Tết như bánh nổ, bánh mè, bánh in, bánh chưng, bánh tét… Kỹ thuật và mỹ thuật làm bánh Tết đã được trao truyền qua biết bao thế hệ, bây giờ đã mai một dần. Các loại bánh kẹo, mứt sản xuất công nghiệp đã thay cho các loại bánh làm từ đôi tay khéo léo của phụ nữ nông thôn. Theo đó, sự rộn ràng của mùa làm bánh Tết và mùi hương tháng Chạp cũng mất dần.

Nhớ nồi bánh tét đêm Ba mươi

Tết xưa, vào những đêm đón giao thừa, nhà nào ở quê cũng bập bùng ánh lửa nấu bánh chưng, bánh tét. Những năm tháng ấy nông thôn chưa có điện. Vì vậy, đêm Ba mươi càng tối mịt mùng. Nhờ những bếp lửa bập bùng nấu bánh mà xóm làng sáng hơn, ấm áp hơn. Đêm giao thừa vì thế cũng bớt tĩnh lặng!

Thời ấy, đêm Ba mươi người lớn tất bật với những phần việc cuối cùng của năm cũ và chuẩn bị lễ vật đón thời khắc giao thừa. Còn trẻ con thường ngồi bên bếp lửa hồng vừa sưởi ấm, vừa… trông chờ. Chúng biết, trong nồi bánh đang sôi sùng sục ấy có chùm bánh ú mà các bà, các mẹ đã cố tình để dành phần nếp không đủ gói cây bánh tét, lại thừa gói một bánh chưng, để làm cho chúng những chiếc bánh ú con con.

Tuổi lên chín, lên mười làm gì có sức và có chuyện lãng đãng “trông bánh chưng chờ trời sáng”. Có chăng, động lực giúp trẻ con thức khuya chỉ là “trông bánh chưng chờ… bánh ú”. Với tuổi thơ của một thời gian khó đói lòng, được thưởng thức hương vị của chiếc bánh ú to bằng nắm tay của trẻ con trong đêm Ba mươi nó ngon đến tuyệt vời và là những kỷ niệm khó quên trong đời.

Ngày nay, bánh chưng, bánh tét đã trở thành hàng hóa xuất hiện phổ biến ở siêu thị, chợ búa. Nhiều hộ gia đình đã làm và kinh doanh một cách chuyên nghiệp loại bánh này. Chuyện nồi bánh chưng, bánh tét đêm Ba mươi cũng ít dần trong mỗi nếp nhà. Vì vậy, đêm giao thừa những Tết nay cũng giảm phần ấm áp.

Bây giờ, cứ mỗi lần xuân về lại nhớ hương vị Tết xưa. Nhớ hoa lá trong vườn, nhớ hương tháng Chạp, nhớ đêm Ba mươi ấm áp rực hồng và nhiều nỗi nhớ không tên khác. Nhớ thì nhớ vậy thôi, chứ “bao giờ trở lại... ngày xưa?”.


THANH TOÀN
 


.