Đi lễ chùa làng đầu năm

09:02, 05/02/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Đầu năm mới đi lễ chùa là thói quen của nhiều người Việt. Ở quê tôi, mọi người đều chọn điểm khởi hành đầu tiên là ngôi chùa làng như một tục lệ thanh tao trong ngày đầu năm.
Sau khi đã hoàn thành mâm cỗ cúng gia tiên, hầu hết các gia đình đều tìm đến những ngôi chùa linh thiêng, thanh tịnh để lễ Phật đầu năm. Họ đến để vãn cảnh chùa và thắp nhang cầu bình an cho người thân trong năm mới.
 
Chùa Từ Ân ở thôn Ân Phú, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) ngày thường im ắng, nhưng mồng 1 có nhiều người ra vào. Tuy đông, nhưng đi lễ chùa ai cũng thành tâm khấn lễ, đi nhẹ, nói khẽ nên không khí yên tĩnh của ngôi chùa làng không bị phá vỡ.
 
Chùa Từ Ân ngày đầu năm đón đông đảo người dân đến lễ Phật
Chùa Từ Ân ngày đầu năm đón đông đảo người dân đến lễ Phật
Cụ Võ Sáu tuổi đời đã gần 90, có mặt ở chùa từ sáng sớm để thắp hương lên hơn 10 bát nhang trong khuôn viên. Cụ Sáu cho biết: Từ nhỏ, tôi đã có thói quen đi chùa cùng gia đình. Không phải là ngôi chùa nào khác, chùa làng Từ Ân luôn là nơi tôi đến trong ngày mồng 1. Thói quen ấy, chỉ đứt đoạn trong thời buổi loạn lạc, chiến tranh.
 
Cụ Võ Sáu cũng như các bậc bô lão trong làng, chẳng ai nhớ chùa được xây dựng từ thuở nào. Chỉ biết, ngôi chùa ấy gắn liền với sự hình thành và thăng trầm thời gian cùng “ốc đảo” Ân Phú. Sau những lần chùa làng cùng hơn 300 nóc nhà bị lũ sông Trà bủa vây, kiến trúc chùa không còn được vững chải. Nhưng để có nơi người dân ốc đảo tề tựu ngày đầu năm, ngôi chùa nhanh chóng được nhân dân, phật tử đóng góp sửa chữa lại.
 
Nén nhang thành kính cầu bình an trong năm mới
Nén nhang thành kính cầu bình an trong năm mới
Trong không khí hân hoan những ngày đầu xuân, trong khi người dân khắp nơi tìm đến những ngôi chùa lớn để vãn cảnh, đi lễ, thì hơn 1 nghìn người dân Ân Phú vẫn trung thành với ngôi chùa làng đơn sơ.
 
Nhưng so với những ngôi chùa lớn, cảm giác gần gũi, thân thuộc của ngôi chùa làng lại nổi trội hơn hẳn. Cái hay ở chỗ, nhiều người làng cả năm chỉ cúng lễ ở nhà, nhưng đến ngày mùng 1 Tết, họ đều có mặt ở chùa như một tục lệ khó đổi.
 
Bởi vậy, đi chùa ở Ân Phú không chỉ mang màu sắc tôn giáo mà còn thấm đượm tính cộng đồng. Khi đi lễ tại đây, người làng hướng tới sự gắn kết trong chính cộng đồng làng mình. Ở đó, mọi người đều quen biết nhau, rổn rảng chào hỏi khi gặp lại sau một năm tha hương, lao động vất vả.

 

Những chậu hoa vạn thọ khoe sắc do chính tay sư thầy và phật tử ươm trồng, chăm sóc
Những chậu hoa vạn thọ khoe sắc do chính tay sư thầy và phật tử ươm trồng, chăm sóc
Gia đình anh Võ Thành Tuân từ lâu đã định cư ở phía Nam, nhưng cứ Tết nào có dịp về thăm quê, thì anh cũng đi viếng chùa đầu năm. “Năm nào về quê, cứ mùng 1 Tết là gia đình thường đi chùa để cảm nhận được sự ấm áp, ấm cúng trong gia đình. Vãng cảnh chùa đầu năm mới khiến cho tâm tư gia đình mình thoải mái, trong cuộc sống cũng thấy an lành hơn, hạnh phúc hơn. Đây cũng là dịp mình gặp lại bà con, hàng xóm để thăm hỏi, giao lưu sau thời gian không gặp vì bận lo cơm, áo, gạo, tiền”- anh Tuân trải lòng.
 
Mọi người đi lễ chùa đầu năm để cầu sức khỏe, bình an và mọi điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Bên cạnh việc lễ Phật, mọi người cũng không quên vào trong khu thờ tự, thắp một nén nhang cho những người đã khuất.
 
Sau khi thắp nhang đi lễ, mọi người đều nán lại dạo bước tham quan những cảnh đẹp của chùa. Khác với ngày thường, chùa làng Từ Ân cũng rực rỡ hẳn bởi hàng nghìn chậu vạn thọ khoe sắc. Đây là những chậu hoa do chính tay trụ trì chùa cùng bà con phật tử cất công ươm trồng và chăm sóc. Không khí mùa xuân dịu dàng như len lỏi vào tận lòng người khi vãn cảnh chùa thanh tịnh.

 

Khuôn viên chùa rực rỡ hoa giúp người đi lễ phật có cảm giác an bình, thảnh thơi
Khuôn viên chùa rực rỡ hoa giúp người đi lễ phật có cảm giác an bình, thảnh thơi
 
Không biết tự bao giờ, ở quê tôi, ngày mồng 1 Tết, nếu ai không đi chùa lễ Phật đầu năm, thì hẳn Tết ấy chẳng thể vẹn tròn. Đi lễ chùa làng ngày Tết là hạnh phúc được sống chậm, sống chung trong cộng đồng nhỏ nhiều người thân thuộc.
 
Đến chùa dâng một nén hương, lòng người như trút bỏ hết mọi muộn phiền không vui để hướng về cái thiện, cái hay ở phía trước. Cảnh chùa ẩn hiện sau màn khói hương, lan tỏa hòa vào đất trời, tạo nên một khung cảnh thật ấm áp của mùa xuân.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.