Độc đáo nghệ thuật điêu khắc ở chùa Ông

04:10, 12/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chùa Ông tọa lạc tại xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), đến đây du khách không chỉ được tận hưởng phút giây thanh tịnh mà còn được chiêm ngưỡng nghệ thuật điêu khắc độc đáo.

TIN LIÊN QUAN

Chùa Ông cách TP.Quảng Ngãi 10km về hướng đông. Trước mặt chùa là một nhánh của dòng sông Vệ hiền hòa xuôi về cửa Đại hướng ra Biển Đông. Vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, về chùa Ông du khách luôn có cảm giác thư thái, bởi những luồng gió mát từ sông và vẻ đẹp nên thơ, thanh tịnh của chùa.

 

Chùa Ông - nơi còn lưu giữ nguyên vẹn những giá trị nghệ thuật cổ xưa.       ẢNH: TRƯỜNG AN
Chùa Ông - nơi còn lưu giữ nguyên vẹn những giá trị nghệ thuật cổ xưa. ẢNH: TRƯỜNG AN


Chùa Ông được tạo lập vào năm 1821. Đây là công trình được xây dựng dựa trên sự kết hợp nhuần nhuyễn của 18 chi họ tộc Minh hương (Trung Hoa) và người Việt. Chùa thờ nhân vật chính là Quan Công, Chu Thương, Quan Bình ở gian chính điện; hậu cung thờ Phật Bà Nam Hải, Quan Âm. Chánh điện còn thờ ngựa xích thổ, thổ trạch, thần tài, bài vị tiền hiền của tộc họ Minh hương. Chùa Ông từ khi tạo lập đã trải qua bốn lần trùng tu, nhưng hiện vẫn giữ được nguyên vẹn giá trị cổ xưa. Nóc mái chùa lợp ngói âm dương, đình mái cong hình chiếc thuyền rồng. Chùa được xây dựng theo dạng chữ tam.

Du khách đi vào chùa qua cổng tam quan, nơi có lối kiến trúc độc đáo, được thể hiện ở mặt trước của trụ biểu bình phong đắp nổi hình con beo nhe nanh múa vuốt, mặt sau đắp nổi hình con li lượn trên áng mây được tô màu rất sinh động. Trên đỉnh bình phong là hạt minh châu, chính giữa là bức hoành ghi “Quan thánh tự” bằng chữ nho đắp nổi. Phần trên là hình lưỡng long tranh châu và song phụng triều quy. Ở hai đầu các con vật này ghép sành sứ rất sinh động trông như đang uốn mình tranh giỡn, tung cánh bay lượn.

Mái chùa Ông lợp ngói âm dương.                                                             ẢNH: CẨM THƯ
Mái chùa Ông lợp ngói âm dương. ẢNH: CẨM THƯ


Chùa Ông được chia làm 3 gian, tiền đường, chính điện và hậu cung. Nhà tiền đường có 18 cột, chia làm ba gian hai chái; 3 cửa vòm lớn ở mặt trước, vách sau là hệ thống bản khoa. Bốn bộ vì kèo trang trí chủ yếu là lưỡng long tranh châu, bát bửu, tứ linh và thực vật hoa lá bằng nghệ thuật chạm thủng trên gỗ của những người thợ tài hoa.

Rời khỏi nhà tiền đường, du khách bước vào nhà chánh điện nơi thờ quan thánh uy nghiêm đĩnh đạt. Nổi bật ở gian này là khám thờ Quan Công. Đỉnh khám thờ được trang trí lưỡng long tranh nhật hết sức sống động, thân khảm trang trí đề tài đăng đối mai hạc và hoa cúc, nghệ thuật chạm khắc gỗ đều cân phân, hài hòa, tinh vi.

Bước qua hậu cung, du khách sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của 45 pho tượng lớn, nhỏ bằng đồng, bằng gỗ, bằng đất nung được sơn son thếp vàng. Các pho tượng được chia làm 3 nhóm để thờ: Nhóm tượng Phật; nhóm tượng bà Thiên Hậu với Thiên Lý Nhãn, Thiên Lý Nhĩ, Cửu Thiên Huyền Nữ và nhóm thờ Kim Đẩu với 12 bà mụ. Qua hết gian hậu cung là đến am tiểu điện, người giữ bình yên trong chùa.

Giám đốc Ban quản lý chùa Ông Từ Quang Tuấn cho hay, Chùa Ông không chỉ có nghệ thuật chạm trỗ, điêu khắc độc đáo, mà hiện còn lưu giữ nhiều pho tượng có niên đại từ hàng trăm năm trước được tạo tác công phu và nhiều hiện vật cổ. Chùa còn giữ được 16 sắc phong của các đời vua công nhận giá trị kiến trúc của chùa. Năm 1993, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) xếp hạng chùa Ông là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia.


TRƯỜNG AN



 


CÁC TIN KHÁC
.